Theo Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, ngày 17/7, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan rà soát hệ thống công trình giao thông theo phân cấp, kịp thời phát hiện và cảnh báo các công trình có nguy cơ sạt lở, sụt lún. Đồng thời, hướng dẫn UBND cấp xã triển khai biện pháp ứng phó sự cố công trình giao thông do thiên tai, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.

Sạt lở lúc rạng sáng 13/7 làm 5 căn nhà dân ở phường Giá Rai (tỉnh Cà Mau) bị trôi sông, thiệt hại tài sản ước tính 410 triệu đồng (Ảnh: Thanh Cường).
Sở Nông nghiệp và Môi trường, cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh được giao hướng dẫn các địa phương rà soát, khoanh vùng khu vực sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; theo dõi diễn biến hiện trường để kịp thời ứng cứu, xử lý.
Ngoài ra, đơn vị này còn tổ chức khảo sát các điểm sạt lở trọng điểm, nghiên cứu lựa chọn giải pháp kỹ thuật phòng chống, phối hợp các ngành liên quan đề xuất báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai trên địa bàn diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại hơn 16 tỷ đồng. Đặc biệt, sạt lở và sụt lún đất xảy ra thường xuyên ven sông, ven biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống, tài sản người dân.
Qua thống kê, địa bàn tỉnh Bạc Liêu (cũ) xảy ra 4 đợt sạt lở ven sông với chiều dài 145m, làm hư hỏng 18 căn nhà. Địa bàn tỉnh Cà Mau (cũ) ghi nhận 46 vụ sạt lở đất ven sông, tổng chiều dài hơn 1.200m, thiệt hại 2 cống vuông tôm và 26 căn nhà.
Điển hình là vụ sạt lở nghiêm trọng rạng sáng 13/7 tại khóm 3, phường Giá Rai (trước đây là phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, nay thuộc tỉnh Cà Mau). Sạt lở xảy ra lúc 1h30 sáng khiến 5 căn nhà dân trôi xuống sông, tổng diện tích 179m², thiệt hại tài sản ước tính 410 triệu đồng. May mắn không có thiệt hại về người.

Sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã cho cắm biển cảnh báo khu vực đang xảy ra sạt lở.
Ông Trần Tam Trung, Chủ tịch UBND phường Giá Rai cho biết, địa phương đã chỉ đạo di dời toàn bộ tài sản khỏi khu vực sạt lở, cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng theo dõi diễn biến, khoanh vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân. Các điểm đã sạt lở được xử lý khẩn cấp, còn khu vực có nguy cơ cũng được cảnh báo để bà con chủ động phòng tránh.
Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân là mưa lớn kéo dài khiến nền đất thấm nước, mềm yếu, kết hợp triều cường dâng cao rồi rút nhanh, cuốn trôi đất nền và phần móng nhà. Ngoài ra, địa hình kênh sâu, nước chảy xiết đã tạo hàm ếch, dẫn đến sạt lở nghiêm trọng.
Sau các vụ sạt lở, chính quyền địa phương đã cho cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để người dân tránh đi lại. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường khảo sát, cảnh báo kịp thời các công trình giao thông có nguy cơ sạt lở, đồng thời đề xuất giải pháp kỹ thuật phòng chống phù hợp, nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Tỉnh cũng tiếp tục triển khai đồng bộ phương án ứng phó sạt lở, sụt lún đất theo cấp độ rủi ro thiên tai, nghiên cứu các công trình bảo vệ bờ, kết hợp công trình phòng chống thiên tai để ổn định đời sống dân sinh, hạn chế ảnh hưởng của thiên tai đến sản xuất, hạ tầng và môi trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận