Bình tĩnh, làm chủ bản thân
Gần đây, những sự cố thương tâm như vụ lật tàu tại Quảng Ninh vào ngày 19/7 hay vụ việc ở Cà Mau ngày 16/7... càng cho thấy tầm quan trọng của các kỹ năng sinh tồn khi tham gia các hoạt động dưới nước và trên biển.

Cứu người đuối nước bằng dây. Ảnh: CABN.
Ông Vũ Đình Trọng, giáo viên dạy bơi tại Bể bơi Trần Nguyên Đán, Hà Nội, người có kinh nghiệm tham gia nhiều chương trình về cứu hộ, cứu nạn chia sẻ, thông thường, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thương vong trong các vụ lật tàu trên biển hay những vụ đuối nước là do đa phần người dân và trẻ em chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng cơ bản trong môi trường nước.
"Nhiều người chỉ biết bơi nhưng chưa được tập huấn hết các kỹ năng sinh tồn cơ bản khi gặp tình huống xấu. Bên cạnh đó, sự hoảng loạn phần nào cũng là tác nhân.
Khi con người hoảng loạn, họ thường mất phương hướng, mất tinh thần và không biết phải làm gì. Việc cố gắng vùng vẫy một cách vô thức trong tình trạng hoảng loạn sẽ khiến cơ thể nhanh chóng bị kiệt sức, uống nhiều nước hơn và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc", ông Trọng nói và cho rằng yếu tố cần thiết và quan trọng để đối phó với những tình huống nguy hiểm trên biển, vịnh, hay trong các môi trường nước là cần bình tĩnh và làm chủ bản thân.
"Dù biết bơi hay chưa, việc giữ bình tĩnh sẽ giúp chúng ta suy nghĩ và đưa ra những quyết định đúng đắn. Sự hoảng loạn sẽ làm mất đi khả năng suy nghĩ và hành động hợp lý", ông Trọng khuyến nghị.
Theo chuyên gia này, mọi người cần học được kỹ năng đứng nước và nổi trên mặt nước, đây là những kỹ năng cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng giúp giữ được sức và chờ đợi sự trợ giúp. Đồng thời, khi gặp sự cố, hãy nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào có thể nổi được ở gần để bám vào, tránh bị mệt mỏi và kiệt sức nhanh chóng.
"Không cố gắng ngoi lên mặt nước liên tục khi ở vùng xoáy, bởi việc cố gắng ngoi lên trên mặt nước sẽ càng bị nhấn chìm sâu hơn. Thay vào đó, cần giữ bình tĩnh và lặn xuống dưới cơn sóng, dưới vùng xoáy để tìm cách thoát ra.
Ngoài ra, khi ở ngoài sóng to, biển động, nếu cứ đua theo cơn sóng, chúng ta sẽ càng uống nhiều nước. Kỹ năng đúng đắn là lặn xuống dưới cơn sóng, điều này sẽ giúp an toàn hơn rất nhiều", chuyên gia chia sẻ.
Càng vùng vẫy càng nhanh mất sức
Theo TS Nguyễn Ngọc Anh, chuyên viên Cục Thể dục thể thao Việt Nam - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam, để giảm thiểu rủi ro, tăng cường khả năng thoát hiểm trong trường hợp không may xảy ra tai nạn, trên tàu nên có khuyến cáo và chấp hành nghiêm ngặt các quy định an toàn, mặc áo phao đúng cách, chỉ rõ cách thoát hiểm nếu tàu có sự cố.
Hành khách cần chủ động tìm hiểu các lối thoát hiểm trước khi tàu khởi hành. Đồng thời, cần xác định vị trí các thiết bị phá cửa/kính như búa, kìm. Các tàu, thuyền nên đặt các thiết bị này ở những vị trí dễ thấy và dễ lấy để sử dụng khi cần thiết, đây là cách giúp hành khách thoát ra ngoài khi tàu bị kẹt hoặc lật úp.
Tuy nhiên TS Ngọc Anh cũng nhìn nhận, thực tế, khi tai nạn xảy ra quá nhanh và trong điều kiện bất lợi, việc áp dụng lý thuyết vào thực tế có thể rất khó khăn. Do đó, việc trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng từ trước, cùng với sự chuẩn bị của đơn vị quản lý tàu về các phương án thoát hiểm là điều cực kỳ cần thiết để bảo vệ tính mạng con người.
Ông Nguyễn Thành Đoàn, Đội trưởng, Đội công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng chia sẻ, ngay cả những người biết bơi vẫn có thể tử vong do đuối nước nếu thiếu kiến thức về tự cứu.
Đối với người không biết bơi hoặc mới biết bơi, khi rơi xuống nước, không nên cố vùng vẫy vì càng vùng vẫy sẽ càng nhanh mất sức và dần bị chìm xuống. Hãy cố bình tĩnh, thả lỏng người, nhắm mắt, nín thở (tránh nước tràn vào phổi) và kết hợp nhẹ nhàng tay, chân để nước đẩy người nổi lên.
Khi nổi, giữ người thẳng đứng, dùng tay quạt nước đẩy đầu nhô lên khỏi mặt nước, nhanh chóng mở miệng hít sâu không khí. Sau đó lại chìm xuống, thở ra từ từ bằng mũi và lặp lại chu trình này. Trong quá trình nhô lên có thể vẫy tay, kêu cứu.
Đối với người mới biết bơi, có thể úp mặt xuống nước, nhịn thở để toàn bộ cơ thể nổi trên mặt nước. Khi cơ thể nổi và ổn định, lật nghiêng đầu (hoặc ngửa mặt lên) để hít không khí và xác định hướng bờ, sau đó úp mặt xuống và nhẹ nhàng sải tay gạt nước để tiến dần về bờ.
"Lưu ý luôn bình tĩnh, không vội vàng, chỉ nghĩ đến mục tiêu kéo dài thời gian sống sót. Đối với những người đã biết bơi, khi bị chuột rút cần giữ bình tĩnh, thả lỏng người, nếu còn sức thì hít sâu, lặn xuống xoa bóp vị trí bị chuột rút, định hướng phía bờ và áp dụng phương pháp bơi ngửa thư giãn để tiến dần vào bờ.
Khi gặp dòng nước xoáy hoặc dòng chảy mạnh/sóng lớn kéo ra xa bờ, bình tĩnh và không được di chuyển ngược lại hướng dòng chảy hoặc cố bơi ra khỏi vùng xoáy. Thay vào đó, thả lỏng và bơi theo đường vòng hay xiên chéo xuôi theo chiều dòng chảy để dần thoát ra khỏi phạm vi ảnh hưởng, sau đó bình tĩnh bơi vào bờ", ông Đoàn chia sẻ kinh nghiệm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận