Trong quá trình sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, để kịp thời phục vụ cho bộ máy hoạt động theo đúng chủ trương, các địa phương đang khẩn trương sửa chữa, bố trí nhà ở công vụ và xây dựng phương án đi lại thuận tiện cho cán bộ, công chức, viên chức.

Một số chuyên gia cho rằng, chuyển đổi trụ sở cũ thành nhà công vụ là giải pháp hiệu quả, tiết kiệm chi phí hơn so với xây dựng mới. (Ảnh minh họa: Nguyên Khánh)
Đề xuất ưu tiên chuyển đổi công năng các trụ sở dôi dư thành nhà ở công vụ
Theo Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, tỉnh được chọn làm trung tâm chính trị - hành chính mới có trách nhiệm bố trí ngân sách để sửa chữa, nâng cấp trụ sở, đồng thời đảm bảo nhà ở công vụ và phương tiện đi lại cho cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, chính quyền địa phương cấp tỉnh, nơi dự kiến đặt trung tâm chính trị - hành chính mới, sẽ cân đối ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc, cũng như hướng dẫn và tạo điều kiện để chính quyền địa phương cấp xã sau sắp xếp có thể làm tương tự.
Trao đổi với Báo Xây dựng, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, hiện tại phải tập trung chia tách thế nào cho hợp lý và lựa chọn nhân sự tốt, đồng thời cũng nên quan tâm ngay vấn đề sử dụng tài sản dôi dư hiệu quả, tránh tiêu cực, lãng phí.
Việc sáp nhập nhân lực từ các địa phương vào một không gian làm việc chung, về lý thuyết, đồng nghĩa ít nhất một nửa số cán bộ phải thay đổi nơi ở. Theo ông Quốc, đây không phải vấn đề quá khó, hoàn toàn có thể giải quyết được và dẫn kinh nghiệm sáp nhập Đà Nẵng - Quảng Nam trước đây.
Theo đó, nhiều cán bộ sống ở thành phố Đà Nẵng, hằng ngày làm việc ở Tam Kỳ. Chính quyền đã xây dựng các tuyến xe buýt, xây nhà công vụ và có chính sách về thời gian làm việc, vừa đảm bảo hoàn thành trách nhiệm của công chức, vừa hợp lý hóa đời sống...
Ông Quốc nêu thêm, với xã hội hiện đại, tâm lý sống ở một nơi, làm việc ở một nơi không còn xa lạ. Khi thực hiện, bước đầu sẽ có khó khăn, nhưng đó chỉ là thứ yếu so với rất nhiều việc nảy sinh từ thay đổi hiện nay.
"Các cơ quan phải quan tâm chuyện đó để có những giải pháp trước mắt như tình huống, nhưng dần dần sẽ ổn định thành chuyện lâu dài", ông Quốc nêu quan điểm.
TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay, việc chuyển đổi trụ sở cũ thành nhà ở công vụ là giải pháp tiết kiệm, hiệu quả. Bởi lẽ, xây dựng nhà công vụ mới sẽ tốn kém rất nhiều chi phí đầu tư công trên phạm vi toàn quốc, trong khi các trụ sở cũ không được sử dụng, gây lãng phí.
Bài toán kinh tế như vậy không thực sự phù hợp. Do đó, chuyển đổi công năng sang nhà ở công vụ cũng là giải pháp tốt, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều trụ sở công dôi dư sau sắp xếp.
TS.KTS Phan Đăng Sơn đặt vấn đề, việc sắp xếp, bố trí nhà ở cho cán bộ, công chức đã có chủ trương, hoàn toàn có thể thực hiện chuyển đổi các công sở hiện tại, những nơi đang chịu nhiều tác động sau sắp xếp, cải tạo thành nhà công vụ, phục vụ cán bộ công tác tại khu hành chính mới.
Nhìn nhận một số giải pháp mà các địa phương đang triển khai, như đề xuất đưa - đón cán bộ, nhân viên, TS.KTS Phan Đăng Sơn cho rằng, giai đoạn đầu, đây là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần hướng tới bố trí nhà công vụ cho cán bộ công tác tại các cơ quan tỉnh ủy, ủy ban.
Cán bộ có thể ở tại chỗ, chỉ về địa phương cuối tuần hoặc dịp nghỉ lễ, vừa đảm bảo hiệu quả công việc, vừa tiết kiệm chi phí và giữ gìn sức khỏe. Đây là nhiệm vụ quan trọng mà các địa phương cần đặt ra, giải quyết.
Nghiên cứu cách tiếp cận đa dạng, đáp ứng nhu cầu của cán bộ, công chức
Theo ông Trần Văn Túy, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, việc bố trí nhà ở công vụ cũng là cách để "an cư và lạc nghiệp". Nguyên tắc là thế, tuy nhiên, nhu cầu của con người rất đa dạng và tùy từng địa phương.
Những nơi có khoảng cách di chuyển xa, việc bố trí nhà ở cho cán bộ là cần thiết. Các giải pháp như sắp xếp nhà công vụ (nếu có) hay tạm thời sử dụng nhà ở xã hội như đề xuất của một số địa phương hoặc hỗ trợ cán bộ thuê nhà ở thông qua các chính sách hỗ trợ… là giải pháp cần thiết.
Địa phương có khoảng cách di chuyển gần, đơn cử Bắc Ninh, có thể xây dựng phương án hỗ trợ phương tiện đi lại như bố trí xe công vụ đưa đón, hoặc mở thêm các tuyến xe bus gần trụ sở làm việc.
Ông Tuý cho rằng, cần có cách tiếp cận đa dạng để đáp ứng nhu cầu khác nhau của cán bộ, điều kiện khác nhau của từng địa phương, từ đó đưa ra chính sách phù hợp. Không thể áp dụng chính sách của Bắc Ninh cho các địa phương như Đắk Lắk, Phú Yên, Kon Tum, Quảng Ngãi, Gia Lai…

Việc đảm bảo giao thông kết nối thuận lợi cho quá trình vận hành, sáp nhập tỉnh cũng nên được ưu tiên; thực hiện nâng cấp hạ tầng giao thông đồng bộ, tránh dàn trải, lãng phí. Ảnh ĐL.
Một vấn đề khác là có địa phương đề xuất mượn nhà ở xã hội của doanh nghiệp cho cán bộ thuê trong 2 - 3 năm. Sau đó, doanh nghiệp tiếp tục bán nhà ở xã hội theo quy định hiện hành. Ông Túy cho rằng, có thể khó thực hiện nếu doanh nghiệp không tự nguyện và ảnh hưởng chính sách nhà ở cho những đối tượng khác. Tuy nhiên, nếu Nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà cho cán bộ thì cũng tương tự việc hỗ trợ tái định cư, cán bộ có thể tự quyết định.
Còn theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, đây là một hướng nghiên cứu. Tuy nhiên, trước hết cần rà soát quy định pháp luật liên quan để đảm bảo tính phù hợp. Việc sử dụng tạm thời nhà ở xã hội là giải pháp tình thế ban đầu. Về lâu dài, nhà ở xã hội cần được trả lại mục tiêu phục vụ đối tượng chính sách.
Dù vậy, về mặt chuyên môn, việc chuyển đổi công năng sử dụng, kiến trúc xây dựng hoàn toàn có thể đáp ứng tốt, không cần cải tạo hay sửa chữa nhiều, giúp tiết kiệm chi phí và giải quyết nhanh chóng nhu cầu nhà ở trước mắt cho cán bộ tại những khu hành chính tập trung mới.
Ông Sơn cũng lưu ý, nhà ở xã hội có đối tượng thụ hưởng, Đảng và Nhà nước ta cũng có chủ trương xây dựng mô hình Quỹ nhà ở quốc gia. Nhà công vụ là một dạng nhà ở, vậy nó có nằm trong quỹ này không? Đó cũng là vấn đề cần xem xét.
"Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần rà soát toàn diện, từ chính sách đến giải pháp cụ thể, để giải quyết vấn đề một cách hợp lý, hài hoà, chống lãng phí, đồng thời khai thác, tận dụng tối đa những công trình hiện có, chỉ nên bổ sung mới khi thực sự cần thiết", Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhìn nhận.
Đánh giá về các vấn đề ưu tiên trên, các chuyên gia đều cho rằng, ngoài những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để hạn chế tối thiểu bất cập trong đời sống, mỗi cán bộ đều phải biết hy sinh phần nào và thay đổi cách sống, để thích nghi, phù hợp hoàn cảnh mới.
Mỗi địa phương đều có hoàn cảnh riêng, nhưng phải đặt mục đích chung và vì lợi ích chung, khắc phục tối đa những khó khăn trong điều kiện cho phép, hướng tới sự ổn định và phát triển bền vững.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận