Khán giả đổ xô "đu idol quốc nội"
Những năm gần đây, khán giả trẻ Việt Nam ngày càng dành nhiều sự quan tâm cho các nghệ sĩ đến từ những nền công nghiệp giải trí phát triển mạnh như Hàn Quốc, Thái Lan hay Singapore.
Trào lưu "đu idol" vốn khởi phát từ văn hóa fandom quốc tế đang dần hình thành một hệ sinh thái tiêu dùng mới tại Việt Nam.

Biển người phủ kín dưới khán đài sân khấu concert Anh trai vượt ngàn chông gai.
Trước xu hướng đó, các nhà tổ chức trong nước đã nhanh chóng bắt nhịp bằng việc đầu tư vào những đại nhạc hội quy mô lớn, không chỉ nhằm phục vụ âm nhạc mà còn tạo ra trải nghiệm văn hóa mang tính tổng thể.
Các chương trình như Anh trai yêu của Đen Vâu, Chị đẹp live của Mỹ Tâm, Hò Dô Music Festival do TP.HCM tổ chức, hay chuỗi concert Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai… đều được xây dựng như những sự kiện giải trí đậm chất thị trường quốc tế.
Đáng chú ý, chuỗi concert Anh trai đã tạo ra một hiện tượng văn hóa hiếm có, thu hút không chỉ người trẻ mà cả các gia đình, nhóm bạn, các cộng đồng người hâm mộ trên toàn quốc.
Không ít khán giả sẵn sàng chi hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho vé VIP, bộ sưu tập vật phẩm giới hạn, hoặc sử dụng các dịch vụ tài chính số để nhanh tay sở hữu những chiếc vé đang được săn đón.
Theo số liệu từ Cục Du lịch Thái Lan, năm 2023, chỉ tính riêng các sự kiện K-pop và festival quốc tế, lượng du khách Việt sang Thái Lan đạt hơn 1 triệu lượt, tăng hơn 30% so với năm trước đó.
Số lượng người Việt đến Hàn Quốc trong năm 2024 đã tăng 21,7% so với năm 2023 và phục hồi 92,4% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19).
Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, lượng khách Việt Nam đến Hàn Quốc xếp thứ hai, chỉ sau Philippines (hơn 515.000 lượt), theo cơ quan Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam.
Riêng concert Anh trai vượt ngàn chông gai đã chứng kiến quy mô hoạt động chưa từng có từ các fanclub: hàng trăm dự án truyền thông tự phát từ người hâm mộ, hệ thống màn hình LED tại trung tâm thương mại, cờ phướn trên xe buýt, thậm chí chiến dịch quảng bá thần tượng ra thị trường quốc tế.
Nhiều người đánh giá đây là một trong những sự kiện có lượng FC tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Dư âm của các buổi biểu diễn không dừng lại sau đêm nhạc cuối cùng. Thay vào đó, làn sóng thảo luận, chia sẻ và tiêu dùng sản phẩm liên quan vẫn tiếp tục lan rộng, cho thấy một thế hệ khán giả mới đang chủ động định hình bản sắc văn hóa đại chúng của Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa.
Sức hút của chuỗi concert Anh trai vượt ngàn chông gai đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. Theo ghi nhận từ ban tổ chức và cộng đồng người hâm mộ, hàng trăm khán giả Việt tại nước ngoài đã bay về quê hương để tham dự sự kiện, đồng thời thành lập cộng đồng "Gai con quốc tế" với khoảng 500 thành viên đến từ hơn 30 quốc gia.
Không chỉ giới hạn trong cộng đồng Việt kiều, chương trình còn thu hút cả khán giả người nước ngoài.
Một khán giả nữ đến từ Hàn Quốc, tự nhận là "Gai con", đã tham dự các đêm diễn thứ 5 và 6 tại Hà Nội. Cô ghi lại toàn bộ hành trình và đăng tải video lên mạng xã hội, thu hút hàng chục nghìn lượt xem – cho thấy mức độ lan tỏa vượt mong đợi của sự kiện.
Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại concert Anh trai say hi, nơi nhiều fan từ các tỉnh thành và người Việt sống ở nước ngoài quy tụ về.
Trên các diễn đàn trực tuyến, một số người hâm mộ K-pop và C-pop chia sẻ rằng họ đã "trở lại với niềm đam mê thần tượng trong nước" nhờ vào chất lượng và không khí đặc biệt của chuỗi concert này.

Hình ảnh tại concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hà Nội vào tháng 6 vừa qua.
Concert âm nhạc: Đòn bẩy kinh tế mềm
Hiệu ứng "cháy vé" của các chuỗi concert gần đây khiến nhiều nhà tổ chức dày dạn kinh nghiệm cũng phải bất ngờ. Ông Quang Cường, nhà sản xuất âm nhạc thừa nhận: "Tôi không ngờ có thể bán hàng chục nghìn vé trong thời gian ngắn đến vậy. Họ quá giỏi rồi".
Đối với các nhà sản xuất trẻ, concert không chỉ là sân chơi âm nhạc mà còn được định vị như một đòn bẩy kinh tế mềm. Phía sau những đêm diễn được đầu tư hoành tráng là cả quá trình khảo sát thị trường, nghiên cứu hành vi khán giả, và chiến lược xây dựng trải nghiệm vượt ra ngoài khuôn khổ giải trí thuần túy.
Yeah1 cho biết đã tiến hành nghiên cứu sâu hiệu ứng từ việc Chi Pu tham gia chương trình "Chị gái đạp gió rẽ sóng" tại Trung Quốc, một gameshow có cùng định dạng và đơn vị sản xuất với "Anh trai vượt ngàn chông gai" trước khi quyết định mua bản quyền Việt hóa cả hai show.
Từ hiệu ứng đó, concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" đã trở thành hình mẫu tiêu biểu cho một mô hình sản xuất giải trí chuyên nghiệp tại Việt Nam, với sân khấu quy mô lớn, công nghệ trình diễn tiên tiến và hiệu ứng thị giác sống động.
Đây được xem là yếu tố then chốt giúp chuỗi sự kiện thu hút và giữ chân hàng chục nghìn khán giả qua nhiều đêm diễn liên tiếp.
Đạo diễn Long Kan cho rằng, nghệ thuật biểu diễn hiện đại không còn là trải nghiệm đơn tuyến. Thay vào đó, nó là sự giao thoa giữa công nghệ, câu chuyện thị giác, sân khấu và âm thanh tạo nên một hình thức giải trí đa tầng.
"Nếu chỉ để nghe ca sĩ hát, khán giả hoàn toàn có thể đến phòng trà. Nhưng điều khiến họ sẵn sàng bỏ tiền mua vé concert là bởi sự cộng hưởng của các yếu tố sân khấu, âm thanh, ánh sáng và thị giác. Đó là nơi nghệ thuật trở thành trải nghiệm trọn vẹn", ông nói.

Nghệ sĩ giao lưu với khán giả tại concert Anh trai say hi.
PGS. TS Nguyễn Văn Thăng Long (Đại học RMIT Việt Nam) nhận định, hiện tượng "cháy vé" của các sự kiện âm nhạc quy mô lớn gần đây phản ánh rõ nhu cầu ngày càng tăng của công chúng và mức độ sẵn sàng chi tiêu cho các trải nghiệm giải trí trực tiếp chất lượng cao.
Theo ông, đây có thể được xem là dấu mốc khởi đầu cho một "kỷ nguyên mới" của ngành công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam, nơi khán giả không chỉ nghe nhạc mà còn tìm kiếm trải nghiệm tổng thể về âm thanh, hình ảnh và cảm xúc.
Ông cũng nhấn mạnh, xu hướng này đặt ra cơ hội rõ ràng cho các nhà hoạch định chính sách: "Nếu được đầu tư bài bản, concert có thể trở thành một ngành mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế sáng tạo, du lịch và phát triển văn hóa địa phương".
Concert được định vị như du lịch âm nhạc Việt Nam
Sự xuất hiện của các "đại tiệc" âm nhạc quy mô lớn cho thấy sự dịch chuyển trong gu thưởng thức âm nhạc của khán giả Việt Nam. Theo thống kê từ đơn vị sản xuất, chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" ghi nhận hàng triệu lượt thảo luận và hơn 12 tỷ lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội, luôn giữ vị trí top rating trên sóng truyền hình VTV3.
Concert tầm quốc tế này không chỉ thu hút lượng lớn du khách mà còn tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương. Du khách không chỉ tham dự sự kiện mà còn khám phá các điểm đến nổi tiếng, tăng trưởng tiêu dùng tại các doanh nghiệp địa phương.

Khán giả "đu idol" tại Anh trai vượt ngàn chông gai.
Năm 2024 đã ghi dấu nhiều thành tựu nổi bật của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Việt Nam. Việt Nam đã đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9% so với năm trước, cùng với 110 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 840.000 tỷ đồng.
Theo giới chuyên môn, Việt Nam có thể học hỏi khu vực trong phát triển du lịch âm nhạc là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng.
Ông Bùi Đoàn Chung – sáng lập cộng đồng Nghề nhân sự Việt Nam – cho rằng, Việt Nam nên học Singapore trong việc vừa thu hút nghệ sĩ quốc tế, vừa kéo khách quốc tế đến Việt Nam.
Như concert của BlackPink tại Hà Nội năm 2023 do IME tổ chức nhưng phần lớn thiết bị được nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, và chủ đầu tư là YG. Việt Nam chủ yếu chi tiền thay vì thu lợi như Singapore.
Ngược lại, Singapore đầu tư hàng triệu USD để Taylor Swift biểu diễn độc quyền trong khu vực, mang về hơn 13 triệu lượt khách và doanh thu du lịch 15 tỷ USD trong năm 2023, đây là một khoản đầu tư "quá hời", theo ông Chung.
PGS. TS Nguyễn Văn Thăng Long (ĐH RMIT Việt Nam) nhận định, Việt Nam vẫn kém cạnh tranh so với Singapore, Thái Lan, Indonesia hay Malaysia trong việc tổ chức các show âm nhạc tầm cỡ quốc tế. Nguyên nhân lớn nhất, theo ông, là "thiếu một chiến lược quốc gia rõ ràng, toàn diện cho ngành công nghiệp âm nhạc".

PGS. TS Nguyễn Văn Thăng Long - Phó chủ nhiệm bộ môn Truyền thông chuyên nghiệp, Đại học RMIT Việt Nam.
"Chúng ta chưa tích hợp các sự kiện âm nhạc lớn vào các sáng kiến văn hóa - du lịch địa phương, vùng và quốc gia như một cơ hội quảng bá Việt Nam ra quốc tế," ông nói. Trong khi đó, âm nhạc có thể tạo ra cú hích kinh tế, kéo theo nhu cầu lưu trú, ăn uống, vận tải, giúp địa phương tăng mạnh doanh thu dịch vụ.
Tuy nhiên, hiện nhiều sự kiện âm nhạc được tổ chức gấp gáp, thiếu liên kết chiến lược giữa doanh nghiệp, nhà tài trợ và cơ quan nhà nước. "Các vấn đề pháp lý như cấp phép muộn khiến nhà tổ chức gặp rủi ro, thiếu chắc chắn, dễ nản lòng đầu tư," ông Long phân tích. "Cách tiếp cận hiện tại thiên về 'chắp vá' thay vì tầm nhìn dài hạn."
Ông cũng chỉ ra sự thiếu hụt địa điểm biểu diễn quy mô lớn (30.000-50.000 chỗ) tại TP.HCM, Đà Nẵng là rào cản lớn để cạnh tranh với khu vực.
Theo ông, nhà nước nên thúc đẩy mô hình đối tác công - tư (PPP) để xây dựng hạ tầng biểu diễn đạt chuẩn quốc tế, đồng thời khuyến khích PPP tham gia đào tạo, chuyên nghiệp hóa nhân lực tổ chức và quản lý tài năng - như mô hình của Kpop.
"Điều này sẽ lấp khoảng trống hạ tầng mềm mà chúng ta còn thiếu," ông Long nhấn mạnh.
Theo báo cáo từ Live Nation, các thành phố tổ chức concert lớn thường ghi nhận mức tăng trưởng tiêu dùng 20 - 30% trong thời gian diễn ra sự kiện. Đơn cử, ngành du lịch Singapore đã thu lợi khoảng 500 triệu USD (hơn 13.072 tỷ đồng) từ các concert của Coldplay, Taylor Swift và Blackpink, theo The Star.
Trên Agoda, toàn bộ khách sạn đều báo cháy phòng trong thời gian diễn ra buổi biểu diễn của nhóm nhạc rock Anh Coldplay vào tháng 1/2024. Trong khi đó, 1 tháng trước concert The Eras Tour của Taylor Swift (2024), khán giả đổ xô đăng ký mở thẻ của một ngân hàng để đổi lấy quyền mua vé concert trước tiên.
Tại Mỹ, mỗi thành phố Taylor Swift đi qua đều tạo ra doanh thu địa phương trung bình 140 triệu USD/show (hơn 3.660 tỷ đồng), tổng tác động kinh tế nước này ước đạt 5 tỷ USD (130.725 tỷ đồng), theo Forbes.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận