Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Quản lý đô thị

Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị Hà Nội ra sao sau ngày 30/6?

Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị Hà Nội ra sao sau ngày 30/6?

12/05/2025, 17:02

Sau ngày 30/6, khi Hà Nội hoàn tất việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị sẽ được bố trí lại để tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng

Từ năm 2018, Hà Nội triển khai thí điểm mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã theo Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau 7 năm thực hiện, mô hình này cho thấy kết quả đáng ghi nhận.

Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị Hà Nội ra sao sau ngày 30/6?- Ảnh 1.

Các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị các quận (huyện) tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng, tránh phát sinh vi phạm mới trong giai đoạn "tranh tối, tranh sáng".

Đánh giá về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Trong năm 2024, công tác quản lý trật tự xây dựng dần đi vào nề nếp, nhờ đó, diện mạo đô thị và nông thôn Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại. Các trường hợp vi phạm cơ bản được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định; nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước được củng cố, nâng cao.

Một số địa bàn không phát sinh công trình vi phạm hoặc có tỷ lệ công trình có vi phạm thấp (dưới 1%) như các quận Hai Bà Trưng, Long Biên, Tây Hồ, Ba Đình, thị xã Sơn Tây. Về cơ bản các công trình vi phạm đã được UBND cấp huyện, xã kịp thời phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính xử lý theo quy định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý trật tự xây dựng còn một số tồn tại, hạn chế vẫn phát sinh các vụ việc mới, một số nơi chưa kiểm soát chặt chẽ để xảy ra vi phạm, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội. Sự chủ động, tích cực của các cơ quan chức năng, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân và tổ chức còn hạn chế.

Một vài nơi còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đặc biệt đối với những trường hợp vi phạm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, việc xử lý gặp nhiều khó khăn dễ gây khiếu kiện phức tạp.

Sự bất cập về cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức hoạt động gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tinh thần, tâm tư, nguyện vọng của các cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng.

Đặc biệt, trong thời gian sắp xếp các đơn vị hành chính, số lượng vi phạm trật tự xây dựng tại các địa phương có chiều hướng gia tăng. Do vậy, Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tăng cường công tác quản lý, xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng. Không để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho vi phạm phát sinh.

Cùng với đó, duy trì hoạt động hiệu quả các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị theo mô hình thí điểm cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

Trao đổi với PV Báo Xây dựng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương cho biết, hiện nay thành phố đang làm đề án, chưa có định hướng sắp xếp cụ thể đối với lực lượng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tại các quận, huyện.

Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị Hà Nội ra sao sau ngày 30/6?- Ảnh 2.

Thời gian tới, lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị cần tiếp tục phát huy nhiệm vụ, vai trò để đảm bảo xã hội trật tự, kỷ cương.

Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị sẽ về đâu?

Sau ngày 30/6, khi Hà Nội hoàn tất việc sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị sẽ được bố trí, tổ chức như thế nào? Đó là câu hỏi mà Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tại các địa phương đang mong mỏi các cơ quan chức năng liên quan sớm đưa ra phương án bố trí hợp lý để hoạt động quản lý trật tự xây dựng, đô thị tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Ông Trần Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Đống Đa cho biết: Thời gian tới, khi Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thay đổi, có thể về các phòng chuyên môn của phường (xã).

"Theo tôi, sẽ có những thuận lợi nhất định, khi các công tác cấp giấy phép xây dựng, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy... đều quy về một đầu mối do phường (xã) quản lý và chịu trách nhiệm", ông Tuấn chia sẻ.

Khi địa giới hành chính của đơn vị cấp phường (xã) được mở rộng, dân số tăng lên, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn mới, dự báo cũng sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Thực tế này đòi hỏi cao hơn với công tác tổ chức, quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý trật tự xây dựng đô thị ở cấp phường (xã). Cần có các quy định cụ thể về cách thức hoạt động và sắp xếp vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ quản lý trật tự xây dựng đô thị cũng cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm thích ứng yêu cầu hiện nay, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số.

Theo UBND huyện Thường Tín, căn cứ định hướng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan chuyên môn, các phòng, ban đơn vị triển khai thực hiện đảm bảo theo định hướng cơ cấu tổ chức bộ máy, định hướng sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức người lao động khi thực hiện chính quyền 2 cấp như sau: Phòng Kinh tế sẽ tiếp nhận công chức Phòng Kinh tế, hạ tầng và đô thị; phòng Tài chính - kế hoạch; phòng Nông nghiệp và môi trường; Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện, công chức địa chính - xây dựng... Như vậy, theo phương án sắp xếp chính quyền 2 cấp, huyện Thường Tín đang hướng dẫn sắp xếp Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị sẽ về Phòng Kinh tế của xã.

Đại diện Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Thường Tín cho biết: Trong các báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động, thành phố đều ghi nhận sự đóng góp, việc thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp trên giao, nhiệm vụ theo quy định của các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn.

"Theo tôi, cần duy trì hoạt động của lực lượng này vì nhiều lý do: Tốc độ đô thị hóa tại các địa phương đang diễn ra nhanh; nhu cầu xây dựng của cá nhân, tổ chức trong giai đoạn hiện nay rất lớn. Bên cạnh đó, địa bàn Thường Tín đã được phê duyệt nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án được giao cho thuê đất phát sinh tăng. Việc quản lý nhà ở riêng lẻ khu vực đô thị, khu vực nông thôn sau khi được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng tăng cao", vị đại diện này chia sẻ.

Đại diện Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Thường Tín cho rằng: Cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính, lực lượng trật tự xây dựng sẽ tiếp tục tăng cường và bám sát cơ sở để phát hiện, ngăn chặn và tham mưu xử lý kịp thời theo quy định. Phân công cán bộ trực cả ngày nghỉ, ngày lễ để cùng địa phương giám sát địa bàn. Đặc biệt, như đợt nghỉ lễ vừa qua, thời gian nghỉ dài, nhiều đối tượng đã chuẩn bị sẵn các vật tư vật liệu để lên khung, nếu không có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời sẽ phát sinh các vi phạm mới.

Ông Lưu Quốc Tuấn, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hà Đông chia sẻ: "Hiện nay, chưa có quyết định chính thức về việc sắp xếp mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trong thời gian tới ra sao nên các cán bộ cũng có nhiều tâm tư, lo lắng.

Tuy nhiên để đảm bảo công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị đạt hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính, chúng tôi luôn đảm bảo ứng trực, để kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.