Việc đưa ChatGPT và các sản phẩm khác của OpenAI đến tay người dùng mới là điều thực sự quan trọng. Nếu không có mối quan hệ trực tiếp với người dùng, các sản phẩm này sẽ ít được sử dụng, hoặc sẽ tốn rất nhiều chi phí để tiếp cận người tiêu dùng thông qua các kênh gián tiếp.
Jony Ive, người từng thiết kế iPhone - công cụ phân phối công nghệ tối ưu của Apple - đã rời công ty và bắt đầu xây dựng io, một công ty thiết bị mới dành cho kỷ nguyên AI.
AI có thể mở ra làn sóng thiết bị mới
Dù điện thoại thông minh vẫn chiếm ưu thế, AI tạo sinh có thể thay đổi điều đó. Chúng ta có thể sẽ đeo kính thông minh tích hợp chatbot AI. Meta, Apple, Google và nhiều hãng khác đang nỗ lực phát triển công nghệ này. Hoặc có thể là một thiết bị nhỏ gắn trên áo, cho phép chúng ta trò chuyện liên tục với các mô hình và chatbot AI. Ai biết được còn điều gì sẽ xuất hiện trong kỷ nguyên mới này?

Jony Ive từng gắn bó 27 năm với Apple, thiết kế các mẫu iPhone huyền thoại.
Dù thế nào, nếu bạn là Sam Altman, CEO của OpenAI, bạn chắc chắn không muốn Google, Meta hay Apple đứng giữa bạn và người dùng. Điều gì sẽ xảy ra nếu không? Bạn sẽ phải trả phí để phân phối sản phẩm. Mark Zuckerberg từng khó chịu khi Facebook chỉ là một ứng dụng trên nền tảng di động của Apple, nơi Apple thu tới 30% phí từ nhiều nhà phát triển. Thậm chí Google cũng chi khoảng 20 tỷ USD mỗi năm để công cụ tìm kiếm của mình được phân phối trên iPhone và các thiết bị Apple khác.
Liệu Altman có muốn trả Apple 20 tỷ USD trong vài năm tới? Liệu ông có muốn chia 30% doanh thu từ các ứng dụng trả phí của ChatGPT trên iPhone cho Tim Cook? Chắc chắn là không.
Một giải pháp là thuê chính nhà thiết kế iPhone ban đầu để tạo ra các thiết bị riêng cho OpenAI. Trong thông báo về thương vụ với Ive và công ty io, một câu trích dẫn đã khiến nhiều người chú ý: "Chúng tôi nhận ra rằng tham vọng phát triển, thiết kế và sản xuất một dòng sản phẩm mới đòi hỏi một công ty hoàn toàn mới", Altman và Ive viết.
Dù hành trình sản xuất phần cứng này có tốn hàng tỷ USD, nó vẫn có thể rẻ hơn so với việc trả phí phân phối cho các gã khổng lồ công nghệ khác. Và ít nhất, OpenAI có thể tự kiểm soát số phận của mình và xây dựng mối quan hệ trực tiếp với người dùng.
io đối đầu Google I/O
Thương vụ đình đám mà Open AI tiến hành với startup của Ive diễn ra đúng vào thời điểm tổ chức hội nghị thường niên của gã khổng lồ internet Google. Sam Altman rất thích "phá đám" sự kiện này. Ông đã làm điều đó vào năm ngoái và tiếp tục năm nay. Điều thú vị hơn nữa là công ty thiết bị của Jony Ive được đặt tên là io – trùng hợp đầy ý nghĩa.
Đó cũng có thể là diễn biến cho thấy Altman đang rất lo lắng về Google.
Mặc dù đã ký một thỏa thuận đắt đỏ với Apple, Google vẫn là bậc thầy về phân phối. Họ đang sử dụng mọi nguồn lực để nhanh chóng đưa các sản phẩm và công cụ AI mới đến tay càng nhiều người càng tốt – những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT.
Dưới đây là một số ví dụ về sức mạnh phân phối của Google, lấy từ hội nghị Google I/O tuần này và từ những gì Google đã xây dựng trong hơn 20 năm qua. Với một startup như OpenAI, đây hẳn là điều đáng sợ.
Hệ điều hành Android của Google hỗ trợ hơn 3 tỷ thiết bị. Công ty này đang tích cực đưa dịch vụ chatbot AI Gemini lên càng nhiều thiết bị Android càng tốt. Có hàng triệu thiết bị Pixel và Chromebook ngoài kia và Google đang tích hợp Gemini vào nhiều điện thoại và laptop trong số này.
Chromebook, Android và Pixel chủ yếu là các cách để phân phối công nghệ Google trực tiếp đến người dùng. Trình duyệt Chrome là mặc định trên các thiết bị "thuần Google" này. Tại I/O tuần này, Google đã giới thiệu cách Gemini được tích hợp vào trình duyệt Chrome. Điều đó có nghĩa là hơn 1 tỷ người dùng sẽ thấy Gemini mỗi ngày, và họ có thể sẽ sử dụng chatbot này thay vì ChatGPT.
Rồi còn "ông lớn" Google Search. Công ty đã công bố một số cách tích hợp công nghệ AI mới vào Tìm kiếm. Một Chế độ AI mới đã ra mắt trên toàn nước Mỹ vào thứ ba. Đột nhiên, khoảng 250 triệu người sẽ thấy - và có lẽ sẽ sử dụng - Chế độ AI thường xuyên, vì nó được hiển thị nổi bật ngay đầu trang Tìm kiếm. Google Search có khoảng 1,5 tỷ người dùng hàng ngày.
Đây là loại sức mạnh phân phối mà các startup chỉ có thể mơ ước. Nếu OpenAI thực sự muốn cạnh tranh với các gã khổng lồ công nghệ, họ rất cần những thiết bị mới của Jony Ive - và cả một hệ thống phân phối mạnh mẽ khác.
Phân phối = dữ liệu = AI tốt hơn
Tại sao điều này quan trọng? Bởi vì các sản phẩm AI chỉ thực sự cải thiện khi có nhiều người sử dụng chúng thường xuyên. Đồng sáng lập Google Larry Page từng gọi đây là "bài kiểm tra bàn chải đánh răng": Nếu sản phẩm của bạn không được dùng hai lần một ngày, hãy quên nó đi.
Khi đó, các công ty AI có thể thu thập được núi dữ liệu về hành vi người dùng. Thông tin này giúp cải tiến sản phẩm. Nhưng trong kỷ nguyên AI tạo sinh, dữ liệu này còn cực kỳ giá trị để phát triển các mô hình AI mới và các sản phẩm liên quan. Dữ liệu có thể được sử dụng (với sự cho phép của người dùng) để huấn luyện mô hình mới, tinh chỉnh và áp dụng các kỹ thuật phát triển AI khác.
Càng nhiều dữ liệu, AI càng tốt. Và vòng lặp phản hồi dữ liệu này chỉ hoạt động nếu bạn có phân phối – phân phối ở quy mô lớn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận