Phản giáo dục
Những đoạn video lan truyền trên TikTok hình ảnh bé gái nhảy theo điệu nhạc gợi cảm, ca khúc của người lớn mang màu sắc tính dục trước mặt phụ huynh, ngày càng lan rộng trên các nền tảng mạng xã hội.

Không ít phụ huynh đang vô tình biến con gái nhỏ của mình thành “diễn viên bất đắc dĩ” trên TikTok.
Với nội dung bắt trend "Vua chúa cũng chỉ đến thế mà thôi», đã có hàng trăm ông bố và trẻ nhỏ được quay lại, up lên trong bối cảnh: ông bố ngồi bàn nhậu, ông bố ngồi trên giường, ông bố ngồi bể bơi, ông bố ngồi dưới đất,… và các bé gái tại các clip trên hào hứng lắc hông, uốn éo tay chân uyển chuyển làm những động tác của người trưởng thành một cách đầy hồn nhiên.
Đáng nói, trend này đang lên cơn sốt thịnh hành trên nền tảng TikTok và nhanh chóng thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, hàng chục nghìn lượt thích và chia sẻ, mở đầu cho một trào lưu gây tranh cãi.
Từ một video được coi là vui vẻ, giải trí lứa tuổi 18+, giờ được lan rộng với loạt video của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đằng sau sự lan truyền ồ ạt ấy là những hệ lụy nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến nhận thức, cảm xúc và quyền riêng tư của trẻ em - những người chưa đủ khả năng phân định đúng sai, chưa hiểu rõ đâu là giới hạn.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhìn nhận, các bậc cha mẹ chưa đánh giá hết được những hệ lụy đằng sau việc làm đó.
"Việc cho trẻ nhảy múa uốn éo nhằm mục đích thu hút lượt xem, câu like, câu view không chỉ phản giáo dục mà còn có thể là hành vi xâm hại quyền trẻ em", bà Hương đánh giá.
Thế giới ảo ảnh hưởng đời sống thực
Theo bà Hương, trẻ em có quyền được sống đúng với lứa tuổi của mình, được bảo vệ khỏi các nội dung không phù hợp và thương mại hóa hình ảnh cá nhân.
Khi cha mẹ cho trẻ biểu diễn những động tác người lớn, đăng tải lên mạng, họ có thể vô tình khiến trẻ mất đi sự hồn nhiên, hình thành nhận thức lệch lạc về cơ thể, giá trị bản thân.
Những hình ảnh đó có thể bị khai thác, lan truyền và biến trẻ thành mục tiêu của kẻ xấu. Việc ép trẻ "diễn" để phục vụ sự nổi tiếng ảo có thể gây sang chấn tâm lý, áp lực tinh thần, thậm chí làm sai lệch quá trình phát triển nhân cách.
"Đây không còn là cho vui, mà tiệm cận lạm dụng trẻ em vì mục đích lợi nhuận, thậm chí có thể vi phạm pháp luật nếu hành vi diễn ra thường xuyên, có tổ chức và mang tính thương mại. Cha mẹ cần tỉnh táo, không biến con thành công cụ để thỏa mãn sự chú ý từ người lớn", bà Hương cảnh báo.
Theo ông Phạm Mạnh Đức, CEO TOPMO Group, đối tác chính thức của TikTok Việt Nam - việc cha mẹ và con trẻ tiếp cận mạng xã hội, bắt trend nhanh cho thấy sự hội nhập công nghệ của xã hội. Tuy nhiên, điều đáng lo là quá trình "đu trend" này thiếu đi sự chọn lọc và hiểu biết cơ bản về an toàn số.
"Không thể phủ nhận sức mạnh lan tỏa của các nền tảng số, nhưng chính sự lan tỏa đó lại trở thành con dao hai lưỡi nếu người dùng, đặc biệt là phụ huynh, không trang bị kiến thức cần thiết. Một clip đăng lên mạng có thể bị lan truyền không kiểm soát, bị sử dụng với mục đích xấu, hoặc khiến trẻ chịu áp lực xã hội quá sớm", ông Đức nói.
Hậu quả khó lường
Dưới góc độ pháp lý, ông Đức cho rằng, việc sử dụng hình ảnh trẻ em mà không đặt lợi ích, sự an toàn của trẻ lên hàng đầu có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền trẻ em, thậm chí bị xử lý nếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe hoặc đời sống của trẻ.
Từ góc độ của các nền tảng, TikTok và nhiều mạng xã hội khác hiện nay đã đưa ra quy định về độ tuổi người dùng, cơ chế kiểm soát nội dung liên quan đến trẻ em, đồng thời khuyến khích người dùng xác minh danh tính. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả vẫn là vai trò chủ động của gia đình.
"Cha mẹ cần hiểu rằng, mạng xã hội không phải là chỗ để "đùa vui một chút", vì hậu quả không bao giờ là ảo. Nó thật, và đôi khi là rất nặng nề", vị CEO trẻ chia sẻ.
Bà Lâm Thị Minh Thu, một giảng viên đại học trên địa bàn Hà Nội bày tỏ, dù xuất phát từ ý định giải trí hay theo xu hướng, những hành động này có thể tiềm ẩn tác động đến sự phát triển nhận thức của trẻ.
"Trẻ nhỏ khi tiếp xúc với nội dung không phù hợp lứa tuổi, các em có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa biểu diễn và chuẩn mực hàng ngày, đồng thời dễ hình thành những quan niệm chưa đúng đắn về hình ảnh cơ thể và mối quan hệ.
Đặc biệt, các bé cũng đang trong giai đoạn hình thành các giá trị và hiểu biết về thế giới xung quanh. Do đó, với vai trò hướng dẫn, phụ huynh có thể cân nhắc lựa chọn hoạt động giải trí phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ", bà Thu nhìn nhận.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ: Người dùng mạng xã hội bắt buộc phải xác minh danh tính. Đối với trẻ dưới 16 tuổi, việc tham gia mạng xã hội phải do cha mẹ giám sát và đăng ký. Đồng thời, cha mẹ chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hậu quả xấu liên quan đến hành vi lệch chuẩn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận