Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Y tế

Đồng bằng sông Cửu Long: Đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân còn nhiều dư địa phát triển

Đồng bằng sông Cửu Long: Đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân còn nhiều dư địa phát triển

16/03/2025, 21:16

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin cho biết, trong những năm qua bệnh viện tư nhân đã phát triển đáng kể. Hiện nay, cả nước có trên 380 bệnh viện tư nhân chiếm khoảng 24% tổng số bệnh viện nhưng số giường bệnh viện tư nhân chỉ chiếm 6%. Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bệnh viện tư nhân còn rất hạn chế, bệnh viên tư nhân quy mô trên 100 giường còn rất ít.

(Xây dựng) - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin cho biết, trong những năm qua bệnh viện tư nhân đã phát triển đáng kể. Hiện nay, cả nước có trên 380 bệnh viện tư nhân chiếm khoảng 24% tổng số bệnh viện nhưng số giường bệnh viện tư nhân chỉ chiếm 6%. Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bệnh viện tư nhân còn rất hạn chế, bệnh viên tư nhân quy mô trên 100 giường còn rất ít.

img
Bệnh viện Đa khoa Vinmec Cần Thơ với nhiều khoa chuyên sâu do Tập đoàn Vingroup đầu tư vừa mới khai trương.

Theo Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hoá sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao…

Theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ: “Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, hệ thống y tế của thành phố Cần Thơ đã từng bước khẳng định được vị thế ở khu vực ĐBSCL. Số lượng bệnh viện trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện nay tăng hơn 3 lần so với năm 2004; số lượng bác sĩ tăng hơn 3,7 lần, số dược sĩ khoảng 14 lần; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư hiện đại, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh không ngừng được cải thiện. Qua thống kê, hiện nay các bệnh không lây nhiễm có xu hướng ngày càng gia tăng như: Bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, ung thư, tim mạch... ước tính có khoảng 40% người bệnh từ các tỉnh trong vùng ĐBSCL đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Cần Thơ”.

Hiện nay, thành phố Cần Thơ là một trong những địa phương thu hút bệnh viện tư nhân nhiều nhất vùng ĐBSCL. Hầu hết các tập đoàn y tế lớn đã có mặt ở thành phố Cần Thơ. Gần 15 năm trước, Bệnh viện Quốc tế Phụ sản Phương Châu Cần Thơ đầu tư xây dựng chuyên khoa về Sản-Nhi nhưng sau 10 năm xây dựng và phát triển đã trở thành Tập đoàn Y tế Phương Châu, tập đoàn y tế tư nhân hàng đầu vùng ĐBSCL, với 04 chuỗi bệnh viện: Phương Châu Cần Thơ, Phương Châu Sóc Trăng, Phương Châu Sa Đéc, Phương Nam. Ngoài ra, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, Bệnh viện đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ, Bệnh viện tim mạch đột quỵ Cần Thơ (Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ)… cũng đã có mặt tại Cần Thơ. Gần đây nhất, Tập đoàn Vingroup tổ chức Lễ khai trương Bệnh viện Đa khoa Vinmec Cần Thơ, với tổng vốn đầu tư đến 2.350 tỷ đồng, gồm 21 chuyên khoa, quy mô 155 giường nội trú, công suất tối thiểu 60.000 lượt khám/năm, Vinmec Cần Thơ bổ sung đáng kể nguồn lực y khoa cho tuyến tỉnh, đồng thời mở ra dịch vụ y tế chất lượng cao cho khu vực Tây Nam bộ…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng: “Bên cạnh hệ thống y tế công lập, việc phát triển các bệnh viện ngoài công lập sẽ góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được tốt hơn, xứng tầm là trung tâm y tế của vùng ĐBSCL. Bệnh viện Đa khoa Vinmec Cần Thơ khai trương, chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng thêm sức mạnh cho ngành Y tế Cần Thơ trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Tôi tin tưởng rằng, cùng với các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Vinmec Cần Thơ sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Y tế thành phố, từng bước khẳng định vai trò là trung tâm y tế, đặc biệt là y tế chuyên sâu của vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trong chuyến công tác mới đây tại thành phố Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã đánh giá cao vai trò khám, chữa bệnh các bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên hiện nay số giường bệnh của các bệnh viện tư nhân còn quá ít, chưa tương xứng với tiềm năng.

“Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021- 2030 tầm nhìn 2050. Trong đó khuyến khích các bệnh viện y tế tư nhân áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật y tế tiên tiến để cung cấp dịch vụ chất lượng cao hướng tới một bệnh viện tư nhân tầm quốc tế. Quy hoạch đưa ra mục tiêu quy mô giường bệnh của tư nhân phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 10%, vào năm 2030 là 15% và 25% vào năm 2050.

img
Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu Sóc Trăng - Tập đoàn Y tế Phương Châu.

Thực tế trong những năm qua bệnh viện tư nhân đã phát triển đáng kể. Hiện nay cả nước có trên 380 bệnh viện tư nhân chiếm khoảng 24% tổng số bệnh viện nhưng số giường bệnh viện tư nhân chỉ chiếm 6%. Riêng tại khu vực ĐBSCL bệnh viện tư nhân còn rất hạn chế, bệnh viên tư nhân quy mô trên 100 giường còn rất ít, điều này phải nói dư địa phát triển y tế tư nhân còn rất nhiều”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định.

Tại Quyết định Thủ tướng Chính phủ số 201/QĐ-TTg ngày 27/02/2024 Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2025, đạt 33 giường bệnh trên 10.000 dân, 15 bác sĩ trên 10.000 dân, 3-4 dược sĩ trên 10.000 dân và 25 điều dưỡng trên 10.000 dân; đến năm 2030 đạt 35 giường bệnh trên 10.000 dân, 19 bác sĩ trên 10.000 dân, 4 dược sĩ trên 10.000 dân, 33 điều dưỡng trên 10.000 dân, tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15% tổng số giường bệnh.

Tầm nhìn đến năm 2050 là mạng lưới cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương đủ năng lực đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân tương đương với nước phát triển, thu nhập cao. Tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô của các cơ sở y tế, mở rộng mạng lưới bệnh viện chuyên khoa ung bướu, tim mạch, sản/sản nhi, lão khoa, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, truyền nhiễm, sức khỏe tâm thần. Hình ảnh một số cơ sở y tế hiện đại ngang tầm quốc tế. Xây dựng ngành Công nghiệp dược trong nước trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao. Phấn đấu đạt 45 giường bệnh trên 10.000 dân, 35 bác sĩ trên 10.000 dân, 4-5 dược sĩ trên 10.000 dân, 90 điều dưỡng trên 10.000 dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 25% tổng số giường bệnh.

Theo Quy hoạch này, khuyến khích phát triển các bệnh viện tư nhân chuyên sâu và chuyên sâu kỹ thuật cao cung ứng các dịch vụ chất lượng cao, kỹ thuật tiên tiến và một số bệnh viện tư nhân ngang tầm quốc tế. Khuyến khích hợp tác công-tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đáp ứng nhu cầu của người dân. Mở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện tư nhân, phấn đấu tỷ lệ giường bệnh tư nhân ít nhất chiếm 10% vào năm 2025, 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050. Phát triển các khu sản xuất tập trung về lĩnh vực dược phẩm, vắc xin, sinh phẩm và thiết bị y tế để thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn.

Như vậy, so với con số mục tiêu của quy hoạch thì số giường bệnh tư nhân hiện nay vẫn còn quá ít, chưa xứng tầm. Điều đó, cho thấy đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân nhất là khu vực ĐBSCL còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.