Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Tài chính

Doanh nghiệp ứng phó việc áp thuế mới từ Mỹ

Doanh nghiệp ứng phó việc áp thuế mới từ Mỹ

09/04/2025, 06:38

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng với Việt Nam ngưỡng 46%, các doanh nghiệp xuất khẩu đã phản ứng kịp thời, nỗ lực ứng phó với chính sách mới này.

Đa dạng hóa thị trường

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 nhận định, việc thực thi sắc thuế này sẽ khiến mặt bằng giá cả tăng, khiến sức mua giảm. Dự báo tỷ lệ đơn hàng của doanh nghiệp có thể giảm 10% trong thời gian tới.

Doanh nghiệp ứng phó việc áp thuế mới từ Mỹ- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã và đang nỗ lực mở rộng thị trường sang các nước EU, Nhật Bản cũng như hướng về nội địa.

Song, nhờ lường trước được việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các sản phẩm dệt may - một trong những sản phẩm chủ lực, May 10 đã đa dạng hóa thị trường ngoài Mỹ, như EU, Nhật Bản, Australia và một số thị trường khác.

Cùng đó, doanh nghiệp cũng đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu để giảm phụ thuộc từ thị trường Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang theo dõi rất sát vấn đề nguồn gốc sản phẩm bông Tân Cương (Trung Quốc).

Đặc biệt, May 10 cũng đẩy mạnh sản phẩm chinh phục thị trường nội địa, nhằm đảm bảo cân bằng tỷ trọng giữa hàng hóa xuất khẩu và phân phối trong nước.

Năm 2024, thị trường Mỹ nhập khẩu 16,6 tỷ USD sản phẩm dệt may của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 38% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ 1,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 4,8% tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu của toàn ngành.

Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) bày tỏ, mức 46% là rất cao, khiến các doanh nghiệp dệt may lo lắng, do biên lợi nhuận của dệt may rất mỏng, trong khi phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu dệt may khác.

Do đó, lãnh đạo Vitas cho rằng, đây là thời điểm bắt buộc để tăng cường đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đã ký các hiệp định thương mại tự do FTA nhờ được ưu đãi thuế quan.

Cũng giống như dệt may, những mặt hàng chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ như đồ điện tử, thiết bị máy móc, giày dép và đồ gỗ sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Theo giới chuyên gia, doanh nghiệp cần chủ động ra quyết sách.

Cần thêm ưu đãi từ chính sách

Về giải pháp ngắn và dài hạn, theo lãnh đạo Vitas, doanh nghiệp cùng với các nhãn hàng, nhà mua hàng chia sẻ khó khăn để giải quyết các đơn hàng đang trên đường, đã ký và đang sản xuất.

Các doanh nghiệp đàm phán các đơn hàng tiếp theo với cách thức chia sẻ lợi ích, rủi ro trong toàn chuỗi cung ứng.

Đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp trong hiệp hội, chủ tịch Vitas kiến nghị, Chính phủ cần ban hành mới và duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để giảm chi phí, như tiếp tục giảm thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp; ngân hàng tiếp tục giảm lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp.

"Không chủ quan nhưng không quá bi quan"

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, cả doanh nghiệp và Nhà nước cần nắm sát tình hình, diễn biến, đặc biệt là những động thái mới từ phía Chính phủ Mỹ đối với thuế quan và các vấn đề liên quan khác.

Bên cạnh đó, cần quan sát thêm động thái của những nước lớn, những nước có cán cân thương mại lớn, có thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ.

"Chính phủ và doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp. Điều quan trọng là chúng ta cần bình tĩnh, không chủ quan nhưng cũng không quá bi quan. Bởi đây là câu chuyện toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam.

Nước nào bình tĩnh hơn, chủ động hơn, khôn khéo hơn sẽ vượt qua được cú sốc lớn này thành công", ông Lực phân tích.

Theo một chuyên gia kinh tế đã tham gia nhiều đoàn đàm phán, để tận dụng được dư địa đàm phán, Việt Nam cần tập trung vào một số điểm then chốt.

Thứ nhất, chúng ta cần làm phía Mỹ thấy rằng quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam mang tính tương trợ, bổ trợ lẫn nhau.

Thứ hai, Mỹ vừa công bố các vướng mắc liên quan đến 14 lĩnh vực. Vì vậy, Việt Nam cần quan tâm và có những giải pháp rất cụ thể để khắc phục và giải quyết những băn khoăn, khuyến nghị này. Nếu chúng ta giải quyết kịp thời, thể hiện chúng ta có thiện chí và nghiêm túc giải quyết các vướng mắc cho phù hợp.

Thứ ba, trong công thức tính toán về mức độ thuế suất của Mỹ thể hiện, chúng ta còn nhiều rào cản thương mại cần phải tháo gỡ. Do đó, cần chứng minh cho phía Mỹ là chúng ta đã cởi mở vấn đề thương mại đến đâu. Còn với những vướng mắc, rào cản thì chúng ta quyết tâm có lộ trình và giải pháp tháo gỡ cụ thể.

Thứ tư, cần hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp và địa phương minh bạch hóa nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, của các chương trình, dự án đầu tư có liên quan để khi làm việc với phía Hoa Kỳ. Có thể chứng minh cho họ thấy những hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đôi khi xuất phát từ sự đầu tư của Hoa Kỳ, không phải đơn thuần của nước khác hay của riêng Việt Nam.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, khi mức thuế giảm về bằng 0 với hàng Mỹ thì thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ vẫn rất lớn.

Bởi theo ông, do tính chất nền kinh tế Việt Nam bổ trợ cho nền kinh tế Mỹ. Tức là, chúng ta sản xuất ra hàng hóa mà người tiêu dùng Mỹ cần, họ cũng hưởng giá rẻ. Do đó, việc đưa thuế nhập khẩu về 0% là giải pháp sáng suốt để Mỹ giảm thuế đối ứng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.