Theo Đại tá Vũ Văn Khanh, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Quốc tế, Viện Chiến lược Quốc phòng (nay là Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam), trong nhiều bài học kinh nghiệm, bài học về "chớp thời cơ", về nghệ thuật chỉ huy và hiệp đồng tác chiến quân sự tài tình là một trong những bài học mà chúng ta có thể vận dụng trong hành trình đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Đại tá Vũ Văn Khanh.
"Thế - lực – thời- mưu"
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử của dân tộc ta như một mốc son chói lọi. Theo ông, đâu là những yếu tố cốt lõi tạo ra thời cơ chiến lược" để quân và dân ta có thể giành chiến thắng, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử?
Theo tôi, đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là "lực - thế - thời - mưu".
Về lực, ta đã huy động sức mạnh của toàn dân cả về vật chất và tinh thần, xây dựng lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị quần chúng, phát huy sức mạnh của dân tộc và của thời đại, sức mạnh của hậu phương và tiền tuyến, sức mạnh ở chiến trường và sức mạnh của địa phương tại chỗ.
Về thế, ta đã tạo được thế trận thuận lợi trên toàn bộ chiến trường miền Nam, chặn hướng tiến công, bao vây, chia cắt địch, làm thay đổi thế và lực trên chiến trường, chủ động tổ chức những trận đánh then chốt, tạo thời cơ mới để quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Về thời, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là điểm chín muồi của "thời cơ". Đó là lúc đế quốc Mỹ đã "tan rã" ý chí xâm lược, còn bọn tay sai ngụy quân, ngụy quyền thì "hoang mang dao động". Trong khi đó, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ.
Về mưu, đó là toàn bộ các chủ trương, kế hoạch chiến lược, chiến dịch, tài chỉ huy, thao lược của Bộ Tổng tư lệnh, của các tướng lĩnh, sĩ quan, binh sĩ trong chiến đấu, tài nghi binh đánh lừa địch...
Tất cả những yếu tố trên kết hợp tạo ra "thời cơ chiến lược", để ta tiến hành đòn tiến công quyết định kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và thực dân.

Quân Giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy tại Buôn Ma Thuột, ngày 11/3/1975 (Ảnh tư liệu).
Theo ông, thời gian là yếu tố quan trọng thế nào trong chiến tranh? Nghệ thuật quân sự Việt Nam đã tận dụng yếu tố này ra sao để tạo ra sức mạnh và giành thắng lợi?
Trong chiến tranh, thời gian được coi là yếu tố sống còn, có tác động, ảnh hưởng đến chiến lược, các hoạt động quân sự, thậm chí là kết cục của chiến tranh.
Trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, thời gian được tận dụng để giành chiến thắng trong từng trận đánh và tạo ra môi trường chiến đấu lâu dài, làm suy yếu địch, tạo lợi thế về chiến lược cho ta.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ta đã tận dụng thời gian để tranh thủ sự thay đổi của tình hình quốc tế, đặc biệt là sự suy yếu của Mỹ trong bối cảnh chiến tranh kéo dài; tận dụng thời điểm có lợi để đánh những đòn then chốt quyết định.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được coi là một minh chứng điển hình và sự tài tình trong tận dụng yếu tố thời gian trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Đây là thời điểm mà Quân đội ta đã có sự chuẩn bị đầy đủ, trong khi đối phương đang ở trong tình trạng rệu rã, suy yếu. Ta đã tận dụng thời điểm có lợi nhất, tạo sức mạnh áp đảo, khiến đối phương không kịp trở tay.

Xe tăng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập sáng ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu).
Bài học sâu sắc về "chớp thời cơ"
Từ góc độ nghiên cứu chiến lược, ông có thể đánh giá về vai trò và sự lãnh đạo sáng suốt, khả năng phân tích, dự đoán tình hình của Đảng ta trong việc nắm bắt, chỉ đạo quân và dân ta "thần tốc, táo bạo, bất ngờ" giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử?
Trên cơ sở nhận định, đánh giá tình hình địch - ta, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong thời gian dự kiến 2 năm (1975-1976), kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Theo tôi, đây là quyết tâm rất táo bạo, nhưng hết sức chính xác và hoàn toàn có căn cứ.
Xuất phát từ so sánh tương quan lực lượng trên chiến trường, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã xác định, đòn đột kích chủ yếu là chiến dịch mở đầu nhằm vào hướng Tây Nguyên, lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch.
Trong thế trận chiến lược của 3 đòn tiến công liên tiếp trên 3 hướng là Tây Nguyên; duyên hải miền Trung (Huế - Đà Nẵng); Sài Gòn - Gia Định, trong đó, tiến công vào Sài Gòn là trận quyết chiến chiến lược.
Những trận thắng giòn giã của của Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định, thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có đầy đủ lực lượng và khả năng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam trong một thời gian ngắn hơn so với dự kiến.

Nhân dân Sài Gòn vui mừng đón chào Quân Giải phóng (Ảnh tư liệu).
Nhìn từ Đại thắng mùa xuân 1975, đâu là bài học sâu sắc nhất về "chớp thời cơ"? Bài học đó có ý nghĩa thế nào trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, thưa ông?
Bài học sâu sắc nhất về "chớp thời cơ" chính là sự chủ động của ta trong tạo thời cơ chiến lược. Đó là nỗ lực của quân và dân ta trong việc tạo ra những thay đổi cơ bản có lợi trên chiến trường và trong cán cân so sánh lực lượng giữa ta và địch.
Để đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, quân và dân ta đã phải trải qua cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ suốt 21 năm ròng rã, và tìm kiếm thời cơ chín muồi kết thúc chiến tranh.
Và chính từ sự kiên trì, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc đã tạo ra thời cơ "ngàn năm có một" để kết thúc hoàn toàn cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ.
Đến nay, theo nhìn nhận của cá nhân tôi, bài học về "chớp thời cơ" vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đó là sự nhạy bén trong nắm bắt tình hình thế giới, khu vực và trong nước để đề ra chính sách đúng đắn và phù hợp; giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, "dĩ bất biến, ứng vạn biến".
Tích cực, sáng tạo, nhưng cần thận trọng xem xét toàn diện mọi khía cạnh, tránh chủ quan, nóng vội; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại... trong xây dựng và phát triển đất nước.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận