Ngày 17/7, họa sĩ Lê Thiết Cương - gương mặt nổi bật của hội họa đương đại Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội, sau thời gian chống chọi với bạo bệnh.
Theo thông tin từ gia đình, tang lễ của họa sĩ sẽ diễn ra vào 9h30 đến 11h sáng 21/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
Lễ truy điệu vào di quan từ 11h đến 11h30 cùng ngày. Họa sĩ Lê Thiết Cương sẽ được an táng tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn - Hòa Bình).

Họa sĩ Lê Thiết Cương rời cõi tạm lúc 18h55 ngày 17/7, hưởng thọ 64 tuổi.
Họa sĩ Lê Thiết Cương ra đi để lại sự bàng hoàng, tiếc thương sâu sắc trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật.
Chia sẻ với Báo Xây dựng, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, họa sĩ Lê Thiết Cương là thế hệ thứ 2 của hội họa đổi mới.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, trong nền mỹ thuật đương đại Việt Nam và các hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài, dấu ấn của họa sĩ Lê Chí Cương rất đậm nét. Ông đạt được những thành công mà không phải ai thuộc thế hệ 6X cũng có được.
"Dấu ấn đầu tiên của Lê Thiết Cương là triển lãm "Đồng dao" vào năm 1991. Ông hoạt động nghệ thuật liên tục từ đó đến nay.
Có thể vì nghiên cứu nhiều về các sách Phật giáo, Kinh dịch nên Lê Thiết Cương đã lựa chọn con đường tối giản trong hội họa. Cực kỳ kiệm lời. Chỉ nét và màng màu thôi.
Quan điểm nghệ thuật của ông từ tiếng đồng dao mang tính thây thơ, hồn nhiên đến hội họa tối giản, quan điệp nghệ thuật của Lê Thiết Cương hết sức độc đáo, không giống ai.
Lê Thiết Cương, Quách Đông Phương và Đào Hải Phong là bộ 3 họa sĩ có tác phẩm dày đặc trên thị trường, được nhiều người sưu tập", họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, không chỉ phát triển sự nghiệp cá nhân, Lê Thiết Cương rất năng động khi thực hiện các triển lãm nhóm cùng đồng nghiệp ở trong và ngoài nước.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, không phải ai cũng được trời cho nhiều tài năng như Lê Thiết Cương.
Ngoài hội họa, ông còn đóng góp trong việc sáng tác, viết lý luận phê bình... Đặc biệt, Lê Thiết Cương còn có một nẻo khác là điêu khắc, làm gốm đương đại.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá Lê Thiết Cương là người đa tài và có tư duy nghệ thuật uyên thâm.
"Trong đời sống nghệ thuật đương đại, không phải lúc nào cũng xuất hiện người như họa sĩ Lê Thiết Cương. Cũng không phải ai có thể gánh trên vai mình tất cả những khả năng ấy. Nhưng có như vậy mới là Lê Thiết Cương", Lương Xuân Đoàn bộc bạch.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Ông tiếp lời: "Đặc biệt, với các bạn trẻ, những người bắt đầu khởi nghiệp, đang hoang mang chưa biết lựa chọn cái con đường nào trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật tự do, Lê Thiết Cương chủ động vào cuộc tạo những triển lãm phi lợi nhuận cho họ.
Lê Thiết Cương là một nghệ sĩ tự do, mặc dù ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam nhưng ông không bấu víu vào đâu mà tự đi lộ trình riêng của mình.
Lê Thiết Cương ra đi mãi mãi là sự mất mát, để lại khoảng trống với nghệ thuật Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh đang có cái sự thay đổi nhanh, tiếp tục qua một thời kỳ đổi mới lần thứ hai thì lại trống vắng cái hình ảnh của họa sĩ Lê Thiết Cương", ông Lương Xuân Đoàn giãi bày.
Trong nghệ thuật, Lê Thiết Cương nổi tiếng bởi sự khó tính. Trong cảm nhận của Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Lê Thiết Cương là người có tính cách mạnh, thẳng nhưng ẩn chứa sâu trong đó là trái tim rành, sạch.
"Tinh tường cho nghệ thuật và sạch cho đồng nghiệp. Lê Thiết Cương đã làm được. Ông đã đã sống như thế, sống để vẽ và vẽ để sống", họa sĩ Lương Xuân Đoàn tâm sự.

Họa sĩ Lê Thiết Cương.
Lê Thiết Cương đã ra đi trong sự yêu thương, quý trọng của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, khép lại cuộc đời đầy rực rỡ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, dù đoạn đường đời chưa dài, họa sĩ Lê Thiết Cương đã đi trọn vẹn quãng đường ấy: Sống đúng với con người mình ở nhiều nghĩa và không sợ hãi.
"Cuối cùng Cương đã được về nhà, nơi anh đã sống những tháng năm đẹp nhất, sáng tạo nhất, hạnh phúc nhất, nơi những người bạn chân thành nhất đã bên anh.
Cho dù đoạn đường đời Cương đi chưa phải dài, anh đã đi một cách trọn vẹn, sống đúng con người Cương ở nhiều nghĩa. Khi nhìn Cương, tôi biết thời gian của anh không còn nhiều nữa. Trong đôi mắt Cương nhìn bạn bè, tôi nhận ra ánh sáng của sự sống đang dần tắt nhưng tôi không nhìn thấy bất cứ một tia sợ hãi nào trong đó", Nguyễn Quang Thiều viết.
Họa sĩ Lê Thiết Cương sinh năm 1962. Ông là con nhà biên kịch, nhà thơ Lê Nguyên và quay phim Đỗ Phương Thảo.
Ông theo học tại trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội từ năm 1985-1990. Ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của hội họa Việt Nam sau giai đoạn Đổi mới.
Trong hơn 30 năm gắn bó với hội họa, ông đã tổ chức 26 triển lãm cá nhân trong nước và nước ngoài từ năm 1991 cùng nhiều triển lãm nhóm.
Tác phẩm của ông hiện thuộc bộ sưu tập của nhiều tổ chức lớn như: Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (SAM), Bảo tàng Royal de Mariemont (Vương quốc Bỉ), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam...
Bên cạnh hội họa, ông còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như nhiếp ảnh, điêu khắc, kiến trúc, thiết kế và viết văn. Các bài viết của ông sắc sảo, mang phong cách tối giản đặc trưng.
Sau 2 cuốn sách "Thấy" ( năm 2017) và "Người và nhà" (năm 2024), đầu tháng 6 năm nay, ông ra mắt tiếp cuốn "Trò chuyện với hội họa", ghi lại những suy tư về nghệ thuật suốt hành trình sáng tác.
Trong các năm 2003-2004 và 2005-2006, ông được trao giải thưởng Good Design Award (Nhật Bản) ghi nhận những đóng góp nổi bật trong thiết kế sáng tạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận