Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Âm nhạc

Khi hào quang sụp đổ: Nghệ sĩ và bóng tối của những cám dỗ

Khi hào quang sụp đổ: Nghệ sĩ và bóng tối của những cám dỗ

26/07/2025, 09:00

Việc NTK Công Trí bị bắt vì liên quan đến ma túy, rapper Bình Gold bị phát hiện dương tính với chất cấm khi điều khiển phương tiện giao thông một lần nữa đặt ra câu hỏi: Giới nghệ sĩ Việt đang đi đâu về đâu trong dòng chảy văn hóa đạo đức đương đại?

Khi tài năng không cứu nổi nhân cách

Nhà thiết kế (NTK) Công Trí được mệnh danh là "phù thủy thời trang Việt", từng là niềm tự hào khi đưa tên tuổi làng mốt Việt ra thế giới. Các thiết kế của ông từng hiện diện trên thảm đỏ quốc tế, khoác lên những ngôi sao hạng A Hollywood. Vậy mà giờ đây, tên tuổi ấy lại gắn với cụm từ "đường dây ma túy".

Vụ việc được cơ quan Công an TP.HCM xác nhận và đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ để xử lý theo pháp luật.

Khi hào quang sụp đổ: Nghệ sĩ và bóng tối của những cám dỗ- Ảnh 1.

Nhà thiết kế Công Trí.

Trong khi đó, rapper Bình Gold, người không xa lạ với các bản rap gây tranh cãi, bị phát hiện dương tính với chất cấm, sau khi có hành vi lái xe Audi lạng lách, chặn đầu phương tiện khác trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Điểm chung của cả hai không chỉ là nghệ sĩ, mà là những cá nhân từng có lượng người hâm mộ đáng kể, có sức ảnh hưởng lên cộng đồng trẻ, đặc biệt là thanh, thiếu niên.

Sự sụp đổ niềm tin nơi công chúng không phải bắt đầu từ vụ việc của Công Trí hay Bình Gold, mà là kết quả tích tụ qua nhiều năm với hàng loạt sự cố: Từ người mẫu Andrea Aybar, diễn viên Hữu Tín đến ca sĩ Châu Việt Cường...

Danh sách này ngày càng dài, để lại một thực trạng đau lòng rằng: Nghệ sĩ - những người từng được kỳ vọng làm giàu đời sống tinh thần cho xã hội - đang dần trở thành hình ảnh phản diện trong văn hóa đại chúng.

"Những đóng góp của Công Trí cho thời trang Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Song, việc sa chân, trượt dài theo lối sống hưởng thụ, cá nhân là điều không dễ dàng khiến khán giả chấp nhận.

Chúng ta có thể tiếc một tài năng, song chúng ta cũng không ngần ngại bỏ qua một nghệ sĩ xấu xí về thái độ sống, lệch chuẩn về ứng xử. Bởi chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang chia sẻ với Báo Xây dựng.

Phát biểu của ông như một lời kết đanh thép cho sự tha hóa trong giới làm nghệ thuật: Tài năng không thể biện minh cho nhân cách lệch chuẩn.

Riêng với trường hợp của Bình Gold, tranh cãi không chỉ đến từ đời sống cá nhân mà còn từ chính sản phẩm âm nhạc của anh. Các MV như Bốc bát họ, Đớ, Đổi tư thế liên tục vấp phải phản ứng tiêu cực vì ngôn ngữ thô tục, nội dung phản cảm, cổ xúy lối sống ăn chơi, sa đọa và thậm chí là tệ nạn.

"Âm nhạc của Bình Gold như một liều ma túy độc hại cho người nghe", ông Ngô Hương Giang thẳng thắn nhận định.

Theo ông, việc để các sản phẩm này lan tràn mà không kiểm duyệt là nguy cơ lớn cho văn hóa đại chúng, nơi người trẻ dễ bị cuốn theo bởi những giá trị giả tạo và lệch lạc.

Khi hào quang sụp đổ: Nghệ sĩ và bóng tối của những cám dỗ- Ảnh 2.

Rapper Bình Gold.

Lỗ hổng quản lý hay sự thờ ơ của công chúng?

Câu hỏi đặt ra không chỉ dành cho nghệ sĩ, mà còn dành cho các cơ quan quản lý và chính khán giả, những người góp phần tạo dựng hoặc phá bỏ hình ảnh người làm nghệ thuật.

Theo nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang, không thể chỉ trông chờ vào "tự giác" trong một môi trường mà cám dỗ và danh vọng quá lớn. Ông đề xuất 3 hướng giải pháp: kiểm soát chặt hành vi và sản phẩm nghệ sĩ; tăng dần mức độ chế tài đối với hành vi lệch chuẩn; mạnh tay "phong sát" với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

"Đã đến lúc các cơ quan quản lý văn hóa cần thực hiện phong sát toàn diện đối với những nghệ sĩ kiểu này để ngăn ngừa từ sớm, từ xa những tác động tiêu cực đối với người trẻ.

Một người nghệ sĩ xấu xí sẽ như một cơn "bệnh dịch" lây lan rất nhanh đến những người sử dụng sản phẩm của họ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp trong lối sống, trách nhiệm xã hội của những người trẻ.

Luật biểu diễn, ứng xử của người nghệ sĩ càng chặt chẽ, nghiêm minh sẽ tạo ra tấm khiên bảo vệ văn hóa, là liều vaccine giúp miễn nhiễm cho xã hội nhanh, mạnh", nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang đề xuất.

Khi hào quang sụp đổ: Nghệ sĩ và bóng tối của những cám dỗ- Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang.

Song, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến vai trò của công chúng, những người tiêu dùng sản phẩm văn hóa. Khi họ tiếp tục ủng hộ, thậm chí tung hô những nghệ sĩ tha hóa, thì thị trường nghệ thuật sẽ mãi không thể "sạch".

"Công chúng cần kiên quyết quay lưng, tẩy chay đối với những nghệ sĩ lệch chuẩn," ông Giang nhấn mạnh.

Xã hội nào cũng có những "điểm đen" trong giới giải trí. Song, bản lĩnh văn hóa của một quốc gia là khả năng nhận diện, khoanh vùng và kháng thể với những điểm đen ấy.

Không phải cứ tài năng là có quyền đứng trên chuẩn mực đạo đức. Không phải cứ nổi tiếng là có thể miễn trừ trách nhiệm xã hội.

Trong thời đại mạng xã hội lên ngôi, nơi danh tiếng có thể tạo ra chỉ trong vài lượt xem, chia sẻ, thì cũng chính công chúng có thể quyết định ai là nghệ sĩ đích thực, ai chỉ là những "ngôi sao sa ngã".

Việc của cơ quan chức năng là thực thi pháp luật. Nhưng việc của chúng ta - những người tiêu dùng văn hóa - là đặt lại câu hỏi: ta đang xem gì, nghe gì, ủng hộ ai và vì sao?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.