Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Chính sách

HoREA đề xuất cơ chế đột phá phát triển nhà ở xã hội

HoREA đề xuất cơ chế đột phá phát triển nhà ở xã hội

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, để có cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) thực chất, cần một tư duy cải cách thể chế mạnh mẽ, linh hoạt, sát với thực tiễn triển khai tại các địa phương.

Cần thêm chính sách riêng cho công chức, viên chức

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, Luật Nhà ở 2023 đã quy định các nhóm đối tượng được mua NƠXH, nhưng chủ yếu tập trung vào người lao động khu vực tư nhân, công nhân, lực lượng vũ trang… Đội ngũ công chức, viên chức Nhà nước vẫn chưa có một chính sách nhà ở riêng biệt.

HoREA đề xuất cơ chế đột phá phát triển nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Phát triển NƠXH cần cơ chế đặc thù đúng nghĩa.

HoREA đề xuất bổ sung một chương trình phát triển nhà ở dành riêng cho công chức, viên chức Nhà nước, tương tự mô hình của Singapore, nơi công chức được hỗ trợ vay vốn mua nhà và được hưởng chính sách thuê ưu đãi dựa trên hiệu quả làm việc.

"Đây không chỉ là giải pháp an sinh, mà còn là công cụ giữ chân nhân tài khu vực công, trong bối cảnh nhiều người có năng lực rời bỏ khu vực Nhà nước do lương thấp, không đảm bảo nơi ở ổn định", Chủ tịch HoREA nhận định.

Đề xuất đổi tên quỹ thành Quỹ phát triển nhà ở quốc gia

Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển NƠXH, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất đổi tên "Quỹ phát triển NƠXH quốc gia" thành "Quỹ phát triển nhà ở quốc gia".

"Đây không phải một thay đổi mang tính hình thức mà là định hướng chiến lược. Thay vì bó hẹp phạm vi hỗ trợ cho NƠXH, quỹ có thể bao quát cả các mô hình nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở cho người trẻ, công chức, viên chức…", ông Châu khẳng định thêm.

Việc này không chỉ đồng bộ với chủ trương của Tổng Bí thư về thành lập "Quỹ nhà ở quốc gia", mà còn tạo điều kiện hợp nhất các chính sách phân tán hiện nay trong một khung điều phối tài chính thống nhất.

Tầm nhìn linh hoạt này cũng mở ra khả năng thích ứng dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu nhà ở đang thay đổi theo cấu trúc dân số và thị trường lao động.

Đề xuất của HoREA cũng nhấn mạnh vai trò quản lý của Bộ Xây dựng, đồng thời đề nghị tổng kết hoạt động của Quỹ phát triển nhà ở Hà Nội, TP.HCM để thiết kế một mô hình cấp quốc gia trên nền tảng thực tiễn.

Theo ông Châu, sự khác biệt lớn giữa các địa phương không chỉ đến từ nguồn lực, mà nằm ở khả năng lồng ghép chính sách NƠXH vào quy hoạch phát triển đô thị, sử dụng quỹ đất linh hoạt và cải cách thủ tục đầu tư.

Chính vì vậy, "đề xuất trong Dự thảo nghị quyết về việc ủy quyền UBND cấp tỉnh lựa chọn chủ đầu tư, công khai thông tin dự án, rút ngắn thời gian công bố tiêu chí lựa chọn là một hướng đi đúng, cần được thể chế hóa rõ ràng để tránh lúng túng khi triển khai", ông Châu đề nghị.

HoREA đề xuất cơ chế đột phá phát triển nhà ở xã hội- Ảnh 2.

Bộ Xây dựng đặt mục tiêu hoàn thành hơn 100.000 căn NƠXH trong năm 2025.

Theo HoREA, dự thảo nghị quyết quy định việc miễn giấy phép xây dựng với các dự án dùng thiết kế mẫu, bãi bỏ kiểm tra nghiệm thu của cơ quan chuyên môn nếu không có yêu cầu đặc biệt, hay cho phép chủ đầu tư chủ động xác định đối tượng mua nhà… là các bước đi mang tính cải cách thể chế rõ rệt.

Những cải cách này không chỉ giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục từ 3 - 6 tháng, mà còn giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biên lợi nhuận của NƠXH rất thấp. Tuy nhiên, HoREA cho rằng, các biện pháp hậu kiểm cũng cần đi kèm cơ chế giám sát hiệu quả, tránh hình thức và nguy cơ "buông lỏng quản lý".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.