Theo hãng tin Reuters, cuộc điều tra theo Điều 232 trong Luật Mở rộng Thương mại của Mỹ 1962 được khởi động từ ngày 1/5 nhưng đến bây giờ mới được công bố.
Đây có thể trở thành cơ sở để áp mức thuế cao hơn nữa đối với máy bay, động cơ và linh kiện nhập khẩu.

Động cơ phản lực do General Electric chế tạo được trưng bày tại một triển lãm ở Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Bộ Thương mại Mỹ mong muốn nhận được ý kiến từ người dân trong vòng ba tuần tới về một loạt câu hỏi như tác động của trợ cấp chính phủ nước ngoài và các hành vi thương mại ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp máy bay thương mại và động cơ phản lực.
Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick, hiện phần lớn máy bay và linh kiện nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới đang chịu mức thuế 10%. Còn theo thỏa thuận sơ bộ Mỹ - Anh vừa đạt được vào ngày 8/5 sẽ cho phép động cơ do Rolls-Royce của Anh sản xuất được nhập khẩu miễn thuế vào Mỹ.
Ngay cả máy bay được lắp ráp tại Mỹ cũng không được miễn bởi các nhà sản xuất phải chịu thuế đối với linh kiện nhập khẩu. Boeing hiện đang phải trả thuế 10% đối với các linh kiện đến từ Italy và Nhật Bản. Trước đó, hồi tháng 4, Tổng giám đốc Điều hành United Airlines Scott Kirby cho biết, Airbus đã phải chịu thuế với các máy bay đang được lắp ráp tại Alabama.
Tổng giám đốc Điều hành Hiệp hội Các ngành Công nghiệp Hàng không Vũ trụ (AIA) Eric Fanning khẳng định, AIA sẽ hợp tác với Bộ Thương mại Mỹ để củng cố chuỗi cung ứng trong nước đồng thời duy trì khung thương mại giúp ngành hàng không Mỹ dẫn đầu toàn cầu.
Một số hãng hàng không cho biết họ không hề biết về cuộc điều tra này trước thời điểm được công bố vào cuối ngày 9/5.
Lãnh đạo các hãng hàng không đã đề cập đến khả năng trả lại các máy bay thuê và hoãn nhận bàn giao máy bay mới. Delta Air Lines cũng tuyên bố không chấp nhận trả thuế cho các máy bay được giao trong thời gian tới.
Được biết, các hãng hàng không và nhà sản xuất đã vận động Tổng thống Donald Trump khôi phục chế độ miễn thuế theo Hiệp định Máy bay Dân dụng năm 1979, vốn giúp ngành hàng không Mỹ đạt thặng dư thương mại thường niên 75 tỷ USD.
Các quan chức ngành hàng không lý giải hoàn cảnh của họ khác với nhiều ngành khác vì mỗi năm, lĩnh vực này xuất khẩu số sản phẩm trị giá hơn 135 tỷ USD.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận