Phát biểu tại cuộc họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu 3.000km cao tốc vào cuối năm 2025 là khả thi, đến nay đã thấy hình hài con đường cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị không được chủ quan, phải tiếp tục phát huy tinh thần tiến công, thần tốc, đột phá hơn nữa để đảm bảo tiến độ các dự án.
Thủ tướng kiểm tra cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh ngày 22/3.
Sau chuyến kiểm tra và chỉ đạo của Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn ngày 8/3, công trường thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có những tín hiệu tích cực.
Ghi nhận của PV, tại gói thầu số 19 (từ Km0+00-Km3+87 và từ Km10+25-Km23+00), nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng đã huy động 132 thiết bị đầu máy móc, bố trí 19 mũi thi công. Giá trị xây lắp lũy kế đạt khoảng 34,4%.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó chỉ huy công trường Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết: Sau chuyến thị sát của Phó Thủ tướng, không khí và tinh thần làm việc trên công trường rất hăng hái. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng tiến triển tốt.
Hiện gói 19 dẫn đầu trong các nhà thầu về tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công đường. Trên tuyến có 105 hộ phải bố trí tái định cư, trong đó 101 hộ đã bốc thăm lô, nhận đất; 4 hộ chưa đồng ý bốc thăm; 55/101 hộ di chuyển nhà ở, bàn giao mặt bằng.
Tại gói thầu số 20 (từ Km23+00-Km43+00) do Công ty CP Tập đoàn xây dựng 168 Việt Nam - Công ty CP Tập đoàn ĐTXD Cường Thịnh Thi thi công, giá trị xây lắp đạt hơn 20% giá trị hợp đồng (253,08/1250,85 tỷ đồng).
Còn tại gói thầu số 24 (thuộc địa phận huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) do Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận, PV ghi nhận hàng chục mũi thi công đang được đồng loạt triển khai.
Theo ông Lê Đức Tranh, Giám đốc Ban điều hành gói thầu, theo kế hoạch, đến 31/12/2025, toàn bộ tuyến Hà Giang - Tuyên Quang sẽ về đích, nghĩa là chỉ còn 10 tháng nữa. Song một số vị trí xây cầu vượt vẫn gặp tình trạng "xôi đỗ".
Ông Hoàng Văn Hải, Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, toàn tuyến đã bàn giao 69,15/69,7km, đạt 99,21% (tăng thêm 4,75km so với trước khi Phó Thủ tướng đi kiểm tra). Hiện còn 0,55km (tương đương 0,79%), tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
Hàng trăm máy móc, thiết bị được huy động tại công trường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.
Trong khi đó, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua Hà Tĩnh có 3 dự án thành phần gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng - Bùng với tổng chiều dài 102,38km. Đến nay, Hà Tĩnh bàn giao mặt bằng đạt 99,98%.
Ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long - chủ đầu tư 2 dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng thông tin, mặt bằng, mỏ vật liệu đã được tỉnh Hà Tĩnh bàn giao cho đơn vị thi công. Theo kế hoạch, 2 dự án sẽ thông tuyến chính ngày 30/4 tới.
Tại dự án Vũng Áng - Bùng đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh dài 12km, địa phương cũng bàn giao mặt bằng theo kế hoạch.
Ba dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng với tổng chiều dài 103km đã cơ bản hoàn thiện, sẵn sàng thông xe dịp 30/4.
Theo ông Lê Quang Đức, Phó chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh, vướng mắc không còn nhiều, địa phương đang rốt ráo giải quyết.
Tại dự án Vũng Áng - Bùng đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc điều hành dự án nói, địa phương đã rất nỗ lực cùng chủ đầu tư, nhà thầu gỡ vướng mặt bằng, đến nay cơ bản thuận lợi.
Với dự án Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ, đại diện các nhà thầu thông tin, tuyến chính địa phương đã bàn giao xong mặt bằng, tuy nhiên vẫn còn một số vị trí làm đường gom dân sinh vướng thủ tục chi trả tiền đền bù, hỗ trợ.
Các nhà thầu nỗ lực thi công cao tốc, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ.
Ghi nhận tại cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn qua địa bàn Bình Định, sau đợt kiểm tra, đôn đốc của Thủ tướng Chính phủ chiều 22/3, mọi tồn tại, vướng mắc cơ bản khắc phục xong. Nhà thầu đang tăng cường máy móc, thiết bị đẩy nhanh thi công.
Gói thầu 11-XL bị chậm tiến độ do đoạn gần 2,5km qua rừng tự nhiên đã được địa phương bàn giao mặt bằng. Để bù tiến độ bị chậm, nhà thầu huy động hơn 250 công nhân, gần 150 máy móc, thiết bị. Tổng sản lượng thi công gói thầu đạt khoảng 1.580/2.690 tỷ, tương đương 59%.
Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (nhà thầu chính thi công gói 11-XL) cho hay, đơn vị bố trí gấp 5 lần nhân, vật lực so với kế hoạch ban đầu. Những ngày nghỉ lễ Giổ Tổ Hùng Vương, đơn vị vẫn duy trì 100% nhân lực làm xuyên lễ.
Theo Ban Quản lý dự án 85, khối lượng còn lại rất lớn, trong khi còn khoảng 6 tháng để hoàn thành theo kế hoạch điều chỉnh. Do đó, đơn vị đã yêu cầu nhà thầu thi công gói 11-XL tập trung đẩy nhanh tiến độ trong khoảng thời gian còn lại.
Tại cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh, cũng theo Ban Quản lý dự án 85, đến đầu tháng 4, sản lượng đạt hơn 7.200 tỷ đồng, đạt 71% hợp đồng. Để đẩy nhanh tiến độ, Ban đã chỉ đạo nhà thầu khẩn trương huy động thêm máy móc thiết bị để tập trung "3 ca 4 kíp".
Cập nhật tình hình triển khai các dự án thuộc danh mục 3.000km có kế hoạch về đích năm 2025, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) thông tin, dự kiến trong năm nay, khoảng 1.188km cao tốc gồm 28 dự án/dự án thành phần sẽ hoàn thành.
Trong đó, có 17 dự án (tổng chiều dài 889km) do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản và 11 dự án (299km) do địa phương làm cơ quan chủ quản, được chia làm 2 nhóm.
Nhóm 1 gồm 16 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài 786km có điều kiện thuận lợi hoặc khó khăn, vướng mắc đã cơ bản được giải quyết.
Tại nhóm dự án này, 4 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đăng ký đưa vào khai thác tuyến chính dịp 30/4/2025 là: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh, Vân Phong - Nha Trang (70km) có tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Cao tốc Vũng Áng - Bùng.
Về công tác giải phóng mặt bằng, tính đến đầu tháng 4/2025, dự án Vạn Ninh - Cam Lộ còn vướng 272m tuyến chính đã bàn giao nhưng người dân cản trở thi công và vướng mặt bằng tại các cầu vượt nút giao QL9D, QL9A, cầu vượt Tam Hiệp.
Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ mới bàn giao 95% mặt bằng; Dự án Bến Lức - Long Thành còn vướng khu vực nút giao QL51 mới bổ sung; Dự án Hòa Liên - Túy Loan vướng khoảng 0,5km đường gom, đường ngang, địa phương đang tập trung giải quyết, xử lý.
Toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam đã đưa vào khai thác 1.206km, đang thi công 834km (hoàn thành năm 2025, trừ đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km). Đồ họa: Nguyễn Tường.
Lắp hộ lan cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, đoạn qua huyện Phù Mỹ, Bình Định.
Đối với nhóm 2, nhóm này gồm 12 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài 402km cần phải quyết liệt, tập trung tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu và tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" mới có thể hoàn thành trong năm 2025.
Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng còn vướng tại các dự án Biên Hoà - Vũng Tàu qua Đồng Nai, Vành đai 3 TP.HCM qua Đồng Nai và Bình Dương; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột qua tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk.
Về vật liệu, công suất khai thác vật liệu đắp để cung ứng cho dự án Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau còn hạn chế (chỉ được 35.000m3/ngày trong khi nhu cầu cần khoảng 58.000m3/ngày), ảnh hưởng công tác gia tải.
Nguồn vật liệu đất đắp, đá dự án Tuyên Quang - Hà Giang qua Hà Giang vẫn thiếu so với nhu cầu.
Cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn qua huyện Phù Mỹ, Bình Định được thảm nhựa.
Bảo đảm hoàn thành mục tiêu 3.000km cao tốc, Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng đã báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng yêu cầu lãnh đạo các ban quản lý dự án bám sát hiện trường, phối hợp chặt chẽ các địa phương để hoàn thành công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật tại những dự án, nhất là dự án Vạn Ninh - Cam Lộ, Hòa Liên - Túy Loan, Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao Lãnh - Lộ Tẻ phải hoàn thành trước ngày 15/4/2025.
Về vật liệu, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và nhà thầu được đề nghị phối hợp chặt chẽ các cơ quan của TP Đà Nẵng, bảo đảm nguồn đá cung cấp cho dự án Hòa Liên - Túy Loan trong tháng 4/2025.
Ban QLDA Mỹ Thuận cần yêu cầu các nhà thầu huy động toàn bộ đá cấp phối về công trường trước 30/6/2025; Ban QLDA 2 cần chỉ đạo tư vấn, nhà thầu kiểm tra kỹ lưỡng, nghiên cứu, tính toán giải pháp, sớm xác định nguồn vật liệu phục vụ thi công bê tông nhựa cho dự án đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị các chủ đầu tư rà soát, quyết liệt chỉ đạo nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" để bù lại tiến độ bị chậm, đặc biệt tại các dự án: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; Chí Thạnh - Vân Phong; Dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận