Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Du lịch

Lạng Sơn làm gì sau khi được công nhận Công viên địa chất toàn cầu?

Lạng Sơn làm gì sau khi được công nhận Công viên địa chất toàn cầu?

30/06/2025, 22:57

Lạng Sơn vừa được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, ghi dấu ấn quan trọng trên bản đồ di sản địa chất quốc tế. Tỉnh Lạng Sơn cần làm gì để phát huy tối đa lợi thế sau khi được vinh danh?

Những giá trị đặc biệt

Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Lạng Sơn mang chủ đề: "Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng" - một thông điệp vừa gợi cảm xúc, vừa khẳng định chiều sâu giá trị địa chất và văn hóa nơi đây.

Lạng Sơn làm gì sau khi được công nhận Công viên địa chất toàn cầu?- Ảnh 1.

Trũng Na Dương thuộc Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn hình thành đây khoảng 40 triệu năm. Ảnh: Nam Thành

Với diện tích hơn 4.800km2, CVĐC Lạng Sơn hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành một "bảo tàng sống" của thiên nhiên và lịch sử nhân loại.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, khu vực này chứa đựng các hệ tầng địa chất hình thành cách đây trên 500 triệu năm, với hơn 180 di sản địa chất đã được xác định - con số cao nhất trong số các CVĐC toàn cầu tại Việt Nam.

Trong số đó có những di chỉ đặc biệt như Trũng Na Dương (Lộc Bình), nơi lưu giữ hệ động vật khổng lồ thời kỳ cách ngày nay 20 - 30 triệu năm, hay các đá trầm tích biển kèm hóa thạch từ thời kỳ Permi - Trias, khoảng 250 triệu năm trước.

Không chỉ dừng lại ở yếu tố địa chất, Lạng Sơn còn nổi bật với hệ thống hang động kỳ vĩ, những dãy núi đá vôi Karst độc đáo, cùng hệ sinh thái phong phú và nền văn hóa đặc sắc của 7 dân tộc chính sinh sống trên địa bàn.

Các giá trị phi vật thể như tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, thực hành Then đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hơn 200 lễ hội truyền thống, trong đó có lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ và lễ hội Ná Nhèm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Để đạt được danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO, Lạng Sơn đã trải qua quá trình chuẩn bị hồ sơ kéo dài nhiều năm, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, nhà khoa học, cộng đồng dân cư và chuyên gia quốc tế.

Từ năm 2019, tỉnh đã bắt đầu khảo sát, lập hồ sơ, mời các chuyên gia trong và ngoài nước đến thẩm định thực địa, tổ chức hội thảo khoa học, thực hiện các chương trình truyền thông, đào tạo lực lượng hướng dẫn viên bản địa…

Quá trình hoàn thiện hồ sơ đã có sự đồng hành tích cực của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội cùng mạng lưới chuyên gia của UNESCO.

Nhiều điểm khảo sát mang tính then chốt như hồ đầm Na Dương (Lộc Bình), hệ thống núi đá vôi Bắc Sơn, hang động Hữu Lũng hay các di chỉ khảo cổ tại Văn Quan… với những điểm đặc biệt đã làm nên bản sắc riêng của CVĐC toàn cầu Lạng Sơn so với các CVĐC khác trên thế giới và Việt Nam.

Năm 2023, đoàn chuyên gia của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã đến thẩm định thực địa tại hơn 35 điểm di sản. Đến đầu năm 2025, hồ sơ chính thức được thông qua với đánh giá rất cao về tính toàn diện, sự đa dạng, và tính kết nối giữa di sản địa chất với cộng đồng địa phương và phát triển du lịch bền vững.

Gợi mở nhiều cơ hội

PGS. TS Tiến sĩ Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhận định: Công viên địa chất Lạng Sơn có hình thái địa chất Karst đặc biệt, khác biệt với các tháp đá cổ ở Cao Bằng hay Hà Giang.

Đây là một không gian địa chất trẻ hơn, sống động hơn, rất phù hợp để phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm, giáo dục địa chất và du lịch mạo hiểm.

Lạng Sơn làm gì sau khi được công nhận Công viên địa chất toàn cầu?- Ảnh 2.

Ngày 28/6, đại diện UNESCO đã trao danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho tỉnh Lạng Sơn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Mạnh, Giám đốc Công ty Việt Nam Expeditions cho biết: Qua quá trình khảo sát gần 2 năm tại các hang động trong vùng CVĐC Lạng Sơn cho thấy tiềm năng phát triển du lịch địa chất nơi đây không thua kém gì hệ thống hang động tại tỉnh Quảng Bình. Điều cần thiết lúc này là có cơ chế thu hút đầu tư và phối hợp giữa các bên để hình thành sản phẩm du lịch chất lượng cao.

Đại diện Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội cũng đã đề xuất xây dựng tuyến thực hành du lịch địa chất cho sinh viên chuyên ngành, biến Lạng Sơn thành "phòng thí nghiệm ngoài trời" cho thế hệ trẻ tiếp cận khoa học địa chất một cách sinh động và thực tiễn.

Ngay sau khi được công nhận là CVĐC toàn cầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 223-NQ/TU ngày 30/5/2025 về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên địa chất giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035.

Nghị quyết nêu rõ mục tiêu phát triển mô hình CVĐC trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, trung tâm nghiên cứu khoa học và điểm đến du lịch bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng.

Ông Hoàng Xuân Thuận, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung chú trọng phát triển hạ tầng, kết nối tuyến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực địa phương và xây dựng hệ sinh thái du lịch đa tầng. Mục tiêu là tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, gắn kết với di sản địa chất và văn hóa".

Hiện nay, Lạng Sơn đang tập trung đầu tư xây dựng trung tâm thông tin, trung tâm phức hợp phục vụ nghiên cứu và du lịch, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến du lịch với bản đồ du lịch thông minh, mô hình 3D cổ vật, hệ thống biển chỉ dẫn đặc trưng cho từng điểm di sản.

Các tuyến liên kết du lịch với Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn - những địa phương cũng sở hữu CVĐC toàn cầu đang được xây dựng, mở ra tiềm năng hình thành "hành lang di sản địa chất" độc đáo tại miền Bắc.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, tất cả cán bộ, công chức, viên chức và 80% người dân được tuyên truyền về giá trị công viên địa chất; đồng thời đưa nội dung giáo dục di sản địa chất vào chương trình học của 80% trường học trên địa bàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.