Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Xã hội

Khánh Hoà: Không để sắp xếp đơn vị hành chính làm chậm tiến độ đầu tư công

Khánh Hoà: Không để sắp xếp đơn vị hành chính làm chậm tiến độ đầu tư công

26/05/2025, 14:29

Đến đầu tháng 5/2025, số vốn đầu tư công thực tế của tỉnh Khánh Hòa giải ngân tại Kho bạc Nhà nước hơn 1.600 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 16% so với kế hoạch Chính phủ giao, cao hơn mức bình quân chung cả nước.

Ngày 26/5, ông Trần Hòa Nam – Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định, trong quá trình xây dựng chính quyền hai cấp, tới đây, các huyện sẽ chủ động bàn giao từng công trình và chi tiết tiến độ để UBND xã mới biết, tránh tình trạng ngắt quãng. Tất cả lãnh đạo địa phương từ huyện đến xã mới đều phải chủ động.

Khánh Hoà: Không để sắp xếp đơn vị hành chính làm chậm tiến độ đầu tư công- Ảnh 1.

Khánh Hòa còn 22 dự án chậm bàn giao mặt bằng.

Cũng theo ông Nam, đến đầu tháng 6/2025, các địa phương phải xong bàn giao và tiếp tục triển khai dự án, có thống kê chi tiết từng dự án để UBND tỉnh biết. Sau đó, lãnh đạo tỉnh sẽ kiểm tra thực tế từng dự án, địa phương.

Lưu ý, các đơn vị nhận vốn bổ sung cần có kế hoạch triển khai. Đơn vị còn vướng mắc giải ngân sớm làm báo cáo gửi Sở Tài chính, nhằm có hướng tháo gỡ. Từ đó, Sở Tài chính giao kế hoạch giải ngân chi tiết tháng 6 cho từng đơn vị.

Theo thống kê của UBND tỉnh Khánh Hòa, đến đầu tháng 5/2025, số vốn đầu tư công thực tế giải ngân tại Kho bạc Nhà nước hơn 1.600 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 16% so với kế hoạch Chính phủ giao, cao hơn mức bình quân chung cả nước (hơn 15%).

Theo báo cáo của Sở Tài chính Khánh Hòa, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân thấp là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Toàn tỉnh hiện có 22 dự án gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng với tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, chiếm 22% kế hoạch vốn.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khiến việc giải ngân bị chậm như xác định giá đất bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn chậm; công tác xác minh nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, phải điều chỉnh nhiều lần phương án bồi thường…

Năm 2025, Thủ tướng Chính phủ giao Khánh Hòa vốn đầu tư công trên 10.000 tỷ đồng. Tỉnh này đã phân bổ kế hoạch vốn trên 8.700 tỷ đồng; số vốn chưa phân bổ trên 1.300 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, Khánh Hòa còn 13 đơn vị chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp; 19 đơn vị chưa đăng ký kế hoạch giải ngân.

Theo Sở Nội vụ Khánh Hòa, tỉnh này dự kiến giảm từ 132 xã, phường hiện có xuống còn 40 xã, phường sau sáp nhập, đạt tỷ lệ giảm gần 70%. Khánh Hòa sẽ sáp nhập Ninh Thuận, lấy tên Khánh Hòa tại quyết định 759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 14/4/2025) phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.