Phía sau sự thần tốc ấy từng có những đêm công trường không nghỉ, những giây phút "cân não" tìm kiếm giải pháp "vượt nắng, thắng mưa", vượt địa hình hiểm trở, vượt rào cản mặt bằng, vật liệu và những kỹ sư, công nhân "quên mình" bám công địa…
"11h34 ngày 15/4/2025: Anh em ăn trưa luôn tại công trường.
21h35 ngày 15/4/2025: Lãnh đạo Ban QLDA 6 đi động viên đơn vị thi công và tư vấn giám sát… Trên công trường gần 30 máy lu, thiết bị, 18 lái xe máy"
Những bức ảnh kèm theo lời nhắn được kỹ sư Phạm Xuân Ước, Tư vấn giám sát gói thầu XL01 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh (thuộc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình giao thông 2) liên tục chia sẻ với phóng viên.
Cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng (Ảnh: Hà Vũ).
Chặng nước rút cuối cùng trên tuyến chính, khu vực thi công cao tốc Bùng - Vạn Ninh vẫn đón những cơn mưa bất chợt kéo dài. "Có thời điểm, các mũi thi công đang tăng ca thi công cấp phối, đến 20h tối, cơn mưa rào ập tới đến tận 1 - 2h. Sáng hôm sau, trời hửng nắng, kỹ sư, công nhân lại tất tả lao ra công địa, chạy đua với ánh mặt trời để hoàn thiện nhanh lớp móng, tạo đà bứt tốc lớp bê tông nhựa.
Tư vấn, nhà thầu vào cuộc, chủ đầu tư cũng kề vai sát cánh. Có những ngày dù 21 - 22h, lãnh đạo Ban QLDA 6 vẫn đến hỏi thăm anh em với những túi quà nhỏ có nước, thuốc, lương khô. Vật chất không lớn, song, ai nấy đều cảm thấy được chia sẻ, được tiếp thêm động lực làm tốt phần việc còn lại", anh Ước kể.
Cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng (Ảnh: Hà Vũ).
Ngược dòng ký ức về năm 2023, theo kỹ sư Phạm Xuân Ước, đó là khoảng thời gian dự án gặp nhiều khó khăn nhất. Từ tháng 8 - 12 mưa liên tục, công tác đắp đất thi công nền "đóng băng", chỉ lác đác một vài đơn vị thi công hạng mục cống thoát nước.
"Tạo thế chủ động cho dự án, trên cơ sở đề nghị của tư vấn, hàng loạt nhà thầu như: Tập đoàn Cienco4, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty 36, Công ty 471… đã huy động phương tiện tập kết vật liệu dạng hạt, cấp phối đá dăm, đá bê tông nhựa.
Thời điểm ấy, dự án mới đang ở giai đoạn thi công nền, thời gian, khối lượng thi công lớp móng mặt chưa xác định cụ thể. Việc bỏ ra một số tiền lớn để tập kết vật liệu cho các giai đoạn thi công sau sẽ rất dễ khiến nhà thầu đọng vốn, "hụt hơi" về tài chính. Song, nhờ sự mạnh dạn đó, nhà thầu đã tránh được tình trạng căng thẳng, khan hiếm vật liệu khi nhiều dự án giao thông khác đồng loạt tăng tốc về đích năm 2025.
Đây là một trong những giải pháp then chốt giúp dự án đáp ứng thời gian về đích sớm", kỹ sư Phạm Xuân Ước nhận định.
Một đoạn tuyến trên cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng (Ảnh: Hà Vũ).
Đảm nhận vai trò giám đốc điều hành công trình cầu Long Đại trên tuyến cao tốc đoạn Bùng - Vạn Ninh, kỹ sư Doãn Thái Đại thuộc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính cũng không thể quên chuỗi ngày vượt khó thi công cây cầu đi qua địa hình phức tạp nhất dự án.
"Thách thức đầu tiên là công tác GPMB. Triển khai công trình, số hộ dân tái định cư không nhiều (khoảng 10 hộ) nhưng việc thống nhất đơn giá đền bù kéo dài bởi người dân mong muốn đơn giá cao hơn mức quy định của nhà nước.
Cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng - (Ảnh: Hà Vũ).
Công ty Trung Chính đã nhanh chóng cùng cơ quan chức năng sở tại đến vận động từng hộ dân, chấp nhận tự bỏ thêm chi phí cùng với chi phí GPMB của địa phương, hỗ trợ người dân trong công tác tái định cư, di chuyển tài sản trên đất, bàn giao mặt bằng sớm cho nhà thầu", kỹ sư Đại nhớ lại.
Tiếp lời, anh Đại kể: Đến 30/6/2024, công tác GPMB hoàn thành ở các hộ dân cuối cùng. Lúc này, nhiệm vụ của nhà thầu là phải dồn lực tăng tốc, làm nhanh nhất có thể 4 nhịp cầu cuối cùng. Công ty Trung Chính đã huy động khoảng 100 nhân công, số lượng thiết bị tăng gấp nhiều lần phương án xây dựng ban đầu để tăng ca, tăng kíp. Sau 3 tháng liên tục, 4 nhịp cầu còn lại hoàn thành, rút ngắn 1/2 thời gian thực hiện so với thông thường.
Các nút thắt được tháo gỡ, đến tháng 1/2025, công trình cầu Long Đại cơ bản hoàn thành, vượt tiến độ 11 tháng so với thời gian ký kết tại hợp đồng ban đầu và vượt khoảng 2 - 3 tháng so với thời gian về đích điều chỉnh (30/4/2025).
Cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi - (Ảnh: Văn Thanh).
Theo kỹ sư Doãn Thái Đại, với kinh nghiệm thi công ở nhiều công trình cầu lớn, ngay từ khi tiếp cận dự án, Công ty Trung Chính đã tìm hiểu kỹ lưỡng đặc thù địa hình, thời tiết, tính toán chi tiết phương án tổ chức thi công ở từng thời điểm.
Ở miền Trung, mùa mưa thường kéo dài từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 12 hàng năm. Tiếp cận dự án, nhà thầu xây dựng kế hoạch, trước mùa mưa lũ phải đưa các hạng mục dưới (khoan cọc nhồi, bệ trụ…) vượt mặt nước; trong mùa mưa lắp đặt hệ thống mái che thi công nhịp cầu đúc hẫng, dầm Super-T; Hết mưa thì thi công gác dầm.
"Nhớ nhất là thời điểm thi công 5 trụ cầu giữa sông Long Đại. Từ lúc khởi công đến mùa lũ 2023, chúng tôi chỉ có 8 tháng chạy đua.
Thi công những mét thảm cuối cùng trên cao tốc đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (Ảnh: Hà Vũ).
Xác định hoàn thành các hạng mục dưới nước của 5 trụ cầu này trước mùa lũ, công trình mới đạt được mục tiêu rút ngắn tiến độ, thay vì thực hiện thi công tuần tự, trụ này xong mới di chuyển đà giáo, thiết bị đến trụ kế tiếp, Công ty Trung Chính đã huy động thiết bị, nhân lực gấp 4 - 5 lần so với kế hoạch, vượt mưa phùn gió bấc, tổ chức thi công 24/7 đồng thời 5 trụ. Đến khi lũ về cũng là lúc trụ T7 kịp hoàn thành đổ bê tông", kỹ sư Doãn Thái Đại chia sẻ.
Hướng ánh mắt về tuyến cao tốc đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng trước ngày thông xe, ông Nguyễn Khắc Trung, Giám đốc điều hành dự án (thuộc Ban QLDA Thăng Long) trào dâng sự xúc động. Một năm trước, việc đưa dự án về đích sớm là điều chủ đầu tư, nhà thầu không dám nghĩ tới.
"Đến giữa tháng 9/2023, sau 8 tháng kể từ ngày khởi công, dự án mới được khơi thông nguồn đất đắp. Song, thách thức lại đến khi thời điểm có đất cũng là lúc mùa mưa đến, công tác đắp đất nền đường không thể triển khai.
Đầu năm 2024, dự án rơi vào nhóm chậm tiến độ khi sản lượng mới đạt 14% giá trị hợp đồng, đường công vụ dọc tuyến chưa thông do vướng mặt bằng, các hệ thống công trình hạ tầng điện, viễn thông, nước, công trình thủy lợi chưa được di dời, chia cắt công trường", ông Trung kể.
Theo ông Trung, sau khi Thủ tướng phát động đợt thi đua cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, thông xe tuyến chính dự án vào dịp 30/4/2025, chủ đầu tư, tư vấn, lãnh đạo chủ chốt của nhà thầu đã cùng nhau ngồi lại rà soát toàn bộ công việc, những hạng mục quan trọng như: nền đất yếu, các vị trí đào sâu, các cầu lớn được xác định để dồn lực triển khai.
Công nhân cấp tập thi công dải phân cách dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi (Ảnh: Văn Thanh).
"Một trong những vấn đề then chốt được đưa ra là kế hoạch tiến độ xây dựng phải tính toán đến yếu tố thời tiết, hạn chế sự bị động trước diễn biến mưa - nắng thất thường.
Khi trời mưa, các bộ phận công trường tranh thủ nghỉ ngơi, bảo dưỡng thiết bị, bảo đảm điều kiện hoạt động tối đa công suất khi thời tiết thuận lợi. Bộ phận chỉ huy, nội nghiệp tranh thủ hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, tập trung giải quyết các vấn đề về kỹ thuật, làm việc với các địa phương xử lý các tồn tại về mặt bằng.
Lúc thời tiết thuận lợi, công trường tăng ca, tăng kíp, làm việc từ 15 - 16h/ngày, thậm chí là 24h/24h để hoàn thành dứt điểm các hạng mục. Cao điểm, các nhà thầu huy động nguồn lực gần 200% so với thông thường. Sản lượng thực hiện tăng nhanh từng ngày", ông Trung chia sẻ.
Thi công cao tốc đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (Ảnh: Văn Thanh).
Là dự án thành phần luôn giữ vị trí dẫn đầu về sản lượng trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 ngay từ những ngày đầu tiên, hơn 2 năm thi công, dự án đoạn Vân Phong - Nha Trang cũng từng rơi vào khoảng thời gian đối diện nguy cơ chậm tiến độ bởi thời tiết.
Theo ông Lê Quốc Dũng, Q.Giám đốc Ban QLDA 7, ngay từ khi khởi công dự án, Ban đã chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung huy động thiết bị, nhân sự, tăng ca, tăng kíp, xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, phù hợp với điều kiện vật liệu, khí hậu của khu vực. Lượng máy móc, thiết bị, nhân sự có thời điểm đạt khoảng 130% so với tiến độ hợp đồng. Trong nhiều tháng liền, tiến độ của dự án không chỉ đạt mà còn vượt yêu cầu.
Công nhân tranh thủ ăn trưa ngay tại công trường cao tốc đoạn Bùng - Vạn Ninh (Ảnh: Tạ Hải).
"Đến tháng 10/2024, thời tiết mưa lớn kéo dài bất thường so với các năm. Cao điểm tháng 9, tháng 10 có từ 17 - 20 ngày mưa liên tục khiến dự án không thể triển khai thi công, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật thời điểm đó cũng còn vướng mắc. Mục tiêu thông xe dịp 30/4 bị ảnh hưởng.
Chủ động khắc phục khó khăn, Ban QLDA 7, các đơn vị thi công đã tích cực phối hợp với địa phương xử lý dứt điểm các vị trí mặt bằng tồn đọng, hỗ trợ nhân sự, thiết bị, tài chính hoàn thành công tác đền bù và di dời hạ tầng sớm nhất, tạo điều kiện để các mũi thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công việc dở dang, đáp ứng thời gian thông xe theo đúng kế hoạch", ông Dũng chia sẻ.
Cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang được hoàn thiện, đưa vào khai thác dịp 30/4 (Ảnh: Tạ Hải).
Trao đổi với Báo Xây dựng, ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư Xây dựng (Bộ Xây dựng) đánh giá, so với các dự án thành phần khác trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, 4 dự án thành phần được thông xe tuyến chính dịp 30/4 là những dự án có nhiều điều kiện thuận lợi, ít đoạn phải đào sâu, đắp cao, không có các công trình cầu hầm lớn, phạm vi xử lý nền đất yếu không nhiều, không quá phức tạp, hơn nữa nguồn vật liệu khá dồi dào.
Yếu tố quan trọng nữa là các địa phương có dự án đi qua đã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch luôn sâu sát, trực tiếp kiểm tra đôn đốc việc triển khai giải phóng mặt bằng cũng như chỉ đạo các sở ngành giải quyết các thủ tục cấp mỏ vật liệu cho nhà thầu. Đơn cử như tỉnh Hà Tĩnh, sau khoảng 9 tháng khởi công, thủ tục cấp mỏ đặc thù đã cơ bản được hoàn thành.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Xây dựng, các cơ quan tham mưu luôn bám sát thực địa để kịp thời tham mưu, tháo gỡ ngay các vướng mắc, không để ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Bộ cũng liên tục có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố liên quan đôn đốc đẩy nhanh tiến độ GPMB, hỗ trợ thủ tục cấp mỏ vật liệu xây dựng theo cơ chế đặc thù, giải quyết hai điều kiện tiên quyết để các nhà thầu tăng tốc tiến độ, bảo đảm thời gian thông xe các dự án theo đúng tiến độ yêu cầu.
"Yếu tố cuối cùng, cũng là then chốt đó là sự nỗ lực của các ban quản lý dự án, sự triển khai chuyên nghiệp, có trách nhiệm của các nhà thầu.
Thi công tuyến Bãi Vọt - Hàm Nghi (ẢNH: Văn Thanh).
Tháng 8/2024, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động đợt thi đua cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc, Các ban quản lý dự án đã hưởng ứng, phát động phong trào thi đua, xác định các mốc thời gian cụ thể hoàn thành các hạng mục: nền đường, công trình cầu… để các đơn vị thi công phấn đấu, đạt tiến độ chung", ông Minh chia sẻ.
Dưới góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành, lãnh đạo Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Bộ Xây dựng và các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ thi công gần 1.200km, hướng đến mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
"4 dự án thông xe dịp 30/4 là những dự án đầu tiên trong nhóm dự án này được hoàn thành, tạo động lực, khí thế để các chủ đầu tư/nhà thầu phấn đấu hoàn thành các dự án tiếp theo, góp phần thực hiện hiện thắng lợi mục tiêu Đảng, Chính phủ đã đề ra", ông Minh nhận định.
Một đoạn tuyến Bãi Vọt - Hàm Nghi (Ảnh: Văn Thanh).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận