Ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2025 để xem xét, cho ý kiến về 8 nội dung xây dựng pháp luật, trong đó có 7 dự án luật và đề xuất của Chính phủ về Chương trình lập pháp năm 2026.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp (Ảnh: VGP).
Theo chương trình tại Phiên họp, Chính phủ xem xét, thảo luận 8 nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế); Dự án Luật Thương mại điện tử; Dự án Luật Giáo dục đại học (thay thế); Dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (thay thế); Dự án Luật Báo chí (thay thế); đề xuất của Chính phủ về Chương trình lập pháp năm 2026.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung nguồn lực để thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm: cơ bản tháo gỡ vướng mắc thể chế trong năm 2025, đưa thể chế từ “điểm nghẽn” thành lợi thế cạnh tranh quốc gia. Các bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Thủ tướng nhấn mạnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý; nâng cao năng lực thực thi, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; cắt giảm thủ tục, loại bỏ khâu trung gian, chấm dứt tình trạng cấp trên hợp thức hóa cho cấp dưới.
Pháp luật phải kịp thời, sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tinh thần chiến đấu cao. Luật chỉ quy định những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh hiệu quả; các nội dung còn phức tạp thì giao Chính phủ và bộ, ngành quy định chi tiết, không cầu toàn, không nóng vội.

Quang cảnh Phiên họp (Ảnh: VGP).
Các hồ sơ, dự án luật sửa đổi, bổ sung cần làm rõ "5 sao" gồm: Vì sao lược bỏ, vì sao hoàn thiện, vì sao bổ sung, vì sao cắt bỏ thủ tục, vì sao phân cấp, phân quyền.
Các hồ sơ, dự án luật mới cần bảo đảm "6 rõ" gồm: Rõ về phân cấp, phân quyền; rõ quan điểm, nguyên tắc; rõ việc cắt giảm thủ tục, giảm chi phí tuân thủ, giảm phiền hà cho người dân; rõ các quan điểm của Đảng phải thể chế hóa; rõ tác động và hiệu quả khi ban hành luật; rõ chính kiến khi còn ý kiến khác nhau. Diễn đạt phải ngắn gọn, rõ ý, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ đôn đốc, giám sát, kiểm tra, đánh giá.
Theo các báo cáo, ý kiến tại Phiên họp, các dự án luật được cho ý kiến thông qua tại Phiên họp cũng tạo lập nền tảng pháp lý rất quan trọng trên các lĩnh vực.
Trong đó, Dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) sẽ hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho đầu tư, phát triển ngành hàng không hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Thủ tướng nhấn mạnh, dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) là Luật phục vụ kiến tạo phát triển, huy động nguồn lực tư nhân, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển các hãng hàng không, sân bay, logistics hàng không, đô thị sân bay…; tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay; phân cấp, phân quyền triệt để.
Thủ tướng yêu cầu phát huy dân chủ, cầu thị lắng nghe ý kiến, tạo đồng thuận trong xây dựng pháp luật; chủ động phối hợp với Quốc hội ngay từ khâu khởi thảoThủ tướng yêu cầu phát huy dân chủ, cầu thị lắng nghe ý kiến, tạo đồng thuận trong xây dựng pháp luật; chủ động phối hợp với Quốc hội ngay từ khâu khởi thảo các hồ sơ, chính sách dự án luật.
Đồng thời, Thủ tướng giao các bộ cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật; phân công các Phó Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp; Văn phòng Chính phủ phối hợp tiếp thu, hoàn thiện, sớm trình ban hành Nghị quyết Phiên họp...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận