Công điện khẩn của Thủ tướng lưu ý thủy điện Bản Vẽ
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 22/7 của Thủ tướng Chính phủ gửi Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Quốc phòng, Công an về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa lũ trên lưu vực sông Cả.

Lưu lượng dòng chảy lũ về hồ thủy điện Bản Vẽ ở mức rất lớn, nguy cơ rất cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các sườn dốc, ven sông suối, ngập lụt sâu tại các khu vực thấp trũng (Ảnh minh họa).
Công điện nêu: Theo thông tin từ Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa rất lớn tại vùng núi phía tây của tỉnh Nghệ An với lượng mưa phổ biến từ 120 - 200mm, nhiều nơi trên 300mm (trong 24 giờ qua), đồng thời mưa lớn đã và sẽ tiếp tục xảy ra trên thượng nguồn sông Cả thuộc lãnh thổ Lào.
Lưu lượng dòng chảy lũ về hồ thủy điện Bản Vẽ ở mức rất cao (lưu lượng lũ đến hồ lúc 22h45 ngày 22/7 là 10.044m3/s, vượt lưu lượng lũ thiết kế 7.770m3/s), mực nước thượng lưu hồ đang tăng rất nhanh, có nguy cơ vượt mực nước dâng bình thường vào sáng nay 23/7; nguy cơ rất cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các sườn dốc, ven sông suối, ngập lụt sâu tại các khu vực thấp trũng.

Đoạn quốc lộ 7 qua Trung tâm xã Mường Xén vẫn đang ngập sâu. Theo người dân địa phương, nước lũ đã bắt đầu rút từ sáng nay nhưng vẫn khá chậm.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp cần thiết để ứng phó mưa lũ trên địa bàn, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, an toàn công trình đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhất là đập thủy điện Bản Vẽ.
Cùng với đó, tỉnh Nghệ An chủ động xây dựng các phương án bảo đảm an toàn dân cư để sẵn sàng triển khai khi xảy ra những tình huống xấu nhất, không để bị động bất ngờ.
Thủ tướng đồng thời yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Công thương tổ chức theo dõi sát diễn biến tình hình mưa lũ, chủ động phối hợp với địa phương chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.
Các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo Quân khu IV và các lực lượng đóng trên địa bàn chủ động phối hợp với địa phương triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị tại các khu vực trọng điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố công trình, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu để sẵn sàng hỗ trợ địa phương và nhân dân ứng phó mưa lũ, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

Lực lượng chức năng thu dọn đá sạt lở trên đường và cắm rào cảnh báo nơi đường bị sạt lở ở Nghệ An (Ảnh: Hồng Quang).
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức theo dõi, giám sát, dự báo tình hình mưa lũ, chủ động phối hợp với các quốc gia, đối tác quốc tế để thu thập bổ sung số liệu, nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo mưa, dòng chảy về lưu vực sông Cả phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó mưa lũ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông chính.
Nghệ An: Sơ tán khẩn cấp 140 bệnh nhân bằng thuyền đến nơi an toàn
Sáng 23/7, ông Vy Xuân Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế Tương Dương cho biết, dự báo được tình hình nước lũ sẽ dâng cao, từ tối 22/7, Trung tâm Y tế Tương Dương cùng người nhà bệnh nhân đã chủ động di chuyển toàn bộ bệnh nhân, máy móc và thiết bị y tế lên tầng 2.
Đến sáng 23/7, Trung tâm tiếp tục huy động 2 chiếc thuyền của người dân để sơ tán bệnh nhân đến nơi an toàn. Điểm sơ tán được lựa chọn là điểm trường Khe Chi, thuộc trường Mầm non Thạch Giám (xã Tương Dương).


Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Tương Dương được di dời bằng thuyền (Ảnh: CSCC).
Trước đó, từ khoảng 3h sáng 23/7, nước bắt đầu tràn vào khuôn viên trung tâm. Đến 5h sáng, gần như toàn bộ tầng 1 đã bị ngập, khiến 13 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế cùng 140 bệnh nhân và người nhà bị cô lập hoàn toàn.
Nhận thấy tình huống khẩn nguy, đội ngũ cán bộ, nhân viên của trung tâm đã liên lạc với chính quyền và nhân dân trong khu vực, tiến hành sơ tán bệnh nhân. Nhờ đó, đảm bảo an toàn cho 100% đội ngũ cán bộ nhân viên và các bệnh nhân.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế Tương Dương cùng người nhà bệnh nhân di chuyển máy móc và thiết bị y tế tại khu vực kho thuốc bị ngập (Ảnh: CSCC).
"Hiện, có 2 ô tô của đơn vị đang bị ngập hoàn toàn, kho thuốc chính cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nước đang rút dần, đơn vị chưa thể thống kê hết những thiệt hại do lũ lụt gây ra. Dự kiến, công tác khám chữa bệnh tại trung tâm sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trong thời gian tới", ông Chiến cho biết thêm.
Quảng Ngãi: Lốc xoáy làm tốc mái trường học cùng hàng chục ngôi nhà
Trận lốc xoáy bất ngờ cuốn phăng mái hàng chục ngôi nhà ở xã miền núi Quảng Ngãi. Chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục đảm bảo nơi ở cho người dân.
Ngày 23/7, Chủ tịch UBND xã Măng Ry (tỉnh Quảng Ngãi) Phạm Xuân Quang cho biết, địa phương đang chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ người dân lợp lại mái nhà, khắc phục hậu quả do lốc xoáy gây ra do ảnh hưởng của bão số 3.

Một căn nhà của người dân ở xã Măng Ry bị lốc xoáy cuốn phăng mái.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, trận lốc xoáy xảy ra làm tốc mái, hư hỏng 22 ngôi nhà của người dân địa phương và 1 trường học bị tốc mái. Một đoạn tường rào hội trường trụ sở HĐND xã bị sập.
Ông Quang cho biết, sau sự cố xảy ra, địa phương đã chỉ đạo các hội đoàn thể, lực lượng chức năng tiếp cận các trường hợp có nhà hư hỏng để hỗ trợ lợp lại mái nhà, đảm bảo nơi ở cho nhân dân nhằm ổn định cuộc sống.
Trong khi đó, tại xã Đăk Sao, mưa bão cũng làm tốc mái 5 căn nhà, nhiều diện tích cây trồng bị ngã đổ, hư hại. Ngoài ra, nhiều địa phương khác cũng có nhà dân bị hư hỏng do ảnh hưởng của bão số 3 như xã Đăk Tơ Tan, Đăk Plô.
Trước ảnh hưởng của bão số 3, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có mưa lớn gây ra sạt lở đất, núi, địa phương đã chỉ đạo các xã khẩn trương kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy có sạt lở cao để có giải pháp kịp thời, nhất là di dời người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi ở an toàn.
Hải Phòng: Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ sau bão
Thành ủy Hải Phòng vừa có công văn yêu cầu các địa phương khẩn trương chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 3.
Cụ thể, trong những ngày qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ban, ngành địa phương, quân và nhân dân Hải Phòng đã tập trung quyết liệt, sát sao chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3 (Wipha).

Lực lượng chức năng nhanh chóng cắt tỉa, xử lý cây gãy đổ do ảnh hưởng của bão số 3.
Theo báo cáo ban đầu của các địa phương, đơn vị, trên địa bàn chưa có thiệt hại về người và cơ bản không gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân và doanh nghiệp do bão.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa và triều cường dâng cao nên đã xảy ra ngập lụt cục bộ và nguy cơ sạt lở đất ở một số nơi.
Thực hiện Công văn số 16188-CV/VPTW, ngày 22/7/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo chỉ đạo của Ban Bí thư về việc ứng phó với cơn bão số 3 (Wipha), Thường trực Thành ủy yêu cầu Đảng ủy UBND thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ sau bão; chủ động xử lý các tình huống phát sinh, không để bị động, bất ngờ.
Các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão, đảm bảo nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Đảng ủy UBND thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy trước 14h hằng ngày về tình hình thiệt hại và tiến độ khắc phục.

Do ảnh hưởng bão số 3 kết hợp triều cường dâng cao nên đã xảy ra ngập lụt ở trung tâm TP Hải Phòng.
Các Đảng ủy cơ sở rà soát, kiểm tra thường xuyên các khu vực đê điều xung yếu, có nguy cơ sạt lở hoặc ngập úng. Đồng thời, kịp thời sơ tán người dân và tài sản đến nơi an toàn, xử lý sự cố theo phương châm "4 tại chỗ"; chủ động phối hợp với lực lượng chức năng và người dân trong công tác khắc phục và phòng ngừa.
Lũ cuồn cuộn về sáng 23/7
Trong đêm 22/7 rạng sáng 23/7, ông Lê Hồng Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã phát thông báo khẩn cấp gửi các địa phương dọc sông Cả, vùng hạ du thủy điện Bản Vẽ, gồm: Tương Dương, Tam Thái, Lượng Minh, Tam Quang, Con Cuông, Cam Phục, Châu Khê, Mậu Thạch, Anh Sơn, Yên Xuân, Nhân Hòa, Anh Sơn Đông, Vĩnh Tường, Thành Bình Thọ. Yêu cầu khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn.
Video ngập nhìn từ trên đồi đoạn qua trung tâm xã Mường Xén, Nghệ An (Nguồn: Nguyễn Dũng Quân)
Theo thông báo, vào lúc 21h ngày 22/7, lưu lượng về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543m3/s, gần đạt lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500m3/s (tần suất 0,02%). Hồ đang tiến hành cắt, giảm lũ với lưu lượng xả xuống hạ du là 1.727m3/s và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Ngay trong đêm 23/7, toàn bộ các khu dân cư nằm gần sông Cả (thượng nguồn sông Lam) nước đã dâng lên chóng mặt. Tại trung tâm xã Mường Xén, anh Nguyễn Văn Lộc cho biết: Chưa bao giờ nước dâng nhanh như vậy, nhiều nhà nước ngập nửa tầng 1. Nước chảy xiết cuốn trôi toàn bộ tài sản. Người dân gọi nhau ra vớt tài sản, di dời lên chỗ cao hơn. Đến 7h sáng, khu vực này vẫn bị cô lập do nước ngập. Nước đã bắt đầu rút nhưng rút khá chậm.
Tại khu vực chợ Hoà Bình, xã Tương Dương, nước cũng ngập sâu từ 1 - 2m. Lực lượng chức năng phải dùng xuồng để đi hỗ trợ người dân. Chị Hồng (một tiểu thương) ở đây cho biết: Nước lên nhanh, mọi người gần như chỉ kịp di dời các đồ đạc có giá trị. Còn lại hàng hóa hầu như bị nhấn chìm trong nước.
Vận động người dân chạy lũ trong đêm
Đêm 22/7, nước sông Lam dâng cao có nguy cơ khiến cho xóm Ma Nhai khối 4 xã Con Cuông (Nghệ An) bị cô lập. Xã Con Cuông đã cử lực lượng vận động hỗ trợ di dời 10 hộ dân với hơn 40 khẩu tránh trú tại Vườn quốc gia Pu Mát đảm bảo an toàn cho người dân.

Khu vực chợ Hoà Bình xã Tương Dương nước ngập sâu trên 2m.
Sau khi đổ bộ vào đất liền, dù bão số 3 nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng hoàn lưu sau bão tiếp tục gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại khu vực miền núi tỉnh Nghệ An. Trong vòng 24 giờ qua, lượng mưa tại nhiều điểm vượt ngưỡng 200mm, khiến các con suối, khe ở vùng núi dâng cao đột ngột.
Đáng lo ngại hơn, các hồ thủy điện trên thượng nguồn như Bản Vẽ, Khe Bố, Hủa Na... đồng loạt xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập, càng khiến tình hình thêm phức tạp. Hàng loạt xã thuộc các huyện cũ như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông… bị chia cắt. Nhiều bản làng bị cô lập hoàn toàn do nước lũ dâng quá nhanh, nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị tê liệt.
Huyện Kỳ Sơn - một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất - ghi nhận hàng chục nhà dân bị ngập sâu, nhiều tuyến đường liên bản bị cuốn trôi. Người dân phải sơ tán khẩn cấp trong đêm.

Quốc lộ 7 đoạn trung tâm Con Cuông cũng bị ngập sâu. Các phương tiện không thể di chuyển, việc tiếp cận cứu trợ khu vực miền núi giáp biên gặp khó khăn do đoạn gần 100km tiếp theo còn nhiều điểm ngập ngắt quãng.
Ông Lô Đình Thụ, UBND xã Mường Xén, tỉnh Nghệ An cho biết: Nước lũ bắt đầu dâng tràn lên quốc lộ 7 từ chiều tối, đến đêm thì nước đã ngập gần như toàn bộ. Tại trụ sở xã, trung tâm phục vụ hành chính công xã Mường Xén nước dâng gần 1m. Địa phương đang huy động 100% lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ ứng trực, hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn khi nước lũ dâng cao.
Nguy cơ sạt lở đất đang ở mức báo động tại các vùng đồi núi dốc. Các trường học, trạm y tế, hệ thống điện, thông tin liên lạc tại một số khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã kích hoạt toàn bộ các phương án ứng phó thiên tai, huy động lực lượng tại chỗ và kêu gọi hỗ trợ từ cấp tỉnh, trung ương.
Trước tình hình lũ dâng nhanh, ngay trong đêm, tỉnh Nghệ An đã phát đi thông báo lũ khẩn cấp. Theo đó, lũ trên các sông Nghệ An đang tiếp tục lên nhanh. Đặc biệt, mực nước lúc 1h ngày 23/7 tại Mường Xén đã đạt đỉnh và tiếp tục dao động ở mức cao đo được là: 145,89m (trên lũ lịch sử 0,4m), tại trạm Thạch Giám là 72,68m (trên lũ lịch sử: 0,86m), tại trạm Con Cuông là 31,86m (trên BĐ3: 1,36m).
Mực nước lúc 1h ngày 23/7 tại một số vị trí như sau: Trên sông Hiếu tại Nghĩa Khánh: 34,00m, dưới BĐ1: 4,00m. Trên sông Cả, tại Dừa là 18,90m, dưới BĐ1: 1,60m; tại Đô Lương: 8,84m; tại Yên Thượng: 1,21m, dưới BĐ1: 5,79 m; tại Nam Đàn: 0,72m, dưới BĐ1: 4,68m; tại Chợ Tràng: 0,04m.
Dự báo 12 - 24 giờ tới, lũ trên sông Cả tiếp tục lên, sau đó đạt đỉnh và dao động ở mức cao. Đỉnh lũ trên các sông khả năng ở mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên BĐ3. Đặc biệt, tại trạm Mường Xén, Thạch Giám và Con Cuông vượt mực nước lũ lịch sử.
Cảnh báo lũ trên sông Cả tiếp tục lên, sau đó đạt đỉnh và dao động ở mức cao. Đỉnh lũ trên các sông khả năng ở mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập lụt diện rộng ở các vùng trũng, thấp ven sông, khu đô thị tỉnh Nghệ An Nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở trung du, vùng núi, ven sông tại tỉnh Nghệ An. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: cấp 2
Ninh Bình: Đồng bộ các phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro
Ngay khi bão Wipha hình thành trên Biển Đông, tỉnh Ninh Bình đã huy động lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” và tinh thần “phòng hơn chống”, triển khai đồng bộ các phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro, nhằm bảo vệ người dân, đê điều, sản xuất và các công trình trọng điểm.

Công an tỉnh, cùng công an các đơn vị huy động tối đa lực lượng, phương tiện giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Đặc biệt, Sở Chỉ huy tiền phương được thành lập tại các địa bàn xung yếu, do Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách. Lực lượng công an, quân đội, biên phòng, dân quân… được bố trí trực 24/24h tại các điểm nóng.
Hệ thống đê điều, hồ đập, cống tiêu thoát nước được kiểm tra nghiêm ngặt; vật tư, máy móc, thiết bị ứng phó sự cố luôn trong trạng thái sẵn sàng. Các xã, phường thành lập lực lượng xung kích, đội tuần tra, canh gác và xây dựng kịch bản ứng phó cụ thể tại 66 trọng điểm đê điều, bao gồm cả các tuyến đê cấp I và đê biển Bình Minh.
Chỉ trong hai ngày 21 và 22/7, toàn tỉnh đã vận hành 345 máy bơm tại 110 trạm tiêu úng, xử lý sạt lở tại đê bối Nam Quần Liêu và khu vực núi Vái Giời. Hơn 3.500 người dân vùng nguy hiểm được sơ tán kịp thời; 100% tàu thuyền được kêu gọi vào nơi neo đậu an toàn.
Tại xã Kim Đông - tuyến đầu chống bão ven biển - sóng lớn cao tới 3m uy hiếp trực tiếp đê điều và hơn 750ha vùng nuôi trồng thủy sản ngoài đê. Chính quyền địa phương triển khai di dân, ứng trực y tế, chuẩn bị hàng nghìn bao tải, phao, áo phao... để sẵn sàng ứng phó tình huống xấu nhất. Mỗi hộ dân được yêu cầu dự trữ lương thực đủ dùng trong 5-7 ngày.
Tại xã Hải Thịnh, phương án bảo vệ công trình đê, kè ven biển được kích hoạt sớm, với hàng chục máy móc và vật liệu dự phòng sẵn sàng. 48 người già, trẻ nhỏ đã được đưa đến nơi an toàn.

Tại phường Thiên Trường cán bộ công an cùng chính quyền địa phương tổ chức phương án di chuyển người dân tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; chủ động hỗ trợ lương thực, nước uống, thuốc men và các đồ dùng thiết yếu cho người dân (Ảnh Công an Ninh Bình).
Tại xã Hải Quang, toàn bộ 200 hộ dân nuôi thủy sản ngoài đê Cồn Xanh đã được sơ tán an toàn. Đồn Biên phòng, Công an xã và Hạt Quản lý đê điều tổ chức trực 24/24h trên tuyến đê biển dài 5,2km.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, đến cuối ngày 22/7, toàn tỉnh không ghi nhận thiệt hại về người.
Tuy nhiên, hơn 77.500ha lúa mùa bị ảnh hưởng, trong đó có trên 66.700ha bị ngập trắng. Khoảng 783ha rau màu bị úng ngập kéo dài, hàng chục nghìn hecta nuôi trồng thủy sản bị ngập nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sinh kế người dân. Gần 900 lao động ngoài đê, khoảng 900 lồng bè và hơn 3.500 người dân vùng nguy hiểm đã được sơ tán kịp thời.

Mưa lớn, nước dâng cao, một số vùng thủy sản xã Kim Đông bị ngập sâu.
Về hạ tầng, hai điểm sạt lở lớn đã được xử lý kịp thời. Hầu hết trụ sở cơ quan, trường học, khu công nghiệp, trang trại chăn nuôi và cơ sở sản xuất trên địa bàn không ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng. Các địa phương đang tiến hành thống kê thiệt hại và triển khai chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả, đồng thời bổ sung kịch bản ứng phó thiên tai, tổ chức diễn tập phòng chống lũ bão, nâng cao khả năng chống chịu trước diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận