Bữa cơm bỏ dở
Khoảng 13h45 ngày 19/7, tại khu vực gần hang Đầu Gỗ, trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), tàu du lịch Vịnh Xanh 58, mang số hiệu QN-7105 đã bị đắm do dông lốc bất ngờ. Trên tàu tổng cộng có 49 người.
Ngay sau khi nhận được thông tin, tỉnh Quảng Ninh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ xuyên đêm.

Anh Nguyễn Thành Luân cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ cứu hộ vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long, chiều 19/7.
Là một trong những người trực tiếp tham gia cứu hộ, anh Nguyễn Thành Luân – đoàn viên Đoàn thanh niên Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin, trực thuộc Đoàn thanh niên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Đoàn TKV) nhớ như in những giờ phút cam go, chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân.
“Lúc đó khoảng 18h45, chúng tôi vừa hết ca trực, chuẩn bị dùng bữa cơm tối thì Trạm trưởng gọi điện báo về vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long, yêu cầu sẵn sàng đi cứu hộ. Khi đang dùng dở bữa cơm, nhận được cuộc gọi thứ hai, anh em lập tức chuẩn bị đồ đạc như xuồng, quần áo lặn... và xuất phát đến hiện trường”, anh Luân kể.
Tại hiện trường, theo anh Luân, tình hình rất hỗn loạn, thời tiết xấu, dòng chảy mạnh, nước đục và trời tối khiến công tác cứu hộ vô cùng khó khăn.
“Lúc chúng tôi đến là thời điểm bắt đầu chuyển các nạn nhân ra. Đội đã phối hợp với các lực lượng chức năng đưa thi thể về bờ. Công việc yêu cầu gấp rút, phối hợp nhịp nhàng nên chúng tôi triển khai theo kinh nghiệm được trui rèn và chỉ đạo từ cấp trên”, anh chia sẻ.

Đội cứu hộ Trung tâm Cấp cứu mỏ phối hợp cùng lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường bên trong tàu du lịch bị lật trên vịnh Hạ Long.
Đến 4h30 sáng hôm sau, sau nhiều giờ vật lộn với sóng gió và bóng tối, toàn đội đã kiên trì tìm kiếm, đưa ra được 5 nạn nhân, đồng thời lai dắt thành công chiếc tàu gặp nạn về bờ. Họ đã hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất, giữ vững sự an toàn tuyệt đối cho từng thành viên trong đội – những người hùng thầm lặng giữa biển khơi dữ dội.
Khoảnh khắc đặc biệt khiến anh Luân không thể quên là khi anh phát hiện thi thể một nạn nhân nhỏ tuổi mắc kẹt trong khoang tàu.
“Trong lúc dịch chuyển chiếc ghế băng dài để tìm kiếm, tôi bất ngờ nhìn thấy bé nằm ép sát vào tường. Khi ấy, trái tim tôi như thắt lại, tôi và đồng đội vội vàng bế cháu bé qua cửa sổ, nhẹ nhàng trao lại cho lực lượng biên phòng. Cảm giác xót xa ấy sẽ theo tôi mãi”, anh Luân nghẹn ngào chia sẻ.
14 năm xông pha và những ký ức không quên của người lính cứu hộ
Về công tác tại Trung tâm Cấp cứu mỏ từ năm 2011, anh Nguyễn Thành Luân luôn xác định rõ: công việc cứu hộ tuy nguy hiểm nhưng đầy ý nghĩa và cao cả.
Trong suốt quá trình làm việc, anh cùng đồng đội đã tham gia nhiều nhiệm vụ đặc biệt như: Lặn sâu xử lý sự cố tại mỏ Núi Béo, mỏ Cọc 6, Hà Tu; Ứng cứu vụ ngập lụt tại mỏ vàng Danh; Phối hợp cùng Trung tâm Lặn cứu hộ Quốc gia trục vớt tàu đắm trên sông Cửa Lục; Tham gia cứu hộ cháy nhà dân tại phường Hạ Long…
Ở bất kỳ nhiệm vụ nào, anh Luân cũng luôn tiên phong, không quản ngại khó khăn, hiểm nguy, phát huy tinh thần xung kích của đoàn viên thanh niên Việt Nam - dấn thân vì cộng đồng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Anh Nguyễn Thành Luân trong một buổi huấn luyện nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn.
Chia sẻ về kỷ niệm đặc biệt trong 14 năm gắn bó với công tác cứu hộ, anh Nguyễn Thành Luân nhớ nhất vụ giải cứu bé gái trong vụ sập nhà dân tại phường Hồng Hà sau bão Yagi (tháng 9/2024) - một nhiệm vụ để lại nhiều cảm xúc sâu đậm trong anh.
“Hôm đó sau bão, đội đang dọn dẹp cây cối thì nghe tiếng kẻng. Ban đầu nghĩ là kẻng báo hết giờ làm, nhưng đến tiếng thứ hai thì biết có nhiệm vụ khẩn, anh em lập tức chuẩn bị thiết bị, xuất phát ngay,” anh Luân kể.
Tại hiện trường, dù có đông lực lượng hỗ trợ, nhưng việc cứu hộ vô cùng khó khăn. Nhờ kinh nghiệm từ những vụ cứu hộ trong hầm lò, đội nhanh chóng khảo sát, triển khai phương án tối ưu để tiếp cận và đưa bé gái ra ngoài an toàn.
“Với sự phối hợp của bé và nỗ lực của anh em, việc giải cứu thành công trong thời gian ngắn. Sự ghi nhận và ánh mắt biết ơn của mọi người chính là phần thưởng lớn nhất với chúng tôi,” anh xúc động chia sẻ.
Với thể lực tốt, kỹ năng chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao, anh Nguyễn Thành Luân là tấm gương tiêu biểu trong đội ngũ cán bộ, đoàn viên thanh niên Trung tâm Cấp cứu mỏ - người luôn sẵn sàng xông pha vì sự an toàn của cộng đồng.
Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), là thành viên chính thức của Hiệp hội Cứu hộ Mỏ quốc tế (IMRB) và lực lượng thành viên của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Trung tâm không chỉ là lực lượng chủ lực trong công tác cứu hộ, cứu nạn mỏ hầm lò, mà còn đào tạo, huấn luyện nên những người lính cứu hộ tinh nhuệ - sẵn sàng tác chiến trong mọi điều kiện khắc nghiệt, từ lòng đất đến đáy biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận