Phần đất này, theo bà là thuộc quyền sử dụng của gia đình mình. Sau 43 lần gửi đơn, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
27 năm ròng rã gửi đơn
Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Nga (Ba Đình, Hà Nội), phần đất xảy ra tranh chấp tại Khu tập thể Viện Thổ nhưỡng nông hóa, do Hội đồng sắp xếp nhà của cơ quan trực thuộc Viện Thổ nhưỡng nông hóa xét và phân bổ cho chồng bà là ông Lê Quang Phong (đã mất năm 2022). Phần được cấp là một gian buồng số 3, dãy nhà C, với tổng diện tích đất 80m2 (Quyết định số 27 ngày 10/9/1996).

Ngôi nhà mà bà Nga cho rằng do ông C.M.T xây dựng trái phép.
Tuy nhiên, ngay khi vừa được phân chia đất, gia đình ông C.M.T, là cán bộ Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã lấn chiếm toàn bộ phần đất dãy nhà C, trong đó có đất của chồng bà Nga và hai hộ khác, tự ý quây lại toàn bộ khuôn viên khu đất đó và xây nhà bao kín với tổng diện tích 600m2.
Chồng bà Nga và một số cán bộ bị ông T chiếm đất đã nhiều lần làm đơn kiến nghị với cơ quan chủ quản. Cơ quan này cũng nhiều lần mời ông T lên để giải quyết, yêu cầu trả lại phần đất đã lấn chiếm nhưng ông T không chấp hành.
"Từ năm 1998 đến nay, chúng tôi đã làm đơn nhưng chưa cơ quan nào giải quyết dứt điểm. Chồng tôi có đến UBND xã Tả Thanh Oai để nộp hồ sơ xin cấp quyền sử dụng đất nhưng xã trả lời là khu đất đang có tranh chấp nên không nhận hồ sơ", bà Nga cho biết.
Cũng theo phản ánh của bà Nga, tháng 4/2022, ông T đã thi công xây dựng trái phép nhà mái bằng kiên cố với diện tích 60m2, hoàn thiện trong tháng 5/2022.
Chính quyền địa phương nói gì?
Liên quan đến vụ việc này, PV liên hệ với UBND xã Tả Thanh Oai (cũ) và được ông Đào Bá Nguyên, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Ngày 20/6, xã đã mời bà Nga đến làm việc, đi cùng có luật sư bảo vệ quyền lợi.
Theo biên bản do chính quyền sở tại cung cấp, UBND xã kết luận: "Không thụ lý đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Nga với lý do, gia đình ông C.M.T không xây dựng trên phần đất đang tranh chấp. Đất đai tại Trung tâm Thổ nhưỡng nông hóa, ngõ 3 Cầu Bươu thuộc quyền quản lý của Viện Thổ nhưỡng nông hóa chưa bàn giao cho địa phương quản lý".
Trả lời câu hỏi về việc công trình có được cấp phép xây dựng hay không, ông Nguyên cho biết: Hiện tại, phần đất tranh chấp không có hoạt động xây dựng mới. Về thời điểm nhà ông T xây dựng đã lâu, khi ông Nguyên về nhận công tác đã có rồi nên không nắm được thông tin cụ thể.
PV cũng liên hệ với Viện Thổ nhưỡng nông hóa (nay thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để làm rõ thông tin và được ông Bùi Hữu Đông, Chánh văn phòng Viện cho biết: Khu tập thể này trước đây là một trạm trực thuộc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng chế phẩm Nông hóa thuộc Viện. Tuy nhiên, trạm đã được chuyển giao cho đơn vị khác từ nhiều năm trước. Việc bàn giao có thể không tách bạch giữa đất trụ sở và đất khu tập thể.
"Chúng tôi đang tiếp tục rà soát các hồ sơ cũ để làm rõ vấn đề khu đất đã bàn giao cho đơn vị nào, vào thời điểm nào", ông Đông nói.
Tiếp tục xác minh để làm rõ
Trao đổi với Báo Xây dựng, ông Lê Đức Việt, Phó đội trưởng phụ trách Đội Quản lý Trật tự Xây dựng Đô thị huyện Thanh Trì (cũ) cho biết đã yêu cầu xã Tả Thanh Oai (cũ) báo cáo nội dung sự việc, xã cũng đã gửi biên bản làm việc với nội dung như trên.
Theo ông Việt, ở góc độ quản lý nhà nước sẽ có 2 hình thức quản lý đất đai: Nếu đơn vị bàn giao lại cho chính quyền địa phương sẽ do chính quyền địa phương quản lý; còn một hình thức khác đó là đơn vị tự quản lý.
Với trường hợp này, qua kiểm tra tại thời điểm bà Nga có ý kiến thì không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào. Liên quan đến việc tranh chấp đất đai, Luật Đất đai đã quy định rõ, khi có tranh chấp thì xã chỉ là cơ quan hòa giải, việc phân định quyền sử dụng phải do tòa án.
Trong trường hợp ông T xây nhà, UBND xã phải có trách nhiệm kiểm tra, yêu cầu phải có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước hoặc giấy phép chấp thuận xây dựng. Ông Việt cho rằng, để làm rõ việc ông T có được phép xây nhà hay không phải kiểm tra lại thời điểm. Có những thời điểm được miễn phép.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với UBND xã, xác định cụ thể thời điểm xây dựng công trình này, ai là người xây dựng. Thông tin phản ánh của bà Nga mới chỉ là một chiều. Chúng tôi sẽ xác minh thêm nguồn tin từ tổ dân phố, cán bộ tiền nhiệm, dùng các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ sự việc này", ông Việt nói.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nhận định, theo Luật Xây dựng, các trường hợp công trình được miễn giấy phép xây dựng gồm: Công trình bí mật Nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư, công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính…
Khu tập thể Viện Thổ nhưỡng nông hóa là đất thuộc quyền quản lý của Viện Thổ nhưỡng nông hóa, chưa bàn giao cho địa phương quản lý. Đây là đất được Nhà nước giao cho tổ chức quản lý, không phải là đất của cá nhân hay hộ gia đình.
Việc ông C.M.T xây nhà ở trên khu tập thể Viện Thổ nhưỡng nông hóa không thuộc trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng.
Hành vi xây nhà không có giấy phép xây dựng sẽ bị xử phạt từ 60.000.000 - 80.000.000 đồng, buộc phá dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận