Doanh nghiệp khó mua được cát vì khan hiếm
Chuyên hoạt động về sản xuất cung ứng bê tông tươi tại thị trường Quảng Nam, Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Sơn Sáu Sang (trụ sở tại cụm công nghiệp Quế Cường, huyện Quế Sơn), cho hay khoảng 10 ngày qua, đơn vị không thể nhập nguồn cát về để sản xuất.

Một địa điểm tập kết cát thị thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Ảnh: T.Đ.
"Chúng tôi mỗi ngày chỉ hoạt động vài xe vận chuyển bê tông tươi để cầm chừng. Còn về cát, hơn 10 ngày qua doanh nghiệp không nhập cát được vì khan hiếm và giá quá cao nên không nhập nhiều.
Bình thường, công ty mua vào khoảng 300 nghìn đồng/m3 cát, nhưng nay đã 650 nghìn đồng/m3", ông Cao Trường Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Sơn Sáu Sang cho hay.
Việc khan hiếm cát khiến doanh nghiệp sản xuất bê tông tươi như Sơn Sáu Sang không thể hoạt động, không có nguồn cung ứng khiến các đơn vị, nhà thầu xây dựng cũng lao đao.
Cũng trong tình trạng tương tự, một giám đốc công ty chuyên về xây dựng tại TP Tam Kỳ cho hay, trong khoảng một tháng nay tại địa phương giá cát, đá đều tăng cao khiến việc thi công công trình gặp rất nhiều khó khăn.
"Việc tăng giá cát lên hơn 650.000 đồng/m3 khiến trượt giá, không đúng giá được phê duyệt. Không chỉ vậy, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam chưa có mỏ cát nào hoạt động ảnh hưởng lớn đến tiến độ công trình", người này nói.
Theo đại diện một đơn vị vận tải tại huyện Núi Thành, Quảng Nam, hiện cát khan hiếm nên giá rất cao. Doanh nghiệp cũng mua cát từ tỉnh Quảng Ngãi để vận chuyển cho các đơn vị trên địa bàn nhưng phải đi từ sáng sớm.
"Xe tôi muốn mua cát từ tỉnh Quảng Ngãi cũng phải đi từ 3h sáng, mỗi ngày chỉ chở được vài xe vì chủ mỏ không bán nhiều", người này cho hay.
Theo ghi nhận trong ngày 19/5 tại địa bàn thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), nơi có nhiều bến bãi chứa cát đã dừng hoạt động vì khan hiếm nguồn cát xây dựng. Theo đại diện các bãi chứa cát, họ đã tạm dừng việc mua cát từ mỏ khoảng một tuần nay do khan hiếm và giá tăng cao.
Đấu giá một số mỏ cát để tăng nguồn cung thị trường
Đại diện UBND huyện Đại Lộc cho biết, đến nay trên địa bàn chỉ còn 2 mỏ khai thác cát xây dựng còn giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, hiện chỉ có một mỏ đang khai thác bình thường, còn một mỏ đang tranh chấp nên đã tạm dừng khai thác.
Trước thực trạng khan hiếm và vướng mắc trong thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, ngày 14/5 vừa qua, UBND huyện Đại Lộc đã ban hành hồ sơ mời tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng với 3 mỏ cát, một mỏ đất, một mỏ đá và một mỏ đất sét, gạch ngói.
Cụ thể, các điểm mỏ cát ĐL2 tại xã Đại Thắng với trữ lượng dự kiến 790.000m3 với diện tích 20,73ha; mỏ cát ĐL11, xã Đại Đồng với trữ lượng dự kiến 360.000m3, diện tích 12ha; điểm mỏ ĐL12B1, ĐL12B2 tại xã Đại Quang có diện tích 3ha với tổng trữ lượng hơn 166.400m3.
Ngoài ra, còn có điểm mỏ đất san lấp DL-BS04 ở xã Đại Nghĩa có diện tích 18,15ha, trữ lượng dự kiến 945.000m3; điểm mỏ đá ĐL15B, xã Đại Quang với diện tích 15ha, trữ lượng đã được thăm dò, đánh giá trữ lượng là hơn 6,1 triệu m3; điểm mỏ đất sét, gạch ngói DL-BS05 tại xã Đại Sơn có diện tích 30,99ha, trữ lượng dự kiến 927.000m3;
Liên quan vấn đề khan hiếm nguồn nguyên vật liệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình đã có văn bản đề nghị Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thẩm định, tham mưu UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án khai thác khoáng sản phải quy định cụ thể công suất và thời hạn hoạt động của dự án trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, ông Phan Thái Bình cũng yêu cầu các Sở: Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Công Thương và các Sở, ngành liên quan phải có ý kiến cụ thể về công suất và thời hạn hoạt động của dự án, làm cơ sở để Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét,quyết định.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường, các đơn vị liên quan đến việc xử lý chuyển tiếp đối với dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, giải quyết các hồ sơ, thủ tục có liên quan đến các dự án khai thác khoáng sản, đảm bảo không làm gián đoạn việc thực hiện dự án nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu, vật liệu cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Khẩn trương giải quyết thủ tục về bảo vệ môi trường, thẩm định thiết kế, cấp phép khai thác, cho thuê đất đối với các dự án trước đây UBND tỉnh quyđịnh công suất khai thác và thời hạn hoạt động của dự án thực hiện theo quy định tại giấy phép khai thác khoáng sản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận