Ngày 18/7, theo công bố báo chí của DKRA Gruop (đơn vị chuyên phân tích thị trường bất động sản), phân khúc đất nền trong quý 2/2025, nguồn cung sơ cấp tại thị trường Đà Nẵng và vùng phụ cận ghi nhận mức giảm khoảng 23% so với cùng kỳ năm 2024. Đà Nẵng (cũ) và Quảng Nam (cũ) vẫn là hai địa phương chủ lực khi chiếm 100% tỷ trọng cung của thị trường.

Trong quý II/2025, nguồn cung bất động sản ở TP Đà Nẵng có dấu hiệu giảm, sức mua tăng.
Trong khi đó, nhu cầu mua được cải thiện đáng kể với mức tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, lượng tiêu thụ tương đương khoảng 15% tỷ trọng cung sơ cấp. Mặt bằng giá sơ cấp duy trì xu hướng đi ngang so với quý trước và đạt mức tăng trung bình khoảng 6% - 8% so với cuối năm 2024.
Riêng thị trường thứ cấp ghi nhận mức tăng trung bình khoảng 7% so với quý 1/2025, tập trung ở nhóm sản phẩm hoàn thiện hạ tầng, pháp lý, được triển khai bởi các chủ đầu tư uy tín trên thị trường.
Ở thị trường căn hộ, nguồn cung sơ cấp tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực Đà Nẵng (cũ), cụ thể là quận Hải Châu và quận Sơn Trà (cũ) chiếm gần 76% nguồn cung sơ cấp toàn thị trường. Tỷ lệ tiêu thụ sơ cấp ghi nhận tín hiệu tích cực hơn, đạt khoảng 55% trên tổng nguồn cung sơ cấp, phần lớn ghi nhận tại các dự án mở bán mới trong quý tại Quận Hải Châu (cũ).
Nguồn cung sơ cấp nhà phố/biệt thự tại thị trường Đà Nẵng và vùng phụ cận ghi nhận tăng 4% so với cùng kỳ, tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với giai đoạn trước năm 2022. Phần lớn đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ, chiếm tới 88% tổng nguồn cung toàn thị trường.
Trong khi đó, nguồn cung mới ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực khi tăng 2.3 lần so với cùng kỳ, phân bổ chủ yếu tại 2 khu vực Quảng Nam (cũ) và TP Huế. Sức cầu thị trường tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực khi lượng tiêu thụ ghi nhận tăng 1.3 lần.
Đà Nẵng (cũ) và TP. Huế vẫn là địa phương dẫn dắt thị trường khi chiếm 80% tổng nguồn cung và 71% tổng lượng tiêu thụ sơ cấp. Mặt bằng giá bán sơ cấp tăng trung bình 10% so với cùng kỳ, trong khi thị trường thứ cấp cũng tăng bình quân 4% so với giai đoạn cuối năm 2024, tập trung chủ yếu ở các dự án đã bàn giao, pháp lý hoàn thiện và hạ tầng kết nối thuận lợi.
Về nguồn cung sơ cấp phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng ghi nhận giảm khoảng 3%, chủ yếu đến từ lượng hàng tồn kho của các dự án cũ. Tỷ lệ tiêu thụ thị trường vẫn còn khiêm tốn. Trong đó, Quảng Nam (cũ) và TP Huế tiếp tục là địa phương dẫn đầu về tỷ trọng nguồn cung khi chiếm 90% tổng nguồn cung toàn thị trường. Ngược lại, Đà Nẵng (cũ) là điểm sáng về thanh khoản khi đóng góp 100% vào tổng lượng tiêu thụ.
Với phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp vẫn duy trì ở mức thấp, dự án mới thiếu vắng và không ghi nhận phát sinh giao dịch trong quý. Mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì ổn định và không có nhiều biến động so với cùng kỳ, mức giá chào bán hiện tại dao động từ 7.1 - 16.3 tỷ đồng/căn. Thị trường thứ cấp tiếp tục duy trì tình trạng ảm đạm.
Ở phân khúc condotel trong quý II/2025, nguồn cung sơ cấp giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, 100% nguồn cung trong quý đến từ lượng hàng tồn kho của các dự án cũ, chưa ghi nhận nguồn cung mới. Quảng Nam (cũ) và Đà Nẵng vẫn giữ vai trò dẫn dắt thị trường khi chiếm 93% tổng nguồn cung sơ cấp trong quý. Sức cầu thị trường vẫn ở mức thấp. Mặt bằng giá sơ cấp không biến động nhiều so với cùng kỳ và tiếp tục xu hướng đi ngang.
Đơn vị này dự báo trong quý III/2025, phân khúc đất nền tại TP Đà Nẵng và vùng phụ cận duy trì tình trạng khan hiếm nguồn cung mới và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn, dự kiến chỉ có khoảng 80 - 120 sản phẩm được mở bán mới, tập trung chủ yếu ở Quảng Nam (cũ) và Đà Nẵng (cũ).
Ở các phân khúc khác như căn hộ, nhà phố, biệt thự, bất động sản nghỉ dưỡng đơn vị này cũng dự báo sẽ tăng cao nhu cầu cung cấp, tuy nhiên khó có nhiều bứt phá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận