Dải phân cách đặc biệt này được lắp đặt trên đoạn đường dài gần 1km thuộc tuyến E84, còn được gọi là Đường Sheikh Khalifa bin Zayed thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Con đường phát nhạc đầu tiên tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (Ảnh: Reuters).
Các tài xế chạy ở làn ngoài cùng bên phải khi vào thành phố Fujairah (thủ đô của tiểu vương quốc Fujairah) sẽ nghe được bản Giao hưởng số 9 của Ludwig van Beethoven phát ra từ chính mặt đường khi bánh xe chạm xuống.
Fujairah là một tiểu vương quốc ít được biết đến, cách trung tâm du lịch toàn cầu Dubai khoảng 120km.
Những "con đường âm nhạc" tương tự từng xuất hiện tại nhiều nơi như Mỹ, Nhật Bản và Hungary nhưng đây đây là tuyến đường phát nhạc cố định đầu tiên tại thế giới Ả Rập.
Công nghệ này hoạt động nhờ thiết kế giống dải phân cách có kích thước lớn, với những nét đứt theo khoảng cách nhất định trên mặt đường Sheikh Khalifa.
Khi bánh xe cán qua những nét đứt này ở tốc độ khoảng 100km/h, độ rung tạo ra sẽ phát thành âm thanh nghe được rõ ràng bên trong xe theo giai điệu quen thuộc trong chương cuối bản Giao hưởng số 9 của Beethoven, vốn được biết đến rộng rãi với tên "Ode to Joy" (Khúc ca hoan lạc) và cũng là bài ca chính thức của Liên minh châu Âu năm 1972.
Nói về dự án này, ông Ali Obaid Al Hefaiti, Giám đốc Học viện Mỹ thuật Fujairah, đơn vị vừa hoàn tất công trình cùng chính quyền địa phương cho biết: "Con đường âm nhạc vốn là một dự án nghệ thuật đã xuất hiện ở một số quốc gia... nhưng chúng tôi muốn có dự án này tại đất nước mình".
"Tôi nghĩ dự án này nhằm lan tỏa văn hóa nghệ thuật, là sự kết hợp giữa âm nhạc và cuộc sống thường nhật", ông nói thêm.
Ông Al Hefaiti khuyến nghị các tài xế nên chạy ở tốc độ khoảng 100km/h để nghe được âm chuẩn.
Tuyến đường đặc biệt đã trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, thu hút du khách đến Fujairah.
Không ít tài xế đã giảm tốc để trải nghiệm "con đường biết phát nhạc" khi vào thành phố. Người đi bộ đứng bên lề đường cũng có thể nghe được, dù phần lớn xe vẫn chạy khá nhanh.
Anh Mohammad Al Matrooshi, một cư dân Oman, chia sẻ âm nhạc giúp anh thư giãn sau hành trình dài: "Âm nhạc khiến tâm trạng tôi khác hẳn, nhất là khi đó lại là nhạc của Beethoven".
Không dừng ở hiệu ứng mạng xã hội, Giám đốc Học viện Mỹ thuật Fujairah kỳ vọng dự án sẽ đưa nhạc cổ điển đến gần đời sống hàng ngày và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa nghệ thuật.
Khi được hỏi vì sao một trường mỹ thuật ở UAE lại chọn một nhà soạn nhạc châu Âu thế kỷ 18 để thiết kế cho con đường đặc biệt này, ông Al Hefaiti cho biết ông luôn khuyến khích học trò khám phá các nền văn hóa khác nhau.
Hơn nữa, theo ông Al Hefaiti, "Ode to Joy" là giai điệu quen thuộc với gần như cả thế giới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận