Mốc thời gian không còn nhiều, hiện các địa phương đang huy động tổng lực cả hệ thống chính trị vào cuộc tổ chức thực hiện.
Không có tái định cư, không có hạ tầng
Ngày 21/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt trực tiếp kiểm tra thực địa tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tại các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Ninh và Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh kiểm tra thực địa tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội – Hải Phòng, đoạn qua địa bàn Hà Nội ngày 21/7. Ảnh: Tạ Hải.
Tại Lào Cai, Bộ trưởng và đoàn công tác khảo sát nhiều điểm trọng yếu, trong đó có khu vực dự kiến xây dựng ga Lào Cai mới, cùng nhiều vị trí cần di dời nhà xưởng, trụ sở doanh nghiệp và đất ở của người dân.
Đoạn đường sắt qua Lào Cai dài 143,2km, cần thu hồi hơn 1.550ha đất, ảnh hưởng tới 2.581 hộ dân và xây dựng 45 khu tái định cư. Tổng kinh phí GPMB ước tính gần 8.200 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trần Huy Tuấn cho biết, địa phương đã thành lập tổ công tác đặc biệt và cam kết bàn giao 100% mặt bằng sạch trong tháng 8.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh đánh giá cao tinh thần chủ động của địa phương và nhấn mạnh: Đoạn tuyến qua Lào Cai là mắt xích đầu tiên, giữ vai trò kích hoạt toàn chuỗi logistics. Nếu GPMB chậm, toàn tuyến sẽ chậm theo.
Chiều cùng ngày, báo cáo đoàn công tác, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn cho biết: Tuyến đường sắt đi qua địa bàn dài 99,1km, qua 5 phường, 15 xã; cần thu hồi hơn 630ha đất, di dời khoảng 1.813 hộ dân, xây dựng 38 khu tái định cư, tổng kinh phí GPMB khoảng 12.363 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh đã xác định vị trí các khu tái định cư, thống kê công trình bị ảnh hưởng và lập phương án bồi thường tổng thể.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị địa phương khẩn trương hoàn tất mặt bằng, đảm bảo khởi công khu tái định cư Đồi Cây Đen (phường Phú Thọ) vào ngày 19/8, với diện tích 17.422m².
Tại Hà Nội, đoạn tuyến đi qua có chiều dài khoảng 37,5km, qua 6 xã/phường với diện tích cần thu hồi khoảng 245ha. Tổng số hộ cần tái định cư là 1.456 hộ, xây dựng 4 khu tái định cư. Tổng kinh phí GPMB dự kiến khoảng 2.275 tỷ đồng.
Tại Bắc Ninh, đoạn tuyến qua địa bàn dài khoảng 3,7km, đi qua 3 phường; cần thu hồi khoảng 40,54ha đất, với khoảng 100 hộ dân cần tái định cư.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh đánh giá đoạn tuyến qua Hà Nội và Bắc Ninh chỉ dài hơn 40km nhưng đi qua khu vực nội đô, đông dân cư. Vì vậy, các địa phương tập trung hoàn thành GPMB, khởi công các khu tái định cư vào ngày 19/8 và toàn bộ các ga, đường kết nối vào ngày 19/12.
"Phải lo GPMB lẫn an cư cho người dân. Không tái định cư thì không có hạ tầng, người dân không đồng thuận thì không có dự án", Bộ trưởng lưu ý.
Chủ động, linh hoạt giải pháp
Những ngày qua, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, ghi nhận của PV Báo Xây dựng, tại các địa phương có dự án đi qua đều đã lên kế hoạch chi tiết với lộ trình cụ thể.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (TP Hải Phòng); chiều dài tuyến chính khoảng 391km; chiều dài các tuyến nhánh khoảng 28km; đi qua địa phận 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Phòng.
Tốc độ thiết kế 160km/h đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, tốc độ thiết kế 120km/h đối với đoạn qua khu vực đầu mối TP Hà Nội, tốc độ thiết kế 80km/h đối với các đoạn tuyến còn lại.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 203.231 tỷ đồng (tương đương 8,369 tỷ USD).
Tiến độ dự kiến: Tháng 9/2025 phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; tháng 10/2025, phê duyệt thiết kế kỹ thuật; tháng 11/2025 hoàn thành lựa chọn nhà thầu thi công và ngày 19/12 khởi công dự án.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, trong đó khởi công các dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào ngày 19/8 và hoàn thành trong năm 2026.
Tại Hà Nội, UBND TP yêu cầu các sở ngành, đơn vị liên quan trong tháng 7 hoàn thành rà soát hướng tuyến, tháng 8 bàn giao cọc mốc GPMB từng phần, trên thực địa từng địa phương; quy hoạch khu tái định cư đảm bảo "nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ".
Ông Nguyễn Hữu Chi, Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai và phân công nhiệm vụ cụ thể; xác định vị trí quy hoạch các điểm tái định cư.
Rà soát sơ bộ, tổng diện tích đất bị ảnh hưởng bởi dự án trên địa bàn xã ước tính khoảng 40ha, bố trí tái định cư cho khoảng 200 hộ. Hai điểm tái định cư được chọn nằm tại khu vực Tân Dân cũ và Phú Yên cũ. Hồ sơ quy hoạch hai khu tái định cư này đã được trình thành phố xem xét, phê duyệt làm cơ sở triển khai tiếp theo.
"Với sự chủ động của chính quyền địa phương và đồng thuận bước đầu từ phía người dân, tôi tin xã sẽ kịp thời hoàn tất công tác chuẩn bị cho lễ khởi công dự án theo chỉ đạo của thành phố", ông Chi khẳng định.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Quang Minh, Hà Nội cũng cho biết, sau khi có mốc giới chính thức, xã sẽ thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư và các tổ công tác để tiến hành các bước tiếp theo.
"Chiều dài đoạn tuyến đi qua địa bàn xã khoảng 6,2km, diện tích cần GPMB ước khoảng 3,32ha. Nhìn chung, do tuyến đường sắt mới cơ bản trùng với tuyến đường sắt hiện hữu Hà Nội - Lào Cai, nên số hộ dân bị ảnh hưởng không nhiều, chủ yếu là đất nông nghiệp", ông Dũng thông tin.
Tại Hải Phòng, báo cáo của Sở Xây dựng cho biết, dự án đoạn qua TP Hải Phòng có tổng chiều dài khoảng 89,88km (Hải Dương cũ 40,96km; Hải Phòng cũ 48,92km), đi qua 24 xã, phường, đặc khu. Dự kiến, tổng diện tích thu hồi đất khoảng 624,13ha, tổng kinh phí GPMB khoảng 9.753 tỷ đồng.
Qua kiểm tra, rà soát, Hải Phòng xác định số lượng hộ tái định cư khoảng 1.749; đã giao nhiệm vụ chủ đầu tư triển khai 14 dự án tái định, tổng diện tích khoảng 59,86ha. Kế hoạch khởi công dự án tái định cư tháng 7/2025, hoàn thành tháng 11/2025.
Hải Phòng đề nghị cấp thẩm quyền bố trí vốn GPMB đoạn qua địa bàn tỉnh Hải Dương cũ để sớm hoàn thành; trường hợp không bố trí được toàn bộ chi phí bồi thường, GPMB, tái định cư từ ngân sách Trung ương năm 2025, đề nghị làm rõ cơ chế ứng trước vốn để địa phương triển khai thực hiện.
Không để người dân thiệt thòi
Tại Lào Cai, ông Hồ Cao Khải, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh cho biết, dự án GPMB dự án đường sắt tốc độ cao được chia thành 21 đoạn để triển khai đồng bộ, có sự phối hợp của nhiều sở, ngành và chính quyền địa phương từng xã, từng thôn. Mỗi đoạn tuyến đều có cán bộ thường trực, bám sát từng hộ, từng ngày để vận động, thuyết phục, giải đáp vướng mắc cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh kiểm tra thực địa tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Lào Cai.
Ông Khải cho hay, tại xã Bảo Thắng, nhiều hộ dân ban đầu còn hoang mang, chưa muốn di dời. Lý do không chỉ vì nhà cửa, ruộng nương, mà còn vì nỗi lo "sống nơi lạ", mất đi sinh kế quen thuộc.
"Tuy nhiên, khi được chính quyền vận động, cam kết xây khu tái định cư tốt hơn, hỗ trợ đầy đủ, người dân yên tâm hơn", anh Lý Văn Dũng, một hộ dân vừa ký bàn giao mặt bằng chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc xác định nguồn gốc đất, kiểm đếm tài sản, áp giá đền bù cũng đặt ra nhiều áp lực cho các tổ công tác. Không ít thửa đất qua nhiều đời, chưa đầy đủ giấy tờ, phải rà soát từng tấc đất, từng bụi tre, ao cá, chuồng trâu để bảo đảm không ai thiệt thòi.
Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch xã UBND Bảo Thắng cho biết, ngoài các chính sách chung, xã đã linh hoạt, vận dụng các cơ chế, chính sách của tỉnh sao có lợi nhất cho người dân. Đồng thời đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp tạo điều kiện cho người dân bị mất đất sản xuất và con em của họ được nhận vào làm việc.
Lào Cai đã quy hoạch khu vực phía bắc tỉnh để thực hiện tái định cư cho 884 hộ. Khu vực phía Nam tỉnh đã phê duyệt dự án gồm 26 khu tái định cư tập trung với tổng diện tích là 79,05ha phục vụ 922 hộ.
"Chúng tôi xác định không chỉ di dời dân đi chỗ khác mà phải giúp họ sống tốt hơn, có điều kiện sinh hoạt và sản xuất ổn định, lâu dài", ông Nguyễn Quốc Huy, Phó chủ tịch UBND phường Âu Lâu nhấn mạnh.
Tỉnh Lào Cai cũng ban hành một số cơ chế hỗ trợ đặc thù, như thưởng tiến độ cho những xã hoàn thành GPMB trước hạn, tăng mức hỗ trợ tái định cư thêm 10 - 20% với hộ bàn giao sớm.
"Khó khăn thì nhiều, nhưng chúng tôi xác định đây là dự án mang tính lịch sử, mở ra cơ hội phát triển đột phá không chỉ cho Lào Cai mà cả vùng Tây Bắc nên không ai đứng ngoài cuộc", ông Phí Công Hoan, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai khẳng định.
Tổng lực GPMB làm đường sắt tốc độ cao
Tại Thanh Hóa, dự án đường sắt tốc độ cao qua tỉnh có chiều dài khoảng 95,33km với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 572,99ha. Dự án đi qua địa phận 7 phường và 12 xã, tổng số 2.107 hộ dân cần tái định cư. Tỉnh đã xây dựng 39 khu tái định cư trên địa phận 16 xã, phường với diện tích gần 300ha, tổng kinh phí thực hiện khoảng 3.873 tỷ đồng.

Vị trí dự kiến đặt nhà ga hành khách đường sắt tốc độ cao tại xã Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Đến nay, đã hoàn thành xây dựng hạ tầng 1 khu tại xã Công Chính; hoàn thành các thủ tục và phê duyệt thiết kế, đang GPMB 8 khu.
Theo ông Ngô Thanh Sơn, Phó trưởng phòng Quản lý hoạt động xây dựng (Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa), việc chuẩn bị cho việc đồng loạt ra quân GPMB 2 dự án đường sắt lớn vào ngày 19/8 đã sẵn sàng.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các phường, xã có dự án đi qua triển khai công tác GPMB dự án chậm nhất 25/7. Đồng thời, nghiên cứu, lựa chọn đề xuất các khu tái định cư có khả năng hoàn thiện thủ tục theo quy định để có thể khởi công trước ngày 19/8.
Tại Nghệ An, tuyến đường sắt tốc độ cao qua địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều dài khoảng 85,5km, hướng tuyến dự án chủ yếu nằm giữa tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và quốc lộ 1, đi qua 18 xã, phường.
Ông Hoàng Phú Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, dự kiến khoảng 2.150 hộ dân bị ảnh hưởng, số hộ phải tái định cư khoảng 1.942 hộ dân. Tỉnh sẽ xây khoảng 30 khu tái định cư, diện tích xây dựng khoảng 102,69ha với tổng kinh phí khoảng 1.450 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Tĩnh, dự án đường sắt tốc độ cao đi qua 18 xã, 5 phường của tỉnh với tổng chiều dài khoảng 103,42km. Phó giám đốc Sở Xây dựng, ông Lê Anh Sơn cho biết, Hà Tĩnh phải thu hồi gần 765ha đất các loại, dự kiến xây dựng 35 khu tái định cư phục vụ dự án.
Thời điểm này, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đã bắt tay vào cuộc rà soát, xác định sơ bộ khối lượng GPMB, nhu cầu tái định cư, di dời các công trình.
Tại phường Hà Huy Tập, dự án đường sắt tốc độ cao đi qua dài 9,1km, ảnh hưởng tới 1.028 thửa đất với diện tích khoảng 71ha, trong đó, có 207 hộ phải di dời tái định cư.
Khu đất ở tổ dân phố Liên Vinh (phường Hà Huy Tập) được Sở Xây dựng đề xuất lựa chọn là khu tái định cư đầu tiên để hoàn thành các thủ tục, đủ điều kiện làm lễ khởi công vào ngày 19/8 theo yêu cầu của Chính phủ.
Theo ông Lê Anh Sơn, tỉnh phấn đấu đến tháng 12/2026 bàn giao tối thiểu 80% phạm vi GPMB.
Sẵn sàng cho ngày 19/8
Tại TP Huế, dự kiến khoảng 825ha đất sẽ được thu hồi, với hơn 8.100 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, dự kiến gần 900 hộ dân cần phải bố trí đất tái định cư. Tỉnh đã thống nhất đầu tư 4 dự án khu tái định cư, với 22 khu, tổng diện tích khoảng 66ha, tổng kinh phí dự kiến khoảng 1.419 tỷ đồng.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó chủ tịch UBND TP Huế thông tin, sau khi rà soát, UBND TP Huế đã lựa chọn 5 khu tái định cư để tổ chức động thổ, khởi động dự án vào ngày 19/8.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND TP Huế, địa phương phấn đấu hoàn thành toàn bộ mặt bằng trước cuối năm 2026. Tinh thần triển khai phải gấp rút nhưng bài bản, kỹ lưỡng, nhanh nhưng phải tuân thủ đầy đủ các quy định, bảo đảm hiệu quả và ổn định lâu dài.
Tại Gia Lai, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cho biết đã được giao nhiệm vụ quy hoạch, xây dựng 39 khu tái định cư với tổng diện tích hơn 168ha, được bố trí liền kề với các khu tái định cư đã quy hoạch cho tuyến cao tốc Bắc - Nam. Hiện tại, 4 khu tái định cư đầu tiên đã được cắm mốc, sẽ được khởi công xây dựng trước ngày 19/8.
Tại Lâm Đồng, dự án đường sắt tốc độ cao đi qua dài 156,5km. Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, tổng diện tích giải phóng mặt bằng dự kiến 936ha, đi qua địa bàn của 18 xã, phường, nhu cầu tái định cư của dự án khoảng 1.150 hộ.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, đã kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có dự án đi qua khẩn trương rà soát quy hoạch quỹ đất, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan đô thị, nông thôn để sớm khởi công được các khu tái định cư sớm nhất. Dự kiến khu tái định cư Hàm Kiệm có thể khởi công vào ngày 19/8.
Tại Đồng Nai, dự án qua địa bàn dài gần 82km, dự kiến thu hồi khoảng 490ha đất, tổng kinh phí thực hiện gần 11.700 tỷ đồng. Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà cho biết: "Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị tư vấn cung cấp chi tiết các số liệu để từng địa phương rà soát, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể".
Theo UBND TP.HCM, tổng kinh phí sơ bộ dành cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho đoạn tuyến qua TP dự kiến khoảng 2.575,8 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 2.114 tỷ đồng.
Ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, thành phố đã giao các đơn vị chuyên môn rà soát, lập kế hoạch chuẩn bị mặt bằng để sẵn sàng triển khai đồng bộ cùng các địa phương khác. Tuy nhiên, hiện vẫn chờ Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) bàn giao ranh mốc cụ thể để làm cơ sở kiểm đếm, đo đạc, chi trả bồi thường và tái định cư.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h, 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa.
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha; tổng mức đầu tư hơn 1,7 triệu tỷ đồng.
Theo kế hoạch, Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trong tháng 9/2026.
Các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình bị ảnh hưởng, cơ bản hoàn thành trước tháng 12/2026 để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận