Sẵn sàng cung cấp vật liệu tốt, giảm thời gian thi công
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera - CTCP cho biết, tại dự án nhà ở xã hội Thăng Long Green City (Đông Anh, Hà Nội), quy mô hơn 1.100 căn hộ, nhờ kết hợp tối ưu hóa các giải pháp thiết kế, đi đôi với chủ động nguồn vật liệu xây dựng tự sản xuất được, Liên danh Viglacera và Handico đang đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành sớm 5 tháng so với tiến độ ban đầu.

Một khu nhà ở xã hội do Tổng công ty Vigracera - CTCP xây dựng tại Đồng Văn, Hà Nam.
"Viglacera đủ khả năng cung cấp những sản phẩm vật liệu xây dựng đồng bộ để vừa thi công nhanh, vừa giảm giá thành.
Viglacera sẵn sàng phối hợp với các tổ chức để triển khai các giải pháp khoa học công nghệ, sản xuất ra những bộ sản phẩm đưa vào lắp đặt nhanh chóng, giảm thời gian thi công mà chất lượng công trình vẫn được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu sớm tăng trưởng quỹ nhà cho thị trường", ông Tuấn khẳng định.
Cũng theo ông Tuấn, Viglacera đang thực hiện 10 dự án nhà ở xã hội, với tổng số 17.200 căn tại Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam và Phú Thọ.
Sớm công khai kế hoạch của địa phương
Ông Lê Quang Huy, Phó tổng giám đốc Công ty CP BIC Việt Nam cho biết, BIC Việt Nam có gần 14 năm kinh nghiệm là chủ đầu tư thực hiện, triển khai các dự án nhà ở xã hội. Trong các cơ chế đặc thù nêu trong dự thảo Nghị quyết thí điểm, điểm tích cực là địa phương được giao chủ đầu tư dự án không thông qua đấu thầu, ưu tiên nhà đầu tư có kinh nghiệm, tài chính để đẩy nhanh nguồn cung.
Theo quy định, các nhà đầu tư chỉ có thể là chủ đầu tư thông qua 2 hình thức: Đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư và thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất với các tổ chức, cá nhân khác. Hình thức đấu thầu có nhược điểm là quy trình thủ tục phức tạp, nhanh nhất cũng phải 1-2 năm, thêm công đoạn giải phóng mặt bằng mất vài năm nữa.
"Tuy nhiên, nếu để địa phương giao chủ đầu tư không qua đấu thầu sẽ bị hạn chế về số lượng, do các dự án phải nằm trong quy hoạch hoặc phải nằm trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.
Vì thế, cần sớm hoàn thành chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương. Đồng thời, công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư cho doanh nghiệp để nghiên cứu", ông Huy kiến nghị.
Ưu tiên phát triển nhà cho thuê
Bày tỏ quan điểm sẵn sàng nhập cuộc để triển khai Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, ông Nguyễn Văn Lợi, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng sản xuất dịch vụ du lịch Thiên Phát cũng cho rằng, để thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nên sớm bỏ thủ tục lập - thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Doanh nghiệp đáp ứng được năng lực kinh nghiệm chuyên môn, năng lực tài chính, UBND cấp tỉnh có thể giao làm chủ đầu tư, không thông qua đấu thầu.

Một góc căn hộ mẫu của một dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội.
"Ngoài ra, cần khấu trừ nghĩa vụ tiền sử dụng đất trong 20% diện tích xây dựng nhà thương mại bán giá thị trường, hoặc phân bổ tiền chuyển nhượng đất vào giá thành căn hộ.
Ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư địa phương hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vay phát triển nhiều hơn mô hình căn hộ cho thuê. Việc đầu tư hoặc hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội cho thuê cần được ưu tiên", ông Lợi nói thêm.
Quy hoạch đất riêng làm nhà ở xã hội
Khẳng định Tập đoàn Hòa Bình đủ khả năng xây dựng và bán nhà ở xã hội giá chỉ 15 triệu đồng/m2, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho biết, doanh nghiệp đã kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép doanh nghiệp thực hiện kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội mỗi năm mà không cần Nhà nước chi ngân sách. Điều kiện cần là các địa phương quy hoạch những khu đất dành riêng cho phát triển nhà ở xã hội.
Chẳng hạn, Hà Nội có thể quy hoạch 5 khu tập trung, sau đó các doanh nghiệp sẽ ứng vốn để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng và xây dựng nhà.
Nhu cầu nhà ở xã hội có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 là rất lớn. Khi nguồn cung gia tăng, giá nhà thương mại chắc chắn sẽ giảm theo. Hiện, Tập đoàn Hòa Bình đang triển khai dự án nhà ở xã hội trên 2 khu đất vàng tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Thiết kế lại gói vay lãi suất thấp, thời gian dài
Theo ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trước đây, đã từng có các dự án nhà ở xã hội được xây dựng thành công nhờ gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng với lãi suất thấp và thời hạn vay dài. Tuy nhiên, hiện nay gói vay này đã ngừng triển khai. Trong khi đó, rất nhiều người dân, đặc biệt là người trẻ, vẫn đang gặp khó khăn do lãi suất cao và thời gian vay ngắn.
"Chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM xem xét khôi phục hoặc thiết kế lại gói vay tương tự, tiếp tục hỗ trợ người mua nhà lần đầu, hoặc cả những người mua thứ cấp", ông Tuấn nói
Không tìm kiếm lợi nhuận cao
Ông Mai Công Hồ, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng cho biết, chỉ trong 4 năm triển khai xây dựng dự án nhà ở xã hội, công ty đã hoàn thành việc xây dựng 10 khối nhà chung cư và bán hết gần 2.736 căn hộ.
"Khi bắt tay xây dựng lại trúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi vẫn đảm bảo năng lực tài chính để hoàn thành theo kế hoạch, tổ chức bán nhanh cho người dân, nhất là công nhân lao động thu nhập thấp tại các khu công nghiệp.
Chúng tôi xác định việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội không phải tìm kiếm lợi nhuận. Vì các dự án thường có lợi nhuận thấp, thời gian kéo dài. Chúng tôi tâm niệm đây là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp", ông Hồ nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận