Ngày 5/7, tại TP Đà Nẵng, nhà báo Lê Phi, Trưởng văn phòng Báo Pháp luật TP.HCM khu vực miền Trung chính thức ra mắt tập truyện "Đi ngược", ghi dấu một hành trình viết lặng thầm nhưng đầy nội lực từ người làm báo vốn quen thuộc với các mảng pháp luật, chính sách và đời sống công chức.

Nhà báo Lê Phi (phải) giới thiệu tập truyện "Đi ngược" của mình tại buổi ra mắt.
Lễ ra mắt được tổ chức trong không gian nhỏ, ấm cúng tại một quán cà phê trung tâm thành phố, quy tụ đông đảo đồng nghiệp, bạn đọc và người thân đến chung vui, chia sẻ cùng tác giả. Nhiều người bất ngờ, bởi giữa nhịp sống bộn bề, nhà báo Lê Phi vẫn chọn cho mình một lối đi riêng: Lắng lại để viết, kể lại những câu chuyện vừa gần gũi, vừa mang chiều sâu của trải nghiệm cá nhân và xã hội.
Tập truyện "Đi ngược", do Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành (nộp lưu chiểu tháng 6/2025), gồm hơn 250 trang, chia thành 20 truyện ngắn. Các câu chuyện được sắp xếp thành hai phần lớn: ký ức nông thôn với những gam màu u hoài ("Bóng lính lang thang ở Chùa Khê", "Nấm mộ hoang và những bông hoa dại", "Đền thiêng"…), và trải nghiệm đô thị, công sở qua những dòng chảy thời sự, chính sách ("Ở thành phố không nên tin ai", "Phong bì cuối cùng", "Rời khỏi cửa công", "Về hưu trước tuổi"…).

Tập truyện "Đi ngược" của nhà báo Lê Phi được Nhà xuất bản Đà Nẵng in, nộp liêu chiểu tháng 6/2025.
Tác phẩm không chỉ gợi nhớ một miền quê miền Trung đầy nắng gió, mà còn phản ánh rõ những đổi thay của xã hội hiện đại - nơi những người làm công vụ, công chức cũng đối diện với tinh giản biên chế, sự thay đổi về thể chế và tâm thế.
Tại buổi ra mắt, nhiều đồng nghiệp bày tỏ sự trân trọng với tập truyện. Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Anh Đào (Báo Nhân Dân) cho biết, chị đã đọc bản thảo và ấn tượng bởi những câu chuyện rất thực, rất đời và giàu cảm xúc.
Nhà báo Hoàng Quân (Chuyên đề Công an TP.HCM) nhận xét: "Tôi thấy trong đó là sự yêu thương, lắng đọng thời gian, lời cảnh tỉnh, bài học sống; cả động lực về nghề nghiệp, niềm tin vào cuộc sống".
Tập truyện "Đi ngược" được xuất bản trong dịp đặc biệt - kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), góp thêm một tiếng nói cá nhân dung dị nhưng sâu sắc vào dòng chảy văn hóa - nghề nghiệp của người làm báo.

Nhiều đồng nghiệp, bạn đọc, gia đình chúc mừng nhà báo Lê Phi tại buổi ra mắt tập truyện "Đi ngược".
Trước đó, tại Đà Nẵng, hai nhà báo khác là Trần Tuấn (Báo Tiền Phong) và Hồ Tấn Vũ (Báo Tuổi Trẻ) cũng lần lượt ra mắt các ấn phẩm văn chương: tập thơ "Sống là gì lâu quá đã quên" và tiểu thuyết "Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng", khẳng định vai trò và chiều sâu văn hóa của những người cầm bút.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận