Những năm gần đây, hiện tượng sét ngày càng xuất hiện với tần suất cao và mức độ nguy hiểm lớn hơn, gây thiệt hại không nhỏ cho các công trình xây dựng, đặc biệt là nhà cao tầng.
Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, kỹ sư Phạm Văn Lệ, Trung tâm tư vấn và ứng dụng BIM trong xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) làm rõ giải pháp kỹ thuật và những lưu ý quan trọng trong công tác phòng chống sét cho công trình xây dựng hiện nay.

Theo kỹ sư Phạm Văn Lệ, khi lắp đặt hệ thống chống sét cho công trình cao tầng, cần lưu ý lựa chọn loại kim thu sét phù hợp chiều cao và đặc điểm kiến trúc của công trình, nhằm đảm bảo hiệu quả bảo vệ tối ưu.
Nguy cơ sét đánh đối với các công trình cao tầng rất cao
Với vị trí địa lý và điều kiện khí hậu tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về mức độ rủi ro của hiện tượng sét đối với công trình cao tầng?
Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có lượng mưa lớn và thường xuyên xảy ra dông sét, đặc biệt thời điểm giao mùa.
Theo Bản đồ mật độ sét đánh hàng năm do Viện Vật lý Địa cầu công bố, có thể khẳng định rằng, nguy cơ sét đánh đối với các công trình cao tầng ở nước ta hiện nay rất cao. Điều này càng đáng lo ngại trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày thêm phức tạp.
Các công trình cao tầng thường nhô cao hơn so với địa hình xung quanh, khiến chúng trở thành điểm thu hút sét. Khi bị sét đánh, dòng điện xung cực lớn có thể gây ra cháy nổ, hư hỏng thiết bị điện - điện tử, thậm chí đe dọa tính mạng con người.
Những giải pháp chống sét nào đang áp dụng phổ biến hiện nay cho công trình xây dựng, đặc biệt trong đô thị lớn?
Hiện nay, các giải pháp chống sét phổ biến bao gồm: Hệ thống kim thu sét cổ điển, có chức năng thu hút sét và dẫn dòng điện xuống đất; kim thu sét hiện đại với khả năng phát xạ sớm, giúp mở rộng phạm vi bảo vệ cho công trình.
Hệ thống chống sét lan truyền, có tác dụng ngăn chặn xung điện áp cao từ sét lan truyền vào hệ thống điện, viễn thông và thiết bị điện - điện tử bên trong công trình.
Hệ thống nối đất cân bằng điện thế, giúp điều hòa điện thế giữa các bộ phận của công trình, giảm thiểu nguy cơ điện áp bước và điện áp tiếp xúc, từ đó đảm bảo an toàn cho người sử dụng và thiết bị.

Kỹ sư Phạm Văn Lệ, Trung tâm tư vấn và ứng dụng BIM trong xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng).
Thưa ông, có điểm gì cần lưu ý khi lắp đặt hệ thống chống sét cho nhà cao tầng?
Khi lắp đặt hệ thống chống sét cho công trình cao tầng, cần lưu ý lựa chọn loại kim thu sét phù hợp chiều cao và đặc điểm kiến trúc của công trình, nhằm đảm bảo hiệu quả bảo vệ tối ưu.
Đối với hệ thống nối đất cân bằng điện thế, yêu cầu đặt ra là phải có khả năng dẫn dòng sét xuống đất một cách nhanh chóng, an toàn, tránh gây nguy hiểm cho người và công trình. Riêng hệ thống chống sét lan truyền cần được lắp đặt đầy đủ thiết bị bảo vệ cho cả đường nguồn và đường tín hiệu, nhằm bảo vệ các thiết bị điện - điện tử nhạy cảm.
Việc thiết kế và thi công hệ thống chống sét phải tuân thủ đầy đủ quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật như QCVN 12:2014/BXD về hệ thống điện của nhà ở và nhà công cộng; tiêu chuẩn TCVN 9385:2012 về chống sét cho công trình xây dựng, TCVN 9888 (phần 1-4):2013 về bảo vệ chống sét và những tiêu chuẩn quốc tế liên quan.
Ngoài ra, hệ thống chống sét cần được kiểm tra, bảo trì và đo kiểm định kỳ để đảm bảo hoạt động hiệu quả, phát hiện sớm sự cố tiềm ẩn. Việc đo kiểm phải do đơn vị có chuyên môn thực hiện, với cán bộ kỹ thuật đúng chuyên ngành, tuân thủ nghiêm túc quy định tại khoản 1 Điều 148 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về lắp đặt, kiểm tra và bảo trì hệ thống chống sét, theo Điều 13 Nghị định số 106/2025/NĐ-CP ngày 15/5/2025 của Chính phủ.
Tiếp tục cập nhật quy chuẩn, tiêu chuẩn
Các tiêu chuẩn hiện hành về chống sét tại Việt Nam có đáp ứng được yêu cầu thực tế không, thưa ông?
Tiêu chuẩn TCVN 9385:2012 đã đưa ra hướng dẫn thiết kế, kiểm tra và bảo trì hệ thống chống sét cho công trình xây dựng. Mặc dù tiêu chuẩn này đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và kiến trúc đô thị hiện đại, đặc biệt là sự xuất hiện của những tòa nhà chọc trời và hệ thống điện - điện tử thông minh, việc rà soát, cập nhật, bổ sung tiêu chuẩn rất cần thiết.
Việc cập nhật này cần bao gồm công nghệ chống sét tiên tiến hơn, giải pháp chống sét lan truyền hiệu quả hơn, cùng những quy định cụ thể hơn dành cho những công trình đặc biệt.
Cũng liên quan nội dung trên, quy chuẩn kỹ thuật QCVN 12:2014/BXD về hệ thống điện trong nhà ở và nhà công cộng đang được Viện Khoa học công nghệ xây dựng tiến hành rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng.
Việc này nhằm đảm bảo sự đồng bộ và phù hợp thực tiễn thi công, vận hành công trình trong bối cảnh mới. Dự thảo sẽ được lấy ý kiến từ các bộ, ngành và địa phương trước khi trình Bộ Xây dựng ban hành trong thời gian tới.

Việc thiết kế, lắp đặt hệ thống chống sét cần được thực hiện bài bản và đúng quy định để tránh gây thiệt hại cho con người và công trình.
Cần có những biện pháp gì để nâng cao nhận thức, vai trò của người sử dụng công trình trong việc phòng ngừa rủi ro từ sét?
Ban quản lý tòa nhà cần kiểm tra, bảo trì hệ thống chống sét định kỳ, nhất là trước mùa mưa bão. Việc kiểm tra bao gồm kim thu sét, dây dẫn, tiếp địa và đo kiểm theo quy định. Khi phát hiện hư hỏng, phải sửa chữa, thay thế kịp thời và lưu trữ hồ sơ bảo trì để quản lý hiệu quả.
Cần treo biển cảnh báo tại khu vực công cộng, đồng thời hướng dẫn cư dân và nhân viên cách phòng tránh sét như không sử dụng thiết bị điện, tránh xa vật kim loại, dây điện, cửa sổ và nơi ẩm ướt; rút phích cắm thiết bị điện tử trước khi có cơn dông ập đến.
Xây dựng phương án ứng phó khi có sét đánh, bao gồm sơ tán, cứu hộ và khắc phục hậu quả. Tòa nhà cần trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tổ chức đào tạo nhân viên về kỹ năng ứng phó khẩn cấp. Cần chuẩn bị sẵn số điện thoại liên hệ cơ quan chức năng.
Ngoài ra, tuyên truyền cho cư dân qua hội thảo, tài liệu hướng dẫn, poster tại vị trí dễ thấy, kết hợp hệ thống truyền thanh hoặc ứng dụng điện thoại để cảnh báo thời tiết xấu. Việc sử dụng hình ảnh, video minh họa và tham quan thực tế sẽ giúp nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh rủi ro do sét.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận