Muốn chơi thể thao phải đi xa, trả phí
Dù sinh sống trong khu đô thị được quảng cáo là "chuẩn sống xanh", anh Trần Đức Minh (37 tuổi), cư dân khu đô thị tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) vẫn đều đặn chạy xe gần 3km mỗi sáng ra công viên Yên Sở để tập thể dục.

Khu vui chơi thể thao tại dự án Eurowindow River Park tại Đông Anh (Hà Nội).
"Khu nhà tôi quy hoạch đẹp thật, nhưng không có sân thể thao. Trước khi chuyển về đây, tôi nghĩ ít nhất cũng có sân cầu lông, bóng rổ hoặc bể bơi công cộng. Nhưng thực tế chỉ có vườn hoa và lối dạo bộ quanh khu", anh Minh chia sẻ.
Ở phía Tây Hà Nội, chị Nguyễn Thu Huyền (45 tuổi), sống tại khu đô thị thuộc phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cũng gặp tình cảnh tương tự. "Chồng tôi rất thích đá bóng vào cuối tuần nhưng phải lái xe sang Mỹ Đình hoặc Trung Văn để thuê sân, rất tốn thời gian và bất tiện", chị Huyền cho biết.
Theo chị, nhiều gia đình trẻ trong khu muốn con cái được vận động ngoài trời nhưng lại không có sân chơi phù hợp, buộc phải đưa con tới trung tâm thương mại hoặc khu vui chơi dịch vụ có thu phí.
Thực tế không như quảng cáo
Ghi nhận của PV tại một số khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội như: Linh Đàm, Tây Mỗ, Xuân Phương… cho thấy, dù hạ tầng nhà ở khang trang, quy hoạch cảnh quan đồng bộ nhưng lại thiếu trầm trọng các khu thể thao ngoài trời như sân bóng, sân cầu lông, bể bơi công cộng. Một số nơi có lối đi bộ, vườn hoa nhưng chỉ như "làm cảnh", không đáp ứng được nhu cầu vận động thực tế của cư dân.
Đáng chú ý, nhiều dự án từng quảng cáo có khu thể thao trong thiết kế ban đầu, nhưng khi đi vào vận hành thì những tiện ích này biến mất hoặc bị thay thế bằng bãi đỗ xe, sân tập lái. Thậm chí, có khu vực để trống nhiều năm mà không được đầu tư sử dụng đúng mục đích. Người dân vì thế buộc phải di chuyển đến công viên hoặc thuê sân ngoài với chi phí cao và mất thời gian, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sống hằng ngày.
Dù vậy, không phải tất cả các khu đô thị đều thiếu hụt tiện ích thể thao. Một số chủ đầu tư đã đi trước, tạo ra hệ sinh thái sống khỏe cho cư dân. Ông Nguyễn Tân Duy, Phó trưởng Ban quản lý dự án The Ori Garden (Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside, Đà Nẵng) cho biết: Dự án có tới 10.000m² đất dành riêng cho gần 20 tiện ích hiện đại, gồm khu thể thao ngoài trời, đường chạy bộ liên khu, bể bơi, vườn đa năng, thư viện, nhà trẻ… Nhờ đó, cư dân mọi độ tuổi đều có không gian vận động và thư giãn phù hợp.
Tương tự, đại diện Tập đoàn Eurowindow Holdings chia sẻ, các dự án do đơn vị triển khai như Eurowindow River Park (Đông Anh, Hà Nội) đã chú trọng đầu tư vào các khu thể thao và tiện ích công cộng. Mục tiêu là tạo ra không gian sống khỏe mạnh, nơi cư dân được rèn luyện thể chất và tái tạo tinh thần một cách đầy đủ nhất.
Cần tiêu chuẩn mới về tiện ích trong đô thị
Tìm hiểu của PV, không phải chủ đầu tư nào cũng dễ dàng dành đất cho thể thao, đặc biệt là tại các dự án trong nội đô. Quỹ đất hạn hẹp, chi phí đầu tư, vận hành cao và áp lực cân đối giá bán khiến nhiều đơn vị buộc phải ưu tiên diện tích cho căn hộ và hạ tầng thiết yếu khác.

Các khu đô thị cần dành quỹ đất để xây dựng khu thể thao cho người dân.
Bà Lê Thị Thúy Hà, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển đô thị, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho biết: Tình trạng nhiều khu đô thị thiếu sân chơi thể thao bắt nguồn từ tư duy quy hoạch ngắn hạn và áp lực kinh tế của các chủ đầu tư.
Theo quy chuẩn hiện hành, mỗi khu đô thị đều phải có tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh, thể dục thể thao nhất định, nhưng việc giám sát và thực thi chưa chặt chẽ.
Khi lập quy hoạch, đáng lẽ phải đặt sức khỏe cộng đồng và chất lượng sống lên hàng đầu. Nhưng hiện nay, có nơi vẫn chạy theo mục tiêu tối đa hóa diện tích sàn thương mại hoặc số lượng căn hộ, dẫn đến việc hy sinh đất dành cho tiện ích thể thao.
Không gian công cộng, nhất là khu vận động thể chất, chính là linh hồn của đô thị hiện đại. Nếu không có sân chơi, không có nơi vận động tự do, cư dân bị đẩy vào lối sống tĩnh tại, ít vận động, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thiếu gắn kết cộng đồng.
"Để giải quyết bài toán này, các cấp chính quyền cần siết chặt giám sát việc triển khai đúng quy hoạch, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư áp dụng mô hình thiết kế đô thị đồng sáng tạo, tức là lắng nghe người dân từ giai đoạn đầu để hiểu rõ nhu cầu thực tế", bà Hà chia sẻ.
Theo các chuyên gia, thể thao không chỉ là tiện ích, mà là nhu cầu sống thiết yếu. Trong xu hướng phát triển đô thị bền vững, các chủ đầu tư và đơn vị quản lý cần nhìn nhận lại vai trò của thể thao trong thiết kế quy hoạch, để không còn tình trạng "đẹp trên giấy, thiếu thực tế". Chỉ khi mỗi khu đô thị thực sự là một môi trường sống toàn diện, cư dân mới có thể tận hưởng đúng nghĩa một cuộc sống hiện đại, khỏe mạnh và văn minh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận