
Lễ khai mạc Triển lãm chuyên đề "Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình" nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm mở cửa ngày 16 - 30/5 tại tầng 1 nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).

Với thể loại và chất liệu khác nhau như hội họa, đồ họa, điêu khắc, tranh thêu, tranh trổ giấy, tượng của các nghệ nhân dân gian, những tác phẩm này giúp công chúng trong nước và quốc tế hiểu thêm về cuộc đời bình dị, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Cát có mặt từ rất sớm. Ở tuổi 97, ông xúc động khi thấy bức tranh "Bác Hồ với thầy thuốc" mà mình sáng tác năm 1980, được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập. Tác phẩm được thể hiện bằng nghệ thuật khắc gỗ về sự quan tâm, ân cần dặn dò của Bác với thầy thuốc.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, 60 tác phẩm trưng bày tại triển lãm là một phần trong rất nhiều sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh của giới nghệ sĩ tạo hình Việt Nam. Sáng tác nhiều nhất là thế hệ họa sĩ trưởng thành trong kháng chiến. Những tác phẩm còn lưu lại đến nay đều trở thành tài sản vô giá của nghệ thuật nước nhà.

Vân Anh, sinh viên Đại học Hà Nội, hào hứng cho biết, triển lãm đem lại cho bạn nhiều cảm xúc. Những bài học về lịch sử được khắc họa qua góc nhìn nghệ thuật, giúp giới trẻ hiểu hơn về cuộc đời bình dị và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác Hồ.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu với các đại biểu và khách tham quan tác phẩm Bác Hồ đọc báo, được làm từ chất liệu thạch cao của tác giả Vương Duy Biên.



Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và nước ngoài. Thông qua các tác phẩm, người xem dễ dàng cảm nhận những lát cắt tiêu biểu trong cuộc đời hoạt động cách mạng và phong cách sống của Bác.

Ở nhóm chủ đề Bác Hồ thời kỳ hoạt động cách mạng, nổi bật có tác phẩm "Hồ Chủ tịch làm việc tại Việt Bắc" (chì, 1948) của họa sĩ Phan Kế, tái hiện hình ảnh Bác tại chiến khu Việt Bắc giữa thời kỳ kháng chiến.


Bức tranh "Bác Hồ đi chiến dịch" của họa sĩ Nguyễn Đức Dụ (1984) và tác phẩm cùng tên bằng chất liệu điêu khắc đồng của Nguyễn Phú Cường (2018) cũng thể hiện sinh động tinh thần của vị lãnh tụ yêu nước.

Đáng chú ý, tác phẩm "Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập" (bột màu, 1979) của Nguyễn Dương gợi lại khoảnh khắc thiêng liêng của ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận