(Xây dựng) - Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 826/QĐ-TTg với nội dung phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
![]() |
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Có thể nhận xét, đây là một dự án lấn biển quy mô nhất, bài bản nhất ở Việt Nam và tại vùng đất nghèo nhất của TP.HCM. Dự án được thực hiện với mục tiêu xây dựng tại đây trở thành khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn...
Khi nhắc đến công cuộc lấn biển này, nhiều người không khỏi nhắc đến công cuộc san lấp hẳn một cái vịnh lớn nhất quốc gia Hàn Quốc của ông chủ tập đoàn danh tiếng Huyndai Chung Ju Yung cách đây gần 40 năm.
Khi đó, Hàn Quốc đã cho phép Tập đoàn Huyndai huy động toàn bộ nguồn lực, làm một cái đập dài 6,4 km chắn ngang cửa vịnh, đào lấp hàng triệu triệu mét khối đất, san phẳng vịnh Chonshu nằm ở bờ biển phía tây - nam, tạo ra một vùng đất trồng trọt màu mỡ khoảng 160.000 héc-ta.
Quả thực, nếu so về quy mô lấn biển lịch sử của ông chủ tịch tập đoàn Huyndai Chung Ju Yung thì công cuộc lấn biển lần này của Việt Nam ở Cần Giờ chẳng thấm tháp gì. Một bên thì lấp hẳn một cái vịnh, hy sinh toàn bộ hệ sinh thái tại đây, còn một bên chỉ là lấn ra biển từ một bãi triều. Một bên là một diện tích khổng lồ 160.000ha, còn một bên vỏn vẹn chưa đến 3.000ha...
Theo quy hoạch lần này, quy mô dự án được điều chỉnh mở rộng từ 600 ha lên thành 2.870 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 217.054 tỷ đồng, gồm vốn chủ sở hữu là 32.558 tỷ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại là 184.496 tỷ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư).
Các nguồn thông tin cho hay, dự án nằm ở khu vực biển xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với diện tích 2.870 ha được xây dựng trên toàn bộ bãi triều Cần Giờ với một biển hồ nhân tạo rộng khoảng 757 ha. Vị trí cách vùng lõi khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ khoảng 18 km về phía Bắc; nằm ngoài ranh giới diện tích đất lâm nghiệp và rừng ngập mặn, nằm kế cận với khu vực chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển; cách luồng hàng hải sông Xoài Rạp khoảng 2,7 km và sông Lòng Tàu là 4,5 km; cách khu du lịch sinh thái Vàm Sát 17 km về phía Tây Bắc và cách khu căn cứ Vàm Sát đảo Khỉ 4 km.
Dự kiến, quy mô dân số dự kiến là 228.506 người và khoảng 9 triệu lượt khách du lịch/năm. Đặc biệt, dự án sẽ tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 25.000 lao động.
Dự án khi hoàn thành sẽ đóng góp khoảng 2.900 tỷ đ/năm cho ngân sách và khoảng 2 - 3% tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa cho TP.HCM. Ngược lại, dự án còn giúp tiết kiệm ngân sách trong các hoạt động bảo vệ đê, kè, trồng cây chống xâm thực…
Hy vọng rằng, với lợi thế địa lý ở Cần Giờ, dự án này dù nhỏ nhưng sẽ đem lại cho nền kinh tế đất nước hiệu quả không kém gì công cuộc lấn biển kia của Hàn Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận