Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Quy hoạch kiến trúc

Hà Nội phát triển đô thị nên “quay mặt” vào sông Hồng

Hà Nội phát triển đô thị nên “quay mặt” vào sông Hồng

25/04/2025, 09:41

Dù quy hoạch phân khu sông Hồng thay đổi, các chuyên gia đều cho rằng, Hà Nội nên định hướng phát triển đô thị "quay mặt" vào sông Hồng, thay vì "quay lưng" như lâu nay.

Người dân nghe ngóng

Anh Đào Văn Minh sống ở phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết, gia đình anh ba đời sống ở khu vực ngoài đê sông Hồng.

Hà Nội phát triển đô thị nên “quay mặt” vào sông Hồng- Ảnh 1.

Sông Hồng sẽ là trục phát triển quan trọng của Hà Nội.

Cách đây gần 2 tháng, phường thông báo đến các hộ trong diện giải phóng mặt bằng để xây dựng mố cầu, đường dẫn cầu Tứ Liên. Tuy nhiên, phương án đền bù cụ thể thì người dân chưa được biết.

Anh Minh cũng cho biết, làng Bắc Cầu là làng cổ, đình làng vài trăm tuổi, được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố. Làng có thế đất cao, ngay cả khi lũ trên sông Hồng vượt báo động cấp ba cũng không hề hấn gì, không cản trở thoát lũ. Ngược lại, làng như một vùng đệm, bảo vệ đê sông Hồng, sông Đuống.

"Người dân rất mong quy hoạch sông Hồng giữ nguyên cấu trúc của làng, không di dời người dân. Riêng khu vực ngã ba sông, nghe nói sẽ có dự án đô thị du lịch. Nếu làm đẹp hơn cho khu vực, người dân sẽ ủng hộ", anh Minh bộc bạch.

Tương tự, chị Bùi Kim Nhung, cư dân phường Nhật Tân, quận Tây Hồ cho biết, gia đình chị có mảnh vườn ở khu vực bãi sông Hồng, nơi trồng cây cảnh, đào, quất nổi tiếng của Thủ đô.

Trước thông tin cả vùng trồng cây nông nghiệp rộng lớn, được quy hoạch thành khu đô thị du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp cao, chị Nhung bày tỏ: "Giờ chỉ biết chờ đợi thôi. Hiện gia đình và hàng xóm vẫn trồng đào kết hợp trồng hoa theo mùa".

Chính quyền mong chờ

Từ năm 2022, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở). Theo đó, sông Hồng là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm Hà Nội.

Hà Nội phát triển đô thị nên “quay mặt” vào sông Hồng- Ảnh 2.

Người dân ở khu vực ngoài đê sông Hồng rất phấn khởi khi quy hoạch chi tiết triển khai, nhiều vướng mắc sẽ được giải quyết.

Còn theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (tháng 12/2024), Hà Nội sẽ nghiên cứu điều chỉnh xây dựng phát triển đô thị hài hòa hai bên sông, trong đó sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm.

Trước khi có chủ trương bỏ chính quyền cấp huyện, 13 quận, huyện nằm trong phân khu đô thị sông Hồng chịu trách nhiệm triển khai quy hoạch chi tiết đối với các khu dân cư. Nhưng đến nay, các quy hoạch chi tiết vẫn chưa hoàn thành, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, cấp sổ đỏ, cấp phép xây dựng.

Đáng nói, chủ thể triển khai quy hoạch đang thay đổi khi Hà Nội triển khai bỏ chính quyền cấp huyện, sáp nhập các phường/xã trở thành chính quyền cơ sở (phường/xã) có quy mô lớn hơn. Trước bối cảnh đó, lãnh đạo các phường/xã hiện tại vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào công tác quy hoạch.

Ông Công Minh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân chia sẻ, người dân ở khu vực ngoài đê sông Hồng rất phấn khởi khi quy hoạch chi tiết được triển khai đồng thời với phương án sắp xếp đơn vị hành chính mới, tạo tiền đề cho địa phương phát triển.

Hiện nay, UBND quận Tây Hồ đang triển khai lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, cụ thể hóa quy hoạch đất ở, quy hoạch hạ tầng giao thông, vườn hoa, công viên đô thị, quy hoạch xây dựng...

Khi quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt sẽ giúp người dân có định hướng trong việc sử dụng đất đúng các chức năng, khi làm thủ tục xin phép xây dựng công trình sẽ không phải xin thỏa thuận của Sở Nông nghiệp và Môi trường (đất nằm trong quy hoạch thoát lũ).

Ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch UBND xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì bày tỏ: "Địa phương rất mong cơ quan cấp trên ban hành các chương trình, đề án để duy trì sự ổn định của sông Hồng. Đồng thời, nghiên cứu những đập ngăn nước để điều hòa dòng chảy phù hợp, tránh xảy ra ngập lụt đối với những xã vùng hạ lưu".

Hai bên sông Hồng sẽ là hai trục cảnh quan

Khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, câu hỏi đặt ra là quy hoạch sông Hồng có khác đi không?

Ông Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, người tham gia nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô khẳng định: Câu trả lời là có.

Theo quyết định điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 của Thủ tướng Chính phủ, sông Hồng được xác định là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô; là không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối Vùng Thủ đô và Vùng Đồng bằng sông Hồng. Đô thị sẽ định hướng phát triển, hướng mặt vào sông Hồng.

Theo ông Cường, Quy hoạch Thủ đô định hướng phát triển trục sông Hồng trở thành trục không gian, cảnh quan, sinh thái, xanh trung tâm của Hà Nội. Thực hiện định hướng này, Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp đó, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.

"Luật Quy hoạch quy định rõ các cấp quy hoạch và quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên", ông Cường lý giải.

Cho dù quy hoạch phân khu sông Hồng thay đổi thế nào, các chuyên gia đều đồng tình với định hướng Hà Nội phát triển "quay mặt" vào sông Hồng, thay vì "quay lưng" như lâu nay.

Ông Cường cho biết, trong Quy hoạch Thủ đô, sông Hồng được xác định là một trục trung tâm của thành phố, định hướng phát triển thành phố hai bên sông. Hai bên sông Hồng sẽ là hai trục cảnh quan.

Phía Nam sông Hồng gắn với khu phố cổ, phố cũ, sẽ là trục trung tâm, trục di sản. Phía Bắc sông Hồng hình thành trục thương mại dịch vụ, là động lực chính, là trung tâm phát triển thương mại, dịch vụ, văn hóa và không gian xanh của Hà Nội.

"Để làm được như vậy, trong các quy hoạch cấp dưới, Hà Nội phải đưa ra các phương án cụ thể, đảm bảo tuân thủ những yếu tố về tự nhiên. Sông Hồng có lưu lượng nước không đều. Vào mùa cạn, phải khai thác theo phương thức của mùa cạn, nhưng vẫn phải quay mặt ra sông. Vào mùa lũ, vẫn khai thác thích ứng với mùa lũ", ông Cường nhấn mạnh.

Theo KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, nếu sông Hồng không đủ không gian để thoát lũ, cũng không đủ không gian lưu trữ nước vào mùa hạn thì khó có thể phát triển đô thị được.

Cần nghiên cứu điều chỉnh phương án thủy lợi

KTS Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng) nhận định, để triển khai định hướng "trục sông Hồng được xây dựng và trở thành điểm nhấn về không gian quy hoạch kiến trúc của Thủ đô", Hà Nội cần thực hiện các chương trình, hành động cụ thể.

Trước tiên là nghiên cứu điều chỉnh phương án thủy lợi và phòng chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình để xác định các thông số về cao độ ngập lụt, giải pháp phòng chống ngập lụt và các điều kiện thích ứng khi khai thác các vùng bãi dọc sông.

Tiếp đó, cần quy hoạch tổng thể phát triển từng trục sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ... theo từng giai đoạn phát triển, làm cơ sở thu hút đầu tư nguồn lực phát triển.

Cùng đó, Hà Nội cần xây dựng đoạn tuyến sông Hồng qua trung tâm trở thành trục không gian xanh sinh thái trong giai đoạn 2025 - 2030 để cung cấp các không gian xanh công cộng cho người dân đô thị; xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông kết nối dọc sông, cầu hầm qua sông, các bến thuyền, bến cảng và các công trình điều tiết mực nước sông.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.