Tìm kiếm cơ hội ở căn hộ cũ, nhà ven đô, nhà ở xã hội
Sau hơn 4 năm đi làm, chị Hà Ngọc Anh (28 tuổi, kế toán) cùng chồng là kỹ sư phần mềm vẫn phải thuê nhà ở phường Thanh Xuân với giá 7 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập cả hai vợ chồng khoảng 30 triệu đồng, tiết kiệm được 10 triệu đồng/tháng. Nhưng sau 2 năm họ vẫn chưa đủ tiền để mua một căn hộ diện tích nhỏ ở nội thành. Hai vợ chồng hiện đang có một em bé gần 3 tuổi và đang đón bà nội ở quê lên để chăm sóc và trông bé.

Căn nhà nhỏ được thuê hiện tại là nơi sinh sống của vợ chồng chị Ngọc Anh cùng con và bà nội.
"Chúng tôi đi xem thử một số căn 1 phòng ngủ ở phường Từ Liêm, Thanh Xuân, có nơi rao bán tới 2,6 tỷ đồng, mà chung cư đó đã xây được gần 10 năm. Nghĩ đến vay nợ 20 năm, trả gần nửa thu nhập hàng tháng cho ngân hàng thì thật sự thấy oải", chị Ngọc Anh nói.
Không đủ tài chính để chọn nhà trung tâm, vợ chồng chị Anh đang cân nhắc "di cư" về khu vực Hoài Đức, Đan Phượng hoặc Văn Giang (Hưng Yên), nơi vẫn có căn hộ quanh mức 1,5 tỷ đồng, dù xa trung tâm.
Không riêng gì chị Ngọc Anh, nhiều người trẻ khác đang phải đánh đổi khoảng cách, chất lượng sống hoặc chờ đợi chính sách để có thể bám trụ ở Hà Nội.
Anh Nguyễn Văn Đăng (31 tuổi, nhân viên truyền thông) chia sẻ: "Tôi đang nhắm đến một căn chung cư cũ ở phường Cầu Giấy, khoảng 45m², giá hơn 1,9 tỷ đồng. Nhà cũ, không có thang máy, nhưng gần công ty và có sổ đỏ. Mua để ở, đỡ cảnh thuê trọ và yên tâm làm ăn".
Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người trẻ chọn cách chờ nhà ở xã hội, dù biết rằng tiêu chí xét duyệt khó, nguồn cung lại khan hiếm và vẫn phải gian nan chờ thời gian dài.
Lối đi nào cho người trẻ muốn an cư?
Ông Nguyễn Hoài Nam, chuyên gia tư vấn bất động sản tại nhà đất Thịnh Vượng nhận định, hệ lụy của giá bất động sản là sẽ có một thế hệ khó mua được nhà. "Với đà tăng như bây giờ, chả nói gì đến người trẻ, đến người đi làm chục năm đôi khi còn không dám mơ đến căn nhà ở xã hội chứ đừng nói tới những căn chung cư cao cấp", ông Nam nói.

Người trẻ muốn an cư tại Hà Nội cần cân nhắc những phương án dễ thở hơn như mua nhà vùng ven, mua căn hộ cũ.
Mua nhà ở nội đô đang trở thành thách thức lớn với người trẻ, vì vậy ông Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, để người trẻ không bị trượt khỏi giấc mơ an cư, cần chấp nhận phương án nhà nhỏ, xa hơn nhưng có pháp lý rõ ràng, hạ tầng đang hoàn thiện. Bên cạnh đó, cần tận dụng thời điểm giảm lãi suất để cân đối vay mua sớm hơn thay vì chờ đợi quá lâu.
Một phương án khác được đưa ra là có thể cùng gia đình hỗ trợ hoặc mua chung với người thân, bạn bè theo mô hình sở hữu đồng sở hữu, chia đều chi phí ban đầu. "Thị trường hiện tập trung vào phân khúc trung - cao cấp, trong khi căn hộ dưới 2 tỷ đồng hầu như biến mất ở nội đô. Những người trẻ mới đi làm 3 - 5 năm rất khó tiếp cận nếu không có hỗ trợ từ gia đình", ông Nam cho biết.
Theo chuyên gia tư vấn bất động sản Rich Nguyen (Nguyễn Anh Toàn), nhà sáng lập và điều hành CTCP đầu tư Rich Invest, quỹ đầu tư Rich Invest, hàng loạt ngân hàng thương mại đã nhập cuộc với các chương trình cho vay mua nhà lãi suất thấp hướng đến người trẻ.
Tiêu biểu nhất phải kể đến như: HDBank với mức lãi suất khởi điểm là 4,5%/năm; LPBank với lãi suất khởi điểm từ 3,88%/năm; SHB với ưu đãi lãi suất từ 3,99%/năm; ACB với gói vay ưu đãi dành riêng cho người trẻ dưới 35 tuổi, lãi suất từ 5,5%/năm...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lãi suất thấp lại chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, sau đó mức lãi suất sẽ được thả nổi. Khi hết ưu đãi, lãi suất thả nổi dao động 9 - 11%/năm áp dụng với tất cả gói vay. Khách hàng cũng sẽ mất phí phạt trả trước hạn tùy theo gói vay. Mức phí phạt được áp dụng trong những năm đầu tiên vay vốn, dao động từ 1-3%/năm.
Vì vậy, theo ông Rich Nguyen, trước khi lựa chọn dùng "đòn bẩy" để mua nhà, mọi người - đặc biệt là các bạn trẻ - nên tìm hiểu kỹ, tính toán dòng tiền để không rơi vào "khủng hoảng tài chính", đặc biệt, cần đọc kỹ hợp đồng, xem rõ phí trả nợ trước hạn (1 - 3% dư nợ gốc); điều kiện điều chỉnh lãi suất sau ưu đãi...
Với giá nhà hiện nay, khi chung cư 2 phòng ngủ giá dưới 3 tỷ gần như biến mất, ngay cả khi có sẵn tài chính tương đương khoảng 30% giá trị căn hộ và chọn vay mua nhà phần còn lại, tương ứng với khoảng hơn 2 tỷ đồng, việc vay mua nhà đối với người trẻ vẫn gặp muôn vàn khó khăn.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc chọn vay mua nhà đồng nghĩa với việc phải trả nợ trong 15-25 năm, hoặc phải "bóp mồm bóp miệng" cắt giảm nhiều khoản chi tiêu khác để có thời gian trả nợ ngắn hơn. Đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Lãi suất thả nổi khó dự báo cũng làm nhiều người trẻ không dám vay mua nhà.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng, để với tới giấc mơ an cư tại Hà Nội, thay vì mua nhà trong trung tâm với giá cao, người trẻ có thể tìm kiếm các khu vực vùng ven, nơi giá bất động sản hợp lý hơn. Hoặc cố gắng tiết kiệm ít nhất 30 - 50% giá trị căn nhà trước khi vay để giảm áp lực trả nợ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận