Phóng viên Báo Xây dựng phỏng vấn TS Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng về vấn đề này.
Hoàn thiện dự thảo kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng
Thưa ông, Bộ Xây dựng đang thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 03/NQ-CP như thế nào?
Thực hiện chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin hoàn thiện dự thảo kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ (Kế hoạch).

TS Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng).
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế quốc gia.
Để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 đưa ra Chương trình hành động cụ thể, giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Chính phủ đang dự thảo sửa đổi Nghị quyết số 03/NQ-CP…
Dự thảo kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng được nghiên cứu soạn thảo trên cơ sở rà soát, hợp nhất kế hoạch, chương trình hành động Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng (trước khi hợp nhất), đồng thời rà soát dự thảo Nghị quyết của Chính phủ sửa đổi Nghị quyết số 03/NQ-CP.
Kế hoạch xác định rõ nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, để xây dựng kế hoạch hành động, triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết số 03/NQ-CP.

Ngành Xây dựng ưu tiên phát triển vật liệu xanh, phát thải thải thấp, thân thiện môi trường.
Thưa ông, dự thảo kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng tập trung vào nhóm nhiệm vụ nào?
Kế hoạch hành động của Bộ tập trung nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong ngành Xây dựng; Hoàn thiện thể chế, xóa bỏ rào cản, đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh; Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành Xây dựng.
Trọng dụng nhân tài, phát triển nhân lực chất lượng cao; Tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ.
Đến nay, dự thảo Kế hoạch này đã hoàn thiện (sau khi tiếp thu góp ý của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ) và đang trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng xem xét.
Hướng tới tự chủ về công nghệ
Nhiệm vụ trọng tâm Bộ Xây dựng ưu tiên triển khai trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Sau khi hợp nhất, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng rộng hơn, nhiệm vụ được đề cập trong Kế hoạch đã bao trùm các lĩnh vực hoạt động. Theo đó, yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng, đặc biệt về dịch vụ công, dịch vụ vận tải, hoạt động xây dựng, quy hoạch kiến trúc, quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, các hoạt động quản lý, phát triển hạ tầng giao thông và đảm bảo an toàn giao thông...
Bộ sẽ chủ động xây dựng các giải pháp, công nghệ thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon, khí mê-tan bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Tiếp thu, làm chủ, chuyển giao, ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến trên thế giới, nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngành Xây dựng.

Bộ Xây dựng chú trọng nghiên cứu khoa học, hướng tới tự chủ về công nghệ.
Tăng cường nghiên cứu khoa học, hướng tới tự chủ về công nghệ, đặc biệt trong phát triển công nghệ mới như: hệ thống giao thông thông minh (ITS); hệ thống đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao; chuyển đổi năng lượng trong xây dựng, phương tiện giao thông xanh; công nghệ, thiết bị bảo đảm an toàn giao thông; xây dựng các mô hình cảng hàng không, cảng biển, nhà ga đường sắt xanh, thông minh; quản lý đô thị thông minh; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới sản xuất các sản phẩm đặc thù, ưu việt, giá trị kinh tế cao.
Khuyến khích các doanh nghiệp ngành Xây dựng đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là các công nghệ thông minh; đổi mới mô hình quản lý, sản xuất kinh doanh tiên tiến, hiện đại; Ưu tiên phát triển vật liệu xanh, vật liệu phát thải thải thấp, thân thiện môi trường.
Thúc đẩy rộng rãi các hoạt động đổi mới dây chuyền, thiết bị, máy móc, công nghệ thi công các công trình xây dựng, giao thông, sản xuất đầu máy, toa xe, các trang thiết bị bảo đảm an toàn giao thông…
Nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách cam kết chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao với các nhà thầu nước ngoài trong đầu tư đường sắt tại Việt Nam; Nghiên cứu xây dựng cơ chế đặt hàng, tạo điều kiện cho một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước thực hiện nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nội địa hóa; Liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư phát triển đường sắt.
Đẩy mạnh ứng dụng thiết bị, máy móc tự động hóa, robot hóa và ưu tiên sử dụng các vật liệu tiên tiến trong xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông…
Dự kiến, kế hoạch hành động sẽ được Bộ trưởng ký ban hành ngay sau khi Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 03/NQ-CP được Chính phủ ban hành, làm căn cứ cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng thực hiện. Các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp thuộc Bộ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của đơn vị, chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận