Đến Thái Lan, đặc biệt ở những vùng có đông Việt kiều sinh sống như Udon Thani, du khách có thể nghe cả ngày không hết những câu chuyện về tình yêu bất diệt mà các thế hệ người Việt nơi đây dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bàn thờ Bác Hồ tại nhà cộng đồng của Việt kiều Thái tỉnh Udon Thani trên phố Vietnam Town. Ảnh: Dương Thy.
Trẻ em trường Khánh An tiếng Việt chưa sõi, nhưng đều thuộc lòng mấy câu thơ: "Dù cho bò đẻ ngọn cây/ Người không uống nước, gậy tầy sinh con/ Dù cho thành phố U Đon/ Biến thành rừng rậm chẳng còn chỗ mô/ Thì lòng yêu kính Bác Hồ/ Vẫn không phai nhạt thầy trò Khánh An".
Đến Udon Thani, thành phố lớn nhất vùng Đông Bắc Thái Lan, dễ dàng bắt gặp hình ảnh Bác Hồ được treo trang trọng trong mỗi nếp nhà của những Việt kiều sinh sống tại đây.
Một buổi tối tại "Vietnam Town" – phố người Việt được công nhận đầu tiên trên thế giới – chúng tôi gặp một nhóm Việt kiều đang trò chuyện rôm rả. Biết chúng tôi từ Việt Nam sang, họ hồ hởi mời uống bia, chụp ảnh chung.
Một người phụ nữ ngoài 70 tuổi đặt tay lên ngực khi nghe tôi nói đã đến thăm khu di tích Bác Hồ: "Tôi sinh ra tại Thái, chưa từng được về Việt Nam, nhưng Bác Hồ thì ở trong tim này… Yêu lắm, thương lắm!".

Ngày 10/1/1960, tàu Anh Phúc cập cảng Hải Phòng chở 922 người Việt Nam từ Thái Lan về nước. Hành trang mang về của kiều bào yêu nước còn có những tấm hình Bác được ôm chặt trong lòng. (Ảnh tư liệu).
Theo TS Trương Thị Hằng, giảng viên Đại học Rajabhat Lampang (Thái Lan), đồng tác giả cuốn sách "Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - Thái Lan hiện đại", mặc dù Hồ Chủ tịch hoạt động tại Thái Lan trong khoảng thời gian rất ngắn từ tháng 7/1928 đến khoảng cuối năm 1929, nhưng ấn tượng mà Người để lại trong cộng đồng Việt kiều tại Thái Lan vô cùng sâu đậm.

Thầy trò trường Khánh An (nơi Hội Việt kiều tỉnh Udon Thani tổ chức dạy tiếng Việt cho các thế hệ con cháu) tổ chức kỷ niệm 135 năm ngày sinh Bác Hồ. Ảnh: Nguyễn Thị Xuân Oanh.
"Sự xuất hiện của Người đã khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh hướng về Tổ quốc trong kiều bào. Người giống như chất keo gắn kết kiều bào tại các địa phương của Thái Lan, giúp cho họ biết đến sự hiện diện của nhau, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn, đồng thời cùng chung quyết tâm đóng góp sức mình cho cuộc đấu tranh của toàn dân tộc", TS Hằng chia sẻ.

Khánh thành ngày 31/8/2011, khu di tích chia làm hai phần: Trại Cưa, nơi Bác từng sống và hoạt động cách mạng trong 2 năm 1928 – 1929; khu nhà đa năng, nơi trưng bày hiện vật, đón khách, tổ chức hội thảo, dâng hương. Ảnh: D.T.
Udon Thani là nơi đầu tiên ở Thái Lan có khu di tích và nhà lưu niệm Hồ Chí Minh, được chính quyền tỉnh Udon Thani và Hội Việt kiều tỉnh Udon Thani thống nhất ý tưởng xây dựng từ năm 2003.
Đây không chỉ là trung tâm giáo dục, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Trong đó, con đường dẫn vào di tích được đặt tên Thầu Chín 1 dài 5km, rộng 6m.
Với diện tích hơn 6.000m2 tại bản Noong On, khu tưởng niệm được bà con quyên góp từng đồng để mua đất. Người góp tiền, người góp sức. Ông Lê Quang Vinh, một Việt kiều là nhà thầu xây dựng đã không chỉ thi công miễn lợi nhuận mà còn ủng hộ 1 triệu baht để hoàn thiện công trình.
Ở Thái Lan, thế hệ Việt kiều thứ ba như ông Văn Viết Thành, người thường trực tại di tích, rất am hiểu lịch sử và ông luôn tự hào được tiếp nối công việc kể chuyện về Người.
Khi còn nhỏ, thấy gia đình đặt bàn thờ Bác Hồ, ông Văn Viết Thành tò mò hỏi và biết được đây chính là lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. Qua tư liệu lịch sử và sách báo, ông đã tìm hiểu rất sâu để có cơ hội là kể lại cho du khách bằng những câu dễ hiểu về lãnh tụ của dân tộc.
Theo thống kê của Hội Việt kiều tỉnh Udon Thani, kể từ khi có khu di tích Hồ Chí Minh, lượng khách đến tham quan du lịch và biết đến UDon Thani tăng mạnh. Mỗi năm ước đạt khoảng hơn 2 vạn lượt người. Vào dịp nghỉ lễ lớn 30/4, Quốc khánh 2/9… lượng khách tăng vọt.
Việt kiều ở Udon Thani vẫn giữ được một nghi lễ, mùng 1 Tết năm nào cũng vậy, những người con gốc Việt tại Udon Thani lại đến khu di tích Bác Hồ từ sớm để chuẩn bị mâm cơm cúng có đủ các món truyền thống như xôi, gà, bánh chưng, giò lụa... cùng hoa thơm trái ngọt để thành kính mời Bác về ăn Tết cùng bà con. Đặc biệt, lễ vật "cúng mã" khi dâng có cả những vật phẩm gắn liền với cuộc đời cách mạng của Bác như chiếc mũ cát màu trắng, bộ quần áo nâu giản dị hay đôi dép cao su...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận