Ký ức không bao giờ quên về "Mưa đỏ"
Chiều 23/7, tại Hà Nội, Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức họp báo ra mắt bộ phim điện ảnh "Mưa đỏ" do đạo diễn, NSƯT Đặng Thái Huyền cầm trịch.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền và dàn diễn viên của Tiểu đội 1 (Ảnh: BTC).
Trong dịp đặc biệt này, đoàn làm phim, dàn diễn viên và các khách mời đã có dịp nhìn lại hành trình của ê kíp phim với 81 ngày đêm ghi hình tại Quảng Trị, vùng đất gắn liền với những trang sử oai hùng.
Từ nắng gió khắc nghiệt, địa hình hiểm trở đến những bối cảnh chiến trường tái dựng công phu, mỗi thước phim là kết tinh của mồ hôi, công sức và cảm xúc chân thành của cả đoàn.
Tại sự kiện, NSƯT Đặng Thái Huyền cho biết, chị được tiếp cận với kịch bản của nhà văn Chu Lai vào khoảng thời gian 2012-2013. Chị không bao giờ quên khoảnh khắc bản thân đọc một mạch kịch bản, nước mắt không thể ngừng rơi.
Nói về kỷ niệm đáng nhớ, xúc động nhất khi thực hiện bộ phim, nữ đạo diễn kể: "Một chi tiết mà tôi không cầm được nước mắt kể cả khi phim đang trong quá trình ghi hình là lúc các chiến sĩ vượt sông dưới làn pháo kích của địch.
Khi chới với giữa dòng, những người chiến sĩ chỉ có thể gọi: 'Mẹ ơi, chị ơi'. Chúng tôi không chỉ coi đây là một bộ phim mà là nén tâm nhang để tri ân những anh hùng đã ngã xuống.
Khi thực hiện quay phim ở Quảng Trị, thời tiết khắc nghiệt, mưa triền miên nhưng toàn bộ ê kíp và các cơ quan binh chủng phối hợp không hề nản chí. Tất cả đều quyết tâm thực hiện bộ phim dù khó khăn gian khổ tới mấy. Hơn cả một kỷ niệm, đó là cảm xúc sẽ theo chúng tôi đi đến hết cuộc đời".
Nhìn thấy "Mưa đỏ" từ những trang kịch bản nay đã bước lên màn ảnh rộng và sắp đến gần với khán giả đại chúng, nhà văn Chu Lai bày tỏ: "Phim ảnh, tiểu thuyết hay trường ca đều không thể lột tả hết được tinh thần Quảng Trị. Bộ phim này cũng chỉ là một lát cắt của lịch sử mà dân tộc đã trải qua.
Lý do tôi viết 'Mưa đỏ' là tôi có một người em có anh ruột tên là Đặng Huy Cường - liệt sĩ của trận Thành cổ. Em ấy nói với tôi, hãy viết một kịch bản phim điện ảnh để em ấy gửi cho người con trai đang học điện ảnh ở nước ngoài có thể xem về người bác đã hy sinh.
Kịch bản được viết từ năm 2010 nhưng nằm mãi trong ngăn kéo, sau đó tôi chuyển tác phẩm thành tiểu thuyết và sau đó được lọt vào mắt xanh của Điện ảnh Quân đội và được làm thành phim. Năm tháng sẽ qua đi, chiến tranh rồi cũng kết thúc nhưng không có Thành cổ mưa máu, sẽ không có bầu trời xanh hôm nay".

3 cựu chiến binh xúc động sau khi xem một trích đoạn của phim “Mưa đỏ” (Ảnh: BTC).
Cũng tại sự kiện này, 3 cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi - Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn K3 Tam Đảo, Đại tá Đào Văn Phê, Phó Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn K3 Tam Đảo và Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Trọng Can khóc nghẹn sau khi xem một trích đoạn phim "Mưa đỏ".
Họ là những người lính từng chiến đấu quả cảm trong trận chiến 81 ngày đêm khốc liệt giữ bằng được thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Đại tá Đào Văn Phê nghẹn ngào nói: "Chúng tôi may mắn được là người sống sót trở về từ chiến trường Quảng Trị nhưng đồng đội chúng tôi ngã xuống thì không đếm xuể. Là một người lính bước ra từ trận địa khốc liệt ấy, tôi muốn gửi lời khen đến ê kíp và các diễn viên vì đã tái hiện lại khá chân thật về trận chiến năm xưa.
Bộ phim đã tái hiện lại tinh thần chiến đấu dũng cảm của người lính giải phóng. Tôi cũng muốn nhắn nhủ đến thế hệ trẻ rằng, đất nước có được ngày hôm nay là nhờ hàng nghìn, hàng vạn liệt sĩ đã ngã xuống ở tuổi mười tám, đôi mươi, thậm chí còn chưa biết yêu là gì.
Họ không được sống trong không khí của ngày giải phóng, không được gặp lại cha mẹ và người thân".
Áp lực khi làm phim chiến tranh tầm cỡ
Theo thông tin từ nhà sản xuất, "Mưa đỏ" là dự án được đầu tư bài bản, chỉn chu từ nội dung đến kỹ thuật, với các bối cảnh công phu được dựng tại tỉnh Quảng Trị.
Trong đó có hơn 40 bối cảnh chính được quay tại thị xã Quảng Trị, bên dòng sông Thạch Hãn lịch sử, Thành Cổ được tái hiện chân thực về cả hình thái kiến trúc, địa hình chiến sự, các chiến hào, đường hầm, trạm pháo, sân bay dã chiến, công sự phòng thủ…
Chia sẻ về quá trình thực hiện phim, Đại tá Kiều Thanh Thúy, Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân, giám đốc sản xuất phim cho hay: "Bên cạnh việc phải tôn trọng kịch bản gốc vốn đã được Tổng Cục Chính trị thông qua, chúng tôi còn phải đảm bảo tính chân thực của lịch sử.
Nếu cân bằng được các yếu tố đó thì bộ phim "Mưa đỏ" sẽ đảm bảo được tính chính luận, chạm đến trái tim khán giả. May mắn, trong quá trình thực hiện chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành của nhà văn Chu Lai và các bác cựu chiến binh từng tham gia trực tiếp tại trận Thành cổ Quảng Trị, luôn góp ý bổ sung cho chúng tôi rất nhiều tư liệu quý báu".

Một cảnh trong phim "Mưa đỏ" (Ảnh: BTC).
Nói thêm về áp lực lớn nhất của tổ sản xuất, nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn cho biết, ê kíp phải đảm bảo phim được ra mắt vào dịp lễ Quốc khánh 2/9 .
"Phim bình thường hậu kỳ mất 6 tháng, nhưng phim chiến tranh cần đến 1 năm. Vì vậy tất cả khâu sản xuất đều phải rút ngắn thời gian và tập trung để hoàn thành nhanh nhất.
Chúng tôi phải gấp rút xây dựng bối cảnh Thành cổ Quảng Trị chỉ trong 10 tuần. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chúng tôi phải sắp xếp vừa quay, vừa dựng tại hiện trường.
Để bộ phim hoàn thành đúng tiến độ, có lẽ các liệt sĩ ở thành cổ cũng đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi.
'Mưa đỏ' là một bộ phim về đề tài chiến tranh, xuyên suốt quá trình quay phim đã có nhiều trang thiết bị, vũ khí tấn công, được huy động và sử dụng nhờ vào sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng để tăng tính chân thực cho bộ phim và tái hiện tinh thần lịch sử trọn vẹn nhất", nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn cho hay.
Khi diễn viên trẻ hóa thân thành người lính Thành cổ Quảng Trị
"Mưa đỏ" quy tụ dàn diễn viên trẻ như: Đỗ Nhật Hoàng, Hạ Anh, Steven Nguyễn, Phương Nam, Lâm Thanh Nhã, Đình Khang, Hoàng Long, Nguyễn Hùng...

Steven Nguyễn, Hạ Anh, Đỗ Nhật Hoàng (từ trái sang) đảm nhiệm vai chính trong phim (Ảnh: BTC).
Chia sẻ về quá trình cùng sống với nhân vật, diễn viên Đỗ Nhật Hoàng trong vai Cường tâm sự: "Khi nhận vai Cường, tôi rất lo lắng vì đây là dự án lớn nhất cuộc đời tôi, không chỉ lớn về nội dung câu chuyện mà còn là ý nghĩa của dự án.
Đây là cuộc chiến mà dù thắng, chúng ta cũng mất mát rất nhiều. Là một người trẻ sống trong hòa bình, tôi lo liệu bản thân có đủ khả năng để đối mặt với khó khăn này không. Nhưng nhờ vào sự động viên, tin tưởng của ê kíp và đạo diễn, tôi không còn lý do nào để không tin vào bản thân nữa".
Còn đối với Hạ Anh, cô gái lái đò tên Hồng, "Mưa đỏ" chính là những trải nghiệm diễn xuất điện ảnh đặc biệt sau những vai diễn truyền hình của nữ diễn viên.
"Từ ngày casting, tôi đã có rất nhiều cảm xúc khi đọc những phân đoạn trong kịch bản. Tôi đã vỡ oà khi nhận được vai diễn này. Ông ngoại tôi là liệt sĩ hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị.
Tham gia 'Mưa đỏ' cũng là cơ hội để tôi được kết nối với ông, với những liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây. Đây là cơ hội không phải ai cũng có được, tôi thật sự rất trân trọng và biết ơn vì đã được là một phần của dự án ý nghĩa này", diễn viên giãi bày.
Teaser phim "Mưa đỏ" (Video: Galaxy Studio)
"Mưa đỏ" là phim truyện điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng, kịch bản của nhà văn Chu Lai. Chuyện phim lấy cảm hứng và hư cấu từ sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Tiểu đội 1 gồm toàn những thanh niên trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết là một trong những đơn vị chiến đấu, bám trụ tại trận địa khốc liệt này.
Bộ phim là khúc tráng ca bằng hình ảnh, là nén tâm nhang tri ân và tưởng nhớ những người con đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, mang âm hưởng của tình yêu, tình đồng đội thiêng liêng, là khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Phim quy tụ dàn diễn viên nhiều thế hệ như: NSND Trần Lực, NSƯT Trọng Hải, diễn viên Đinh Thúy Hà, Hứa Vĩ Văn, Đỗ Nhật Hoàng, Hạ Anh, Steven Nguyễn, Phương Nam, Lâm Thanh Nhã, Đình Khang, Hoàng Long, Nguyễn Hùng, Trần Gia Huy, Lương Gia Huy, Minh Thuấn...
Phim dự kiến ra rạp từ ngày 22/8.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận