Không để xảy ra vi phạm trong xây dựng
- Thưa ông, giữa kỷ nguyên công nghệ thông tin bùng nổ, Viện Kinh tế xây dựng đã làm gì để bắt nhịp, cũng như đảm bảo mục tiêu thực hiện Đề án chuyển đổi số ngành Xây dựng?
Nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số, ngày 11/10/2024, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Viện Kinh tế xây dựng đã chủ trì thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

TS Nguyễn Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng).
Trong đó, hoàn thiện thể chế, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn về BIM áp dụng trong công tác quản lý Nhà nước; phát triển nền tảng số, xây dựng và triển khai nền tảng BIM ứng dụng trong quy hoạch, thẩm định, cấp phép, quản lý công trình và hạ tầng kỹ thuật đô thị tại Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng.
Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế số, theo hướng xây dựng ứng dụng kết nối hoạt động đầu tư, sản xuất; giới thiệu nền tảng số; cung cấp công cụ tra cứu văn bản pháp luật và hỏi đáp với cơ quan quản lý Nhà nước.
Phát triển nguồn nhân lực như đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng về ứng dụng bản đồ số, GIS và nền tảng BIM cho cán bộ, công chức, viên chức ngành xây dựng.
Viện cũng xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao về BIM, xác định yêu cầu năng lực đầu vào, đầu ra và hệ thống tiêu chí đánh giá năng lực BIM phù hợp với Việt Nam.
- Có thể thấy, ông đã chia sẻ khá nhiều dữ liệu về BIM và GIS, vậy xin ông cho biết, BIM đã mang lại những hiệu quả như thế nào và 2 công cụ này khi kết hợp sẽ hỗ trợ gì trong lĩnh vực đầu tư xây dựng?
Để biết BIM hiệu quả như thế nào thì trước tiên, chúng ta phải hiểu khái niệm BIM là gì. BIM là quá trình sử dụng công nghệ thông tin để số hóa toàn bộ thông tin của một công trình, thể hiện qua mô hình không gian 3D chi tiết.
Mô hình số này không chỉ chứa dữ liệu hình học mà còn bao gồm thông tin phi hình học, hỗ trợ hiệu quả các giai đoạn từ thiết kế, thi công đến quản lý vận hành...
Có thể nói, BIM đã mang đến những tính năng và hiệu quả vô cùng lớn. Tại Việt Nam đã có nhiều công trình xây dựng và giao thông áp dụng mô hình này trong suốt quá trình đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, khi BIM kết hợp với Hệ thống thông tin địa lý (GIS - Geographic Information System) sẽ tạo ra sức mạnh vượt trội.

Khi áp dụng BIM, đơn giá vật liệu xây dựng cũng sẽ được công khai, minh bạch.
Việc tích hợp dữ liệu công trình chi tiết từ BIM vào bối cảnh không gian rộng lớn của GIS cho phép các bên liên quan phân tích toàn diện, đánh giá tác động của công trình lên môi trường xung quanh như địa hình, hạ tầng kết nối, điều kiện tự nhiên và ngược lại.
Ứng dụng cũng sẽ tối ưu hóa thiết kế và quy hoạch như lựa chọn tuyến đường, vị trí công trình tối ưu dựa trên cả dữ liệu kỹ thuật chi tiết và bối cảnh không gian. Quản lý vòng đời hiệu quả, trực quan hóa toàn bộ dự án trong môi trường thực tế ảo, từ khảo sát, thiết kế, thi công đến vận hành và bảo trì…
Trong các dự án hạ tầng phức tạp như đường sắt, các nền tảng công nghệ như phần mềm ArcGIS giúp nâng cao hiệu quả từ lập kế hoạch, thiết kế, thi công đến quản lý vận hành bằng cách tích hợp liền mạch thông tin BIM và GIS.
Tối ưu hóa việc triển khai các dự án đường sắt, cảng biển
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn vai trò của các ứng dụng này khi thực hiện các dự án cảng biển và đường sắt?
Song song với nỗ lực từ cơ quan quản lý, các doanh nghiệp tiên phong đã chủ động ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động. Tôi có thể đưa ví dụ cụ thể như trường hợp điển hình của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cảng – biển Portcoast khi tích hợp BIM và GIS vào các dự án hạ tầng phức tạp như cảng biển và đường sắt.
Trong đó, Portcoast triển khai đồng bộ việc tích hợp toàn bộ dữ liệu như quy hoạch, giao thông, địa hình, thiết kế trên cùng một nền tảng số duy nhất. Mô hình BIM được cập nhật xuyên suốt các giai đoạn, kết hợp với GIS giúp các bên dễ dàng nắm bắt thông tin tổng thể và chi tiết, từ hiện trạng đến định hướng phát triển. Nền tảng này cho phép truy cập và tương tác trực tuyến với mọi dữ liệu kỹ thuật như bản vẽ, bản đồ số, mô hình, báo cáo, phù hợp cả với người không chuyên ngành.
Trong hệ thống hạ tầng cảng biển, dữ liệu khảo sát địa hình được số hóa thành mô hình 3D, cho phép phân tích độ sâu luồng, đánh giá khả năng tiếp nhận tàu lớn.
Dữ liệu khảo sát địa chất, vật liệu nền, thí nghiệm hiện trường được tích hợp thành mô hình địa chất 3D trên nền tảng GIS, kết nối với báo cáo chuyên môn, tạo hệ sinh thái thông tin toàn diện.

Từ thiết kế, thi công đến quản lý vận hành dự án đều được theo dõi qua ứng dụng BIM.
Qua đó, mô phỏng thủy văn, dòng chảy, thiết kế luồng tuyến hỗ trợ ra quyết định tối ưu trong quy hoạch. Việc tích hợp công nghệ còn cho phép giám sát tiến độ, cập nhật tình hình thi công thời gian thực.
Khi ứng dụng trong hạ tầng đường sắt, Portcoast tiếp cận theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 19650, không chỉ dừng ở mô hình thông tin dự án, mà còn hướng tới xây dựng mô hình thông tin quản lý tài sản. Đây là bước đi chiến lược, tập trung vào yếu tố quan trọng nhất của dự án hạ tầng trong dài hạn.
- Nhằm đảm bảo mục tiêu đề án chuyển đổi số ngành xây dựng, trong thời gian tới, Viện sẽ làm gì và cần những giải pháp gì, thưa ông?
Công cuộc chuyển đổi số ngành xây dựng đang có những bước tiến mạnh mẽ, thể hiện qua sự quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực triển khai của các cơ quan chuyên môn, trong đó có Viện Kinh tế xây dựng.
Hiện chúng tôi đang xây dựng dự thảo hướng dẫn áp dụng BIM trong thẩm định và hướng dẫn áp dụng BIM đối với công trình đường sắt, trong đó có sự phối hợp của đông đảo chuyên gia trong và ngoài nước.
Viện cũng đang phối hợp nghiên cứu xây dựng nền tảng BIM quốc gia; xây dựng khung chương trình đào tạo BIM nâng cao cho quản lý BIM và điều phối viên BIM…
Việc triển khai áp dụng BIM một cách rộng rãi sẽ góp phần cụ thể hóa nội dung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như ngành xây dựng.
Thời gian tới, Viện Kinh tế xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung này, đồng thời triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện mục tiêu Đề án chuyển đổi số của ngành.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận