
Đền Thái Vi thuộc thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đền nằm giữa không gian cảnh quan sơn thủy hữu tình trong khu rừng Ô Lâm xưa. Bao quanh đền là các dãy núi trùng điệp, phía bên phải đền có dòng sông Ngô Đồng uốn khúc, bên trái có ngọn núi Cối Lĩnh, sau lưng là dãy núi Cấm Sơn hùng vĩ.

Cụ Chu Văn Thim 86 tuổi, thủ nhang đền Thái Vi chia sẻ: "Lúc đầu, vua Trần Thái Tông cho dựng một am nhỏ trong hang Cả nhưng vì địa thế hẹp, không thuận tiện đi lại nên đã chọn mảnh đất rộng rãi ở ngoài phía Nam động, địa thế đẹp, cây cối tốt tươi, thế đất hình rồng để dựng am tu luyện và đặt tên là am Thái Vi". Phía trước đền Thái Vi có giếng ngọc hình tròn được dựng bằng những phiến đá xanh nguyên khối, nước trong vắt quanh năm.

Nghi môn đền được xây bằng đá, hai bên có đôi ngựa bằng đá nguyên khối lớn đứng chầu. Sau nghi môn có các công trình nằm đối xứng qua trục thần đạo: Hồ nước hình chữ nhật, gác chuông - gác trống, đền chính nằm ở trung tâm.

Đền chính có ba cung (cung Đệ Nhất, cung Đệ Nhị, cung Đệ Tam) với 28 cột đá cao 3,2m, trong đó 22 cột đá vuông. Các cột đá được chạm đục tứ linh, long cuốn thủy cực, long chầu… tinh xảo và cực kỳ đẹp mắt.

Cung Đệ Tam có kiến trúc 5 gian, cung Đệ Nhị có 3 gian, cung Đệ Nhất có 5 gian, 2 tầng 4 mái, xây hồi bít đốc. Tường đá ngăn cách giữa cung Đệ Nhị và cung Đệ Nhất có 3 cửa, trên cửa có phiến đá nguyên khối chạm khắc rồng chầu mặt trời, phượng hàm thư.

Anh Đinh Biên Cương (thành phố Hoa Lư) cho biết: "Anh rất ấn tượng với kiến trúc đá nguyên khối chạm khắc đẹp mắt kết hợp với hệ thống xà, rui, mè đều được làm bằng gỗ lim tại đền Thái Vi. Hằng tháng anh đều vào đền hai lần, vừa đi lễ cầu bình an vừa được đắm chìm trong không gian nghệ thuật kiến trúc và cảnh vật thư thái nơi đây".

"Trên các cột trụ đá, mặt trước chạm câu đối bằng chữ Hán, mặt sau chạm rồng, mây, phượng, lân… Hình rồng lớn là đề tài trang trí chủ đạo trên cột. Rồng được chạm nổi với đầu to, quay chầu vào trong, thân có vẩy, uốn khúc chạy dọc theo chiều dài của cột, trên thân có nhiều mây ám", cụ Chu Văn Thim cho biết thêm.

Trong khuôn viên đền có gác chuông được xây dựng dưới thời vua Duy Tân. Gác chuông có kiến trúc 2 tầng 8 mái với 32 cột gỗ. Hệ thống đỡ các mái gồm cột, xà, bẩy đều được làm bằng gỗ lim.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết: "Ngoài giá trị đặc biệt về lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể, không gian cảnh quan kiến trúc, đền Thái Vi còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như ngựa đá, bia đá, chuông…".

"Đền Thái Vi không chỉ là căn cứ kháng chiến của quân dân Đại Việt chống quân Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII mà trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn là nơi cất giấu vũ khí của quân dân ta. Đền đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật cấp quốc gia năm 1994", ông Trường cho biết thêm.
Đền Thái Vi gắn liền với lịch sử nhà Trần, thờ vua Trần Thái Tông, Hiển Từ Thuận Thiện Hoàng hậu, vua Trần Thánh Tống, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông cùng các vị tướng lĩnh tài ba nhà Trần đó là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải. Lễ hội đền Thái Vi diễn ra từ ngày 14/3-15/3 âm lịch hằng năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận