Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Đời sống

Chưa có đơn giá cho sản phẩm tái chế từ rác

Chưa có đơn giá cho sản phẩm tái chế từ rác

24/07/2025, 17:07

Tổng công ty Nước môi trường Bình Dương (Biwase) vừa kiến nghị với Đoàn giám sát Quốc hội khảo sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại TP.HCM sáng 24/7.

Sáng 24/7, Đoàn Giám sát - Quốc hội Khóa XV do ông Lê Minh Hoan, Phó chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đã tổ chức khảo sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành" tại Biwase.

Chưa có đơn giá cho sản phẩm tái chế từ rác- Ảnh 1.

Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan khảo sát hệ thống xử lý nước rỉ rác tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương.

Báo cáo với Đoàn giám sát, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Biwase cho biết: Hiện vốn nhà nước đang nắm giữ tại Biwase là 19,44%, còn lại là các tổ chức, cá nhân khác. Biwase hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nước sạch; thu gom, vận chuyển, xử lý rác; xử lý nước thải.

Biwase có vốn điều lệ 2.199 tỷ đồng với tổng tài sản lên trên 14.200 tỷ đồng. Trong đó, BIWASE đang quản lý vận hành 9 nhà máy cấp nước tại tỉnh Bình Dương (cũ) với mạng lưới phân phối dài gần 7.000km và 17 nhà máy cấp nước tại các tỉnh, thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Quảng Bình...

Trong lĩnh vực môi trường, Biwase hiện đang vận hành một Khu liên hợp xử lý chất thải với diện tích 100ha, công suất xử lý 2.800 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày và 4 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất 90.000m3/ngày.

Trong công tác bảo vệ môi trường, Biwase luôn chủ động, tích cực triển khai các giải pháp xử lý môi trường, góp phần cải thiện hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường tại địa phương.

Chưa có đơn giá cho sản phẩm tái chế từ rác- Ảnh 2.

Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan khảo sát sản phẩm tái chế được sản xuất từ rác thành vật liệu xây dựng tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương.

Cụ thể đối với công tác xử lý rác thải Biwase đã ứng dụng nhiều công nghệ để phân loại tái chế rác thành những sản phẩm có ích như tái chế rác làm phân bón hữu cơ. Lượng rác còn lại sau phân loại được đốt để phát điện, tro xỉ tiếp tục được tái chế thành vật liệu xây dựng (gạch không nung, gạch xây, gạch bê tông, bê tông tái chế) thân thiện với môi trường.

Theo báo cáo của Biwase, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương có công suất tiếp nhận, xử lý và tái chế chất thải được phê duyệt trên 6.600 tấn/ngày, trong đó chất thải sinh hoạt 3.511,6 tấn/ngày; chất thải công nghiệp thông thường 1.204,7 tấn/ngày; chất thải công nghiệp nguy hại 1.732,08 tấn/ngày; chất thải xây dựng 160 tấn/ngày.

Hiện tại hàng ngày Khu liên hợp tiếp nhận chất thải sinh hoạt trên 2.300 tấn/ngày, chất thải công nghiệp thông thường trên 300 tấn/ngày, chất thải nguy hại trên 90 tấn/ngày, chất thải y tế trên 03 tấn/ngày.

Theo ông Trần Chiến Công, Tổng giám đốc Biwase, khó khăn trong công tác xử lý chất thải hiện nay là chưa có định mức tiêu hao chi phí cụ thể cho các công đoạn xử lý và hoạt động dịch vụ vận hành bảo trì trong xử lý rác sinh hoạt, nhất là xử lý bậc cao, tái chế sâu.

Bởi không thể xây dựng được đơn giá xử lý tái chế một cách chính xác, vì chi phí thực tế sản xuất các sản phẩm tái chế lại cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất cùng loại sản phẩm bằng cách khai thác nguyên liệu tự nhiên.

Điều này làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn cho hoạt động xử lý chất thải khép kín dù mang lại giá trị lớn cho môi trường. Vì thế, doanh nghiệp càng tái chế sâu thì càng thiệt hại, thua lỗ.

Chưa có đơn giá cho sản phẩm tái chế từ rác- Ảnh 3.

Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan khảo sát sơ đồ hệ thống đốt rác phát điện tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương.

Đối với đơn giá của 4 nhà máy xử lý nước thải do Biwase đầu tư đến nay cũng chưa được duyệt nên vẫn chưa tổ chức đấu thầu vận hành. Công tác đấu nối cũng gặp khó khăn do người dân e ngại tốn kém chi phí đấu nối nước thải cao...

Do đó, Biwase đề xuất cho phép đơn giá định mức lấy theo chi phí thực tế đối với các chi phí không có định mức. Cho doanh nghiệp được hưởng từ 5% đến không quá 10% lãi định mức, đồng thời thanh toán kịp thời chi phí xử lý cho doanh nghiệp.

Ông Trần Chiến Công kiến nghị sớm điều chỉnh giá xử lý rác cho công ty vì từ năm 2017 đến nay chưa điều chỉnh, mặc dù kiểm toán nhà nước có kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương cũ điều chỉnh đơn giá cho Công ty.

Đối với chính sách ưu đãi sản phẩm tái chế từ xử lý rác, nước thải ra vật liệu xây dựng, phân bón cần có chính sách hỗ trợ giá. Vì sản xuất sản phẩm tái chế là để giảm việc chôn lấp, tuy nhiên nguyên liệu không thuần, cần phải có phụ gia, gia công và nhiều công đoạn nên tốn kém hơn, giá thành cao hơn.

Đối với vốn đầu tư thì doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận do chưa có tiêu chí cụ thể hoặc tiếp cận được thì giá trị cho vay không đáp ứng nhu cầu đầu tư mà lại đòi tài sản thế chấp lớn...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.