Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Xã hội

Cựu chiến binh Yên Bái và ký ức ngày 30/4 lịch sử

Cựu chiến binh Yên Bái và ký ức ngày 30/4 lịch sử

29/04/2025, 17:15

Dù đã 50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhưng ký ức về những ngày tháng Tư lịch sử với nhiều cựu chiến binh ở Yên Bái vẫn còn nguyên vẹn như mới diễn ra.

Đột kích "cánh cửa thép" ngã tư Bảy Hiền

Cựu chiến binh Nguyễn Chí Thuận ở xã Văn Phú, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, nguyên chiến sĩ Tiểu đội 4, Trung đội 1, Đại đội 5, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 nhớ như in: Đêm 29/4/1975, đơn vị của ông áp sát khu vực ngã tư Bảy Hiền, bao gồm cả sân bay Tân Sơn Nhất.

Cựu chiến binh Yên Bái và ký ức ngày 30/4 lịch sử- Ảnh 1.

Cựu chiến binh Nguyễn Chí Thuận (trái) ở xã Văn Phú, thành phố Yên Bái chia sẻ ký ức về những ngày giải phóng miền Nam.

Ông Thuận nhớ lại: "Ngã tư Ngã tư Bảy Hiền là một khu vực trọng yếu, được coi là “cánh cửa thép” dẫn vào trung tâm Sài Gòn. Lúc ấy pháo binh địch bắn rợp trời và máy bay địch bay vè vè trên đầu. Đến đúng 8 giờ sáng ngày 30/4/1975 chúng tôi được lệnh tổng tiến công và cắm cờ sân bay Tân Sân Nhất. Chúng tôi biết rằng chỉ cần vượt qua được ngã tư Bảy Hiền là sẽ gần hơn với chiến thắng. Còn đơn vị bên cạnh được lệnh tổng tiến công Dinh Độc Lập. Đúng 11h30 phút ngày 30/4/1975 lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên Dinh Độc Lập, chúng tôi vui mừng lắm".

Nhập ngũ năm 1971 với tấm bằng y sỹ, anh Nguyễn Kiến Đào lên đường vào Nam tham gia phục vụ chiến đấu. Ông tham gia phục vụ chiến đấu, chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị thương binh sau trận đánh giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh ở tỉnh Kon Tum tháng 4/1972.

Cựu chiến binh Yên Bái và ký ức ngày 30/4 lịch sử- Ảnh 2.

Cựu chiến binh Nguyễn Kiến Đào (trái) chia sẻ về những ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Toàn tỉnh Yên Bái có khoảng 6.000 - 7.000 chiến sĩ đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong số đó hàng ngàn người đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại các mặt trận ác liệt như Bình Trị Thiên, Quảng Trị, Tây Nguyên, đường Hồ Chí Minh… Hơn 1.000 người đã hy sinh, nhiều người để lại thương tật suốt đời. Nhiều liệt sĩ quê Yên Bái hiện vẫn chưa được quy tập, còn nằm lại ở chiến trường xưa. Ngoài ra, nhân dân Yên Bái cũng tích cực tham gia phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đóng góp cho tiền truyến.

Ông Nguyễn Kiến Đào kể: "Trận đó, tôi được quân y Trung đoàn giao nhiệm vụ cùng 2 y tá quản lý chăm sóc và điều trị cho 160 thương binh. Điều kiện thuốc men thiếu, bộ đội ta bị thương nặng, những vết thương nhiễm trùng sinh bọ và nhiều chiến sỹ đã hy sinh. Gần 3 ngày lăn lộn chăm sóc chữa trị cho thương binh chờ đội điều trị đến tiếp quản, tôi và đồng đội mình gần như kiệt sức vì thiếu ăn và mất ngủ…".

Ông đã lập được thành tích trong trận truy kích địch về Nha Trang tháng 3/1975. Lúc này ông trực tiếp chỉ huy đơn vị dùng toàn bộ số huyết thanh lấy được của địch tẩm vào khăn mặt để giải độc cho tiểu đội khi bị địch phản công bằng cối hóa học. Trận đánh thắng lợi, cá nhân ông đã được đơn vị biểu dương.

Lần giở những trang nhật ký mờ nhòe màu mực tím và ố vàng vì thời gian, giọng ông trầm xuống: "Có lẽ sự hy sinh mất mát quá lớn của đồng đội đã giúp chúng tôi có được sức chịu đựng kỳ diệu đến vậy để vượt lên chính mình, vượt qua nỗi sợ hãi đạn bom, chết chóc, có một niềm tin chiến thắng và ý chí chiến đấu kiên cường".

Tri ân các thế hệ đi trước

Ngày 28/4, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Trần Huy Tuấn bày tỏ lòng tri ân, sự biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh, đóng góp to lớn của các cựu chiến binh. Ông Tuấn đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chăm lo thực hiện chế độ, chính sách cho người có công; tổ chức rà soát, giải quyết kịp thời, đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách.

Cựu chiến binh Yên Bái và ký ức ngày 30/4 lịch sử- Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh dịp 50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam.

Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; đồng thời tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn một cách thiết thực, chu đáo.

Cựu chiến binh Yên Bái và ký ức ngày 30/4 lịch sử- Ảnh 4.
Cựu chiến binh Yên Bái và ký ức ngày 30/4 lịch sử- Ảnh 5.
Cựu chiến binh Yên Bái và ký ức ngày 30/4 lịch sử- Ảnh 6.

Các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái thắp hương tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sỹ hy sinh vì đất nước.

Cũng trong dịp này, tại các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái tổ chức tri ân các anh hùng liệt sỹ hy sinh vì đất nước. Nhiều trường học có ý tưởng phong phú như cùng nhau thực hiện hoạt động trang trí lớp học, sân trường rợp bóng cờ hoa chào mừng một trong những sự kiện trọng đại nhất của đất nước. Những bức ảnh lịch sử, những dòng chữ đỏ thắm, những sắc cờ tung bay trong các lớp học, sân trường thể hiện tình yêu nước nồng nàn được thắp lên từ trái tim tuổi trẻ.

Em Trần Đức Anh, học sinh lớp 12, chuyên Lý, Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành chia sẻ: "Chúng em hiểu rằng, để có một Việt Nam hình chữ S xinh đẹp hôm nay, bao thế hệ đã đổ máu và nước mắt gìn giữ từng tấc đất, từng mảnh trời quê hương".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.