Tờ Sydney Morning Herald dẫn thông báo từ Vatican cho biết, Giáo hoàng đã phải nhập viện điều trị viêm phổi tại bệnh viện Gemelli ở Rome từ ngày 14/2. Khi đó, tình trạng sức khỏe của ông đã rất phức tạp.

Giáo hoàng Francis (Ảnh: Reuters).
Theo truyền thống của Giáo hội, khi Giáo hoàng Francis qua đời, Vatincan sẽ để quốc tang 9 ngày để bày tỏ lòng tiếc thương. Tang lễ dự kiến diễn ra tại Quảng trường Thánh Peter nhưng Giáo hoàng Francis từng bày tỏ mong muốn có tang lễ đơn giản.
Theo Tông hiến Universi Dominici Gregis, việc chôn cất Giáo hoàng phải được thực hiện trong khoảng 4 - 6 ngày kể từ khi ông qua đời.
Quy trình bầu chọn giáo hoàng mới sẽ bắt đầu trong 15 - 20 ngày với sự tham gia của hơn 140 Hồng y.
Trong thời gian bầu Giáo hoàng, các Hồng y sẽ tiến hành mật nghị tại Nhà nguyện Sistine. Họ phải ngắt kết nối với truyền thông và tắt điện thoại để không bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Việc bầu cử diễn ra kỹ lưỡng, qua nhiều vòng bỏ phiếu để chọn ra Giáo hoàng với yêu cầu đạt 2/3 số phiếu thuận.
Quá trình này có thể diễn ra trong nhiều ngày thậm chí nhiều tuần. Kết quả sẽ được báo hiệu bằng làn khói trắng bốc lên từ ống khói Nhà nguyện.
Giáo hoàng Francis sinh năm 1936 tại Buenos Aires, Argentina. Ông lên ngôi vào năm 2013 sau khi Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố từ chức, trở thành người đầu tiên thoái vị sau 600 năm.
Giáo hoàng Francis là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ đồng thời là người đầu tiên trong hơn 12 thế kỷ không sinh ra tại châu Âu.
Trong suốt 12 năm qua, vị Giáo hoàng gốc Argentina đã lãnh đạo hơn 1,3 tỷ tín hữu Công giáo toàn cầu và nổi tiếng với nỗ lực hiện đại hóa vai trò mục vụ của Giáo hội, chú trọng đảm bảo công bằng xã hội, thúc đẩy tiến bộ cho phụ nữ, người nghèo và bảo vệ môi trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận