Thời gian gần đây, trên tuyến kênh Vách Bắc thuộc xã Đông Thành, tỉnh Nghệ An nhiều hộ dân lợi dụng giai đoạn xã chuẩn bị cho việc sáp nhập đã ồ ạt xây nhà trái phép. Trên đoạn kênh này, hiện đã có đến khoảng 200 căn nhà trái phép, chưa kể có những căn đang được rốt ráo hoàn thiện.

Tuyến kênh Vách Bắc thuộc xã Đông Thành (Nghệ An) nhiều năm qua, công trình này luôn trong tình trạng bị người dân ngang nhiên lấn chiếm hành lang để xây dựng trái phép.
Nhiều hộ dân quây tôn kín khu đất hàng trăm mét vuông, đưa vật liệu xây dựng vào bên trong và tổ chức thi công vào ban đêm để tránh bị phát hiện. Tất cả những công trình này đều nằm hoàn toàn trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, bị cấm xây dựng theo quy định của pháp luật.
"Ban ngày thì lặng im, đêm xuống là xe chở vật liệu, máy trộn bê tông hoạt động rầm rộ. Họ làm liền tay, rất nhanh", một người dân sống gần hiện trường cho biết.
"Đây là phần đất trước đó đơn vị quản lý kênh tiêu này giao cho một người dân quản lý để trồng keo, bảo vệ kênh. Tuy nhiên, nhiều ngôi nhà đã bất ngờ mọc lên trên diện tích này và nhiều nhà khác đã xây xong phần móng", anh Đ.X.H, xóm Gia Mỹ, xã Đông Thành, người có nhà ở khu vực này cho biết.
"Đất ở xã rất đắt đỏ, tôi cưới vợ, ra ở riêng, gia đình không mua được đất nên phải mua lại lô đất này và làm nhà, dù biết là trái phép nhưng không làm thì không biết ở đâu", anh H nói.

Hộ dân quây tôn kín khu đất hàng trăm mét vuông, đưa vật liệu xây dựng vào bên trong và tổ chức thi công.
Kênh tiêu Vách Bắc được xây dựng từ năm 1976, dài hơn 20km, có chức năng tưới cho hơn 12.000ha đất sản xuất nông nghiệp và thoát lũ cho các xã vùng Tây Bắc thuộc huyện Yên Thành và huyện Diễn Châu cũ.
Sau khi được xây dựng, chính quyền và đơn vị quản lý, khai thác là Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An đã phối hợp cam kết không cho người dân xây dựng nhà cửa trên khu vực bảo vệ kênh.
Ông Luyện Xuân Huệ, nguyên Chủ tịch UBND xã Đô Thành (cũ) cho hay, việc xây nhà trái phép bắt đầu từ những năm 1990, khi một số hộ dân trên địa bàn xã ra dựng lán ở dải đất ven kênh này để kinh doanh theo kiểu tự phát. Hồ sơ còn lưu tại Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An cũng cho thấy, từ năm 1992, công ty này đã có văn bản gửi UBND xã Đô Thành (cũ) và UBND huyện Yên Thành phản ứng việc các hộ dân xây dựng công trình trái phép trên hành lang, trong lòng kênh Vách Bắc và đề nghị chính quyền địa phương phải khẩn trương can thiệp, chấn chỉnh.
Thế nhưng, không những không ngăn chặn, UBND xã Đô Thành (cũ) sau đó còn công khai bán một số diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ và trong lòng kênh cho người dân trong xã. Từ đó, câu chuyện xây dựng nhà trái phép trên đất bảo vệ kênh Vách Bắc ở xã này trở nên phức tạp. Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An đã nhiều lần cầu cứu lên huyện, tỉnh để can thiệp. Chính quyền xã, huyện và UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức rất nhiều cuộc họp xử lý nhưng những ngôi nhà kiên cố, khang trang vẫn tiếp tục mọc lên.

Trước đó, UBND xã Đô Thành (cũ) còn công khai bán một số diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ và trong lòng kênh cho người dân trong xã.
Năm 2020, UBND xã Đô Thành đã báo cáo lên huyện để xây dựng kế hoạch cưỡng chế 13 căn nhà vừa xây dựng trái phép trên mái kênh Vách Bắc. Trước khi tổ chức cưỡng chế, xã đã vận động các hộ dân này tự nguyện tháo dỡ công trình. Tuy nhiên, việc cưỡng chế không thành.
"Cái khó nhất trong việc ngăn chặn người dân xây nhà trái phép trên mái và lòng kênh Vách Bắc là trước đây xã đã lỡ bán đất cho khá nhiều người dân. Để cho người dân làm mới hoặc sửa chữa, cơi nới thì xã phải chịu trách nhiệm. Nhưng không cho dân sửa cũng rất nguy hiểm vì không an toàn. Đường nào cũng khó", ông Luyện Xuân Huệ nói.
Năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã giao UBND huyện Yên Thành và xã Đô Thành lập quy hoạch khu tái định cư để di dời hàng trăm căn nhà trái phép trên kênh tiêu này. Thế nhưng, đến nay việc di dời này vẫn nằm trên giấy vì không có kinh phí để thực hiện và khó khăn trong việc xác định tính pháp lý các hộ dân này có thuộc diện được bồi thường để di dời hay không.
Ngăn chặn đã khó, di dời hàng trăm hộ dân này càng khó hơn, khi quỹ đất của xã này khá hẹp trong khi xã có hơn 18.000 nhân khẩu.
Theo lãnh đạo xã Đông Thành, thực trạng này đặc biệt nghiêm trọng hơn là trong khoảng một tháng gần đây, cũng trên hàng lang đê và lòng kênh này hàng chục công trình lại được người dân lén lút xây dựng mới. Để ngăn chặn người dân xây nhà trái phép, chính quyền xã Đông Thành đã lập 2 tổ gồm công an, công chức xã giao 2 phó chủ tịch xã chỉ huy. Các tổ này thay nhau trực suốt ngày đêm, mỗi ca 4 - 5 người, canh gác tại các vị trí người dân đã xây móng nhà và những điểm đang có nguy cơ tiếp tục xây nhà trái phép.



Có hàng chục hộ dân xây dựng trái phép trên hành lang kênh tiêu Vách Bắc.
Ông Phan Đức Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thành, tỉnh Nghệ An cho biết: "Sau khi vận hành chính quyền 2 cấp, nắm bắt được thông tin xây dựng trái phép trên kênh vách Bắc, UBND xã đã phối hợp với lực lượng công an, cương quyết yêu cầu các hộ phải dừng thi công ngay lập tức. Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm hành lang kênh tiêu Vách Bắc đã kéo dài suốt nhiều năm qua chúng tôi cũng đang lên kế hoạch để giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm này, trả lại mặt bằng cho kênh tiêu".
Tại huyện Yên Thành (cũ), không riêng gì kênh Vách Bắc, kênh tiêu Vũ Giang dài hơn 10km đi qua xã Vân Tụ cũng đang bị xâm chiếm nghiêm trọng. Kênh vốn có chức năng tiêu thoát nước mùa mưa lũ cho 4 xã trong vùng, nay nhiều đoạn bị lấp đất, đổ cọc bê tông, cơi nới ra lòng kênh để dựng nhà cửa. Nguyên nhân cũng tương tự, khi cách đây hàng chục năm (trước 1993), chính quyền xã Liên Thành đã bán đất trái thẩm quyền cho 76 hộ dân ven kênh. Việc bán đất "giao bằng miệng", chỉ tính theo mặt tiền đường mà không rõ ranh giới, diện tích. Đến nay, gần 30 hộ đã được cấp sổ đỏ, số còn lại vẫn sinh sống, xây cất kiên cố như thể đó là đất của mình.

Hành lang bảo vệ kênh Vách Bắc bị xâm lấn nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: "Việc lấn chiếm công trình thủy lợi như tại khu vực kênh Vách Bắc là bị nghiêm cấm, vì thế chúng tôi đã yêu cầu các địa phương phải giải tỏa, trả lại mặt bằng. Việc lấn chiếm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình vận hành, tiêu thoát nước, ảnh hưởng đến dòng chảy, gây nguy hiểm, nhất là đang chuẩn bị đến mùa mưa lũ".
Việc bảo vệ các công trình đê điều, thủy lợi hiện đang được chi phối bởi 3 bộ luật: Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai và Luật Thủy lợi. Thế nhưng trong khi vi phạm về đê điều, thủy lợi do lịch sử để lại còn nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết, thì những vi phạm mới vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận