Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Vật liệu xây dựng

Giảm phát thải, tối ưu tài nguyên trong sản xuất xi măng

Giảm phát thải, tối ưu tài nguyên trong sản xuất xi măng

11/04/2025, 13:41

Hiện nay, hàm lượng clinker trong xi măng nước ta đã giảm, các nhà máy sản xuất từng bước áp dụng nhiều biện pháp giảm phát thải và tối ưu hóa tài nguyên theo xu thế chung của thế giới.

Thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, ngành Xi măng chiếm khoảng 7-8% lượng phát thải carbon trên toàn cầu. Vì vậy, việc chuyển đổi ngành Xi măng sang mô hình phát triển bền vững, giảm phát thải và tối ưu hóa tài nguyên trở nên cấp thiết.

Giảm phát thải, tối ưu tài nguyên trong sản xuất xi măng- Ảnh 1.

Trên 60% các nhà máy tận dụng nhiệt thải lò nung để phát điện.

Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai nhiều biện pháp đổi mới quy trình sản xuất của ngành Xi măng; trong đó, Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (CEAP) đã được thông qua vào tháng 3/2020.

Các biện pháp của CEAP gồm: thay đổi nguyên liệu và sử dụng vật liệu thay thế clinker, sử dụng năng lượng tái tạo và nhiên liệu thay thế, tăng cường tái chế và sử dụng chất thải, công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, cải tiến quy trình sản xuất và tăng cường hiệu suất năng lượng…

Theo PGS.TS Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành Xi măng nước ta đang phát triển đồng hành cùng xu thế chung của thế giới, trong đó có các nước EU.

Hiện nay, hàm lượng clinker trong xi măng khá thấp, đã giảm xuống còn 70% tổng trọng lượng, tỷ lệ này không cao hơn so với các nước EU; Bên cạnh đó, trên 60% các nhà máy tận dụng nhiệt thải lò nung để phát điện, lượng điện này thay thế được 30-35% nhu cầu điện của nhà máy xi măng. Một số nhà máy đang có kế hoạch sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió để tạo điện.

Còn công nghệ lưu trữ carbon thải ra từ các nhà máy xi măng, vấn đề này đang nghiên cứu và khả năng ứng dụng không cao vì giá rất đắt. Các quốc gia EU cũng mới thử nghiệm công nghệ này.

"Nhiều nhà máy sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế than nung clinker, có cơ sở đã thay thế trên 40%. Đây là một việc làm rất tốt nhằm xử lý rác có hiệu quả, không gây phát thải thứ phát và tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch", PGS.TS Lương Đức Long nhấn mạnh.

Ngành Xi măng Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn trong việc giảm phát thải và tối ưu tài nguyên, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Để áp dụng hiệu quả những biện pháp mà CEAP đưa ra, PGS.TS Lương Đức Long đề xuất, Nhà nước và Bộ Xây dựng cần có chính sách cụ thể, rõ ràng, thủ tục đơn giản để hỗ trợ, khuyến khích các nhà máy xi măng tận dụng nhiệt thải lò nung phát điện, sử dụng rác thải thay than, sử dụng phế thải thay nguyên liệu tự nhiên trong sản xuất.

Có những cơ chế cho các nhà máy xi măng có thể sử dụng rác thải sinh hoạt làm nhiên liệu thay thế than, vừa tiết kiệm nhiên liệu tự nhiên, vừa xử lý triệt để rác thải. Cuối cùng, đề nghị Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng cho các doanh nghiệp xi măng vay ưu đãi khi đầu tư công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.