Những người không có nghỉ lễ

Công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội trước giờ vào ca. Ảnh: CĐ.
16h chiều, trước cổng ngôi trường vắng lặng ngày nghỉ lễ trên con phố Phan Đình Phùng, bà Nguyễn Thị Liên – công nhân vệ sinh Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, bắt đầu ca làm việc bằng những nhát chổi tre hối hả.
Con phố hàng ngày được xếp vào top đầu những đường phố đẹp Hà Nội vì có hàng cây cổ thụ trải dài đang mùa thay lá. Mỗi ngày lượng lá rụng phủ dày như trải tấm thảm vàng, ấy là lúc các công nhân môi trường vất vả nhất.
Tiếp chuyện phóng viên Báo Xây dựng, bà Liên bình thản chia sẻ: 48 năm cần mẫn gắn bó với nghề quét rác, làm bạn với cây chổi tre.
Hai vợ chồng đều là công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội nên 48 năm qua, dù ngày lễ, dịp Tết của gia đình bà không khác gì những ngày thường, chỉ có điều: "Rác nhiều hơn, người dân tập trung ăn uống liên hoan xong là bỏ lại túi nilon, vỏ chai, hộp xốp đầy vỉa hè. Mình không dọn kịp là bừa bộn lắm, du khách sẽ đánh giá Hà Nội không đẹp".
Không phàn nàn, cũng chẳng than vãn, giọng bà nhẹ tênh: "Nhà tôi có 2 cậu con trai lớn. Cả tuổi thơ không có ký ức được bố mẹ đưa đi chơi đâu! 30 Tết hay mùng 1 bố mẹ vẫn thay phiên nhau đi làm.
Hồi nhỏ, kỳ nghỉ lễ niềm vui của lũ trẻ là được theo bố mẹ đi làm. Mẹ quét rác dưới lòng đường, con tha thẩn bắn bi trên vỉa hè. Giản dị thế thôi!".
Bên cạnh những ngành nghề đặc thù không được nghỉ lễ còn có những người công tác ở các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Kỳ nghỉ lễ là những ngày không được nghỉ, thậm chí còn bận rộn hơn.
Tại ga Cát Linh, trong ngày 30/4, những chuyến tàu điện vẫn đều đặn lăn bánh. Lượng khách đổ về đông gấp nhiều lần ngày thường. Ngay từ sảnh đón, chị Lưu Thị Ng - nhân viên hỗ trợ tại nhà ga - tất bật hướng dẫn từng nhóm du khách.
"Lễ là thời điểm cao điểm nhất trong năm. Có người từ tỉnh về Hà Nội chơi lần đầu đi tàu, bỡ ngỡ đủ thứ. Chúng tôi hoạt động xuyên trưa, chỉ uống cốc nước cầm hơi để làm việc cho bảo đảm tiến độ".
Chị Ng cho biết, toàn bộ nhân sự của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đều trực 100% trong 5 ngày nghỉ. Người điều độ, người kỹ thuật, người bán vé - không ai vắng mặt. "Chỉ mong mỗi chuyến đi đều suôn sẻ, không sự cố", chị nói.
Cùng lúc đó, ở bến xe buýt Mỹ Đình, anh Trần Văn H - điều hành tuyến buýt 32 - đang chăm chú theo dõi lộ trình xe qua màn hình định vị.
"Ngày lễ xe đông, tuyến dễ trễ giờ. Mình phải nhắc tài xế giữ tốc độ, đồng thời điều chỉnh linh hoạt để không ảnh hưởng đến các chuyến sau.
Vừa điều hành vừa tiếp nhận phản ánh hàng chục cuộc gọi từ tổng đài, hành khách phản ánh trễ xe hoặc chen lấn. Không áp lực sao được. Nhưng mình nghỉ thì cả tuyến loạn", anh H chia sẻ.
Trong khối dịch vụ, nhân viên khách sạn là một trong những lực lượng vất vả nhất dịp lễ. Tại một khách sạn 3 sao ở quận Hoàn Kiếm, chị Phạm Thị Hằng - nhân viên buồng phòng - vừa dọn dẹp phòng vừa nói nhỏ: "Ngày thường dọn 10 phòng, lễ phải dọn 20.
Các phòng luôn trong tình trạng full khách nên chúng tôi phải có kế hoạch phục vụ tốt nhất vì chỉ cần sơ suất nhỏ, khách đánh giá sao thấp là uy tín của khách sạn trên hệ thống sụt giảm. Điều đó rất ảnh hưởng đến doanh thu, tỷ lệ book phòng từ các kênh điện tử".

CSGT điều tiết giao thông tại nút giao Hùng Vương - Lê Hồng Phong bảo đảm an toàn phục vụ nhân dân viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh dịp 30/4 - 1/5. Ảnh: CA.
Quên nghỉ để giữ nhịp sống thành phố
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 là thời điểm cao điểm về giao thông khi nhu cầu di chuyển, tham quan, vui chơi của người dân tăng mạnh. Với các chiến sĩ công an Hà Nội thì những ngày lễ chính là cao điểm triển khai các biện pháp trật tự an toàn đô thị nội đô.
Đại úy Phạm Hữu Thọ, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát trật tự cho biết, 100% đơn vị sẽ trực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ xe không phép, thu phí quá quy định hoặc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
"Có rất nhiều các hành vi vi phạm trật tự đô thị cần kiểm tra và xử lý nghiêm, nhất là tình trạng trông giữ xe trái phép, không dùng tiền mặt, nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vui chơi của người dân trong dịp nghỉ lễ", đại úy Thọ nhấn mạnh.
Trong khi đó, lực lượng CSGT được tăng cường tối đa tại các tuyến quốc lộ, đường vành đai, các cửa ngõ Thủ đô cũng như tại bến xe, nhà ga và các điểm du lịch trọng điểm.
Trung tá Trần Tú Anh - Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 14 cho biết, thời điểm này các tổ công tác tập trung kiểm tra toàn diện điều kiện an toàn của xe khách trước khi xuất bến và trong suốt hành trình. Nội dung kiểm tra bao gồm giấy phép kinh doanh vận tải, điều kiện kỹ thuật phương tiện, phù hiệu xe, danh sách hành khách và thiết bị giám sát hành trình.
Đặc biệt, việc kiểm tra nồng độ cồn, test nhanh ma túy đối với tài xế xe khách được thực hiện nghiêm ngặt nhằm loại bỏ nguy cơ gây tai nạn do người điều khiển phương tiện thiếu tỉnh táo hoặc vi phạm quy định về chất kích thích.
Ngoài ra, tình trạng xe dù, bến cóc hoạt động trái phép tại khu vực quanh bến xe, bệnh viện, khu dân cư cũng được giám sát chặt chẽ. Những phương tiện dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định sẽ bị xử lý nghiêm nhằm lập lại trật tự hoạt động vận tải hành khách công cộng.
Tại khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 30/4 lượng người dân và khách quốc tế về viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình tăng cao. Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 2 tổ chức phân luồng từ xa, hướng dẫn phương tiện lưu thông theo đúng phương án, không để xảy ra ùn tắc cục bộ.
Trung tá Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 2 cho biết, "quá trình thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tình hỗ trợ người dân, vì nhân dân phục vụ".
Tại khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức - bệnh viện tuyến đầu về chấn thương do tai nạn, ghi nhận ngày 30/4, không khí làm việc vô cùng khẩn trương. Toàn bộ khu vực tầng hầm trở thành nơi tiếp nhận cấp cứu ban đầu, hối hả và náo nhiệt.
Không khí ở đây khiến phóng viên liên tưởng đến bệnh viện dã chiến thời chiến tranh, phải giành giật từng giây phút chiến đấu với tử thần để giữ quyền hy vọng và cơ hội sống cho những bệnh nhân nặng.
Theo quan sát của phóng viên cuối ngày nghỉ đầu tiên, phòng cấp cứu có khoảng 7- 8 bệnh nhân đang trong tình trạng theo dõi, sơ cứu, làm thủ tục tiếp nhận.

Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đang chăm sóc tích cực cho một bệnh nhân chấn thương tim nghiêm trọng nhập viện ngày 26/4. Ảnh: Phòng CTXH - BV VĐ.
Khá đông y tá, bác sĩ và nhân viên y tế đang túc trực tại đây với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc. Bên hành lang khoa khám bệnh, chị Phương 32 tuổi đến từ Thái Nguyên chia sẻ: "Bố tôi phẫu thuật tại bệnh viện cách đây một tháng và đã xuất viện. Tuy nhiên mấy hôm nay vết mổ cũ rỉ nước có dấu hiệu không ổn nên dù là đang nghỉ lễ chúng tôi vẫn đưa bố về Việt Đức khám lại.
Rất may, dù là ngày nghỉ nhưng các y bác sĩ vẫn làm việc bình thường nên thủ tục khám nhanh gọn, kết quả không có gì nghiêm trọng, gia đình có thể đưa bố về luôn. Ở đây tôi thấy bác sĩ giỏi chuyên môn và tận tâm lắm, kể cả các y bác sĩ trẻ, tôi không có điều gì phải phàn nàn".
Bác sĩ trực Nguyễn Trọng H cho biết: Với nghề bác sĩ không có khái niệm ngày và đêm huống hồ là nghỉ lễ, Tết. Các dịp nghỉ lễ dài người dân hay có tâm lý xả hơi, có phần chủ quan nên dễ xảy ra tai nạn, ngộ độc rượu và đột quỵ...
Tất cả đều có nguy cơ tăng lên, nên thường ngày lễ với các y bác sỹ trực là rất căng thẳng. "Bệnh nhân không thể chọn ngày để ốm nên nghề bác sĩ làm gì có ngày nghỉ lễ", bác sĩ H cười hóm hỉnh.
Công bằng nào cho người không có nghỉ lễ?
Theo Hiến pháp năm 2013: "Người lao động được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; có chế độ nghỉ ngơi". Bộ luật Lao động được sửa đổi, bổ sung qua các thời kỳ cũng cụ thể hóa quyền này bằng quy định về ngày nghỉ lễ, nghỉ phép, chế độ làm thêm giờ.
Nghỉ lễ, vì vậy, không phải là đặc ân hay "ưu đãi" của ai đó dành cho người lao động, mà là một quyền cơ bản, gắn với phẩm giá con người. Khi người dân được nghỉ ngơi đúng nghĩa, xã hội cũng tái tạo được nguồn lực để phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để nhiều người có thể nghỉ, tận hưởng, thảnh thơi… thì đâu đó, vẫn có những người không nghỉ. Không phải họ không muốn, mà bởi công việc họ gắn với sự vận hành của cả một guồng máy - từ y tế, vệ sinh môi trường, giao thông, cho đến an ninh, dịch vụ... giữ sự vận hành ổn định và an toàn.
Vì thế, sự ghi nhận không nên chỉ dừng lại ở mức khen thưởng hay động viên tinh thần, mà cần được thể hiện bằng chế độ đãi ngộ tương xứng, phân phối sức lao động công bằng, cùng các chính sách dài hơi bảo vệ sức khỏe và đời sống cho nhóm lao động đặc thù này.
Đó không chỉ là sự công bằng mà còn là nền tảng cho một xã hội nhân văn và bền vững.
Chính sách khuyến khích người lao động nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần ngày càng trở thành tiêu chí đánh giá môi trường làm việc nhân văn.
Tại Hà Nội, năm 2024 Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã thí điểm tổ chức kỳ nghỉ dưỡng sức cho đoàn viên, người lao động bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, suy giảm khả năng lao động. Đã có khoảng 1.000 lao động được hưởng chương trình này.
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ Người lao động Công đoàn Hà Nội cho biết, hoạt động này nhằm chia sẻ, bù đắp những mất mát, thiệt hại về sức khỏe của người lao động, giúp họ tái tạo sức khỏe để tiếp tục tham gia lao động, sản xuất. Tuy nhiên, chương trình này chưa được nhân rộng thành hoạt động thường niên của các tổ chức công đoàn.
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2025, công chức, viên chức được được nghỉ liên tiếp 5 ngày, từ thứ tư (ngày 30/4) đến hết chủ nhật (ngày 4/5), làm bù vào thứ bảy, ngày 26/4. Như vậy, số ngày nghỉ lễ của đợt nghỉ lễ lần này là 2 ngày, 3 ngày còn lại được tính là ngày nghỉ hàng tuần. Nếu đi làm trong các ngày lễ, hệ số làm thêm giờ có thể được hưởng là 300% còn nếu làm trong các ngày nghỉ, hệ số được tính là 200%.
Đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, Bộ này khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ lễ cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức.
Trường hợp người sử dụng lao động không áp dụng thời gian nghỉ lễ theo lịch nghỉ của cán bộ, công chức, viên chức thì người lao động sẽ được nghỉ 2 ngày. Người sử dụng lao động cần đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật; khuyến khích những thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận