Làm rõ phạm vi áp dụng thiết kế kỹ thuật tổng thể
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho biết, Dự thảo Nghị định do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo, nhằm cụ thể hóa các nội dung được Quốc hội cho phép tại các Nghị quyết 172/2024/QH15, 187/2025/NQ15 và 188/2025/QH15, liên quan đến cơ chế đặc thù cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và một số dự án trọng điểm khác.

TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam thông tin các nội dung dự thảo Nghị định.
Tại tọa đàm, các chuyên gia trong ngành xây dựng và hạ tầng giao thông đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo.
Ông Lê Tùng Lâm - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng hội Xây dựng - cho rằng, cần bổ sung quy định về cơ chế rủi ro, làm rõ phạm vi áp dụng thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED), định dạng dữ liệu trong mô hình thông tin công trình (BIM), vùng phụ cận nhà ga, cũng như các tiêu chí lựa chọn nhà thầu và tư vấn quốc tế.
Đáng chú ý, ông Lâm đề xuất Kiểm toán Nhà nước nên thực hiện kiểm toán giữa kỳ để nâng cao tính minh bạch.
Cũng nhấn mạnh vai trò của thiết kế FEED, ông Phạm Văn Khánh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Bộ Xây dựng) cho rằng Dự thảo cần điều chỉnh rõ hơn về khảo sát kỹ thuật và bổ sung các định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật chưa có trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Ông Khánh cũng đề xuất rút ngắn thủ tục trong lựa chọn nhà thầu bằng cách công khai điều kiện năng lực và linh hoạt với quy định tại Nghị định 175.
Cần quy định bắt buộc ứng dụng công nghệ hiện đại, không chỉ “khuyến khích”
Ông Hoàng Hiệp - Phó Tổng giám đốc Công ty Portcoast - đề nghị không dùng từ “khuyến khích” trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại.
Theo ông Hiệp, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt trong các lĩnh vực khảo sát và quản lý tiến độ. Từ đây, ông Hiệp cho rằng cần định rõ việc bắt buộc áp dụng công nghệ BIM theo tiêu chuẩn ISO 19650, thay vì để doanh nghiệp tự quyết định.
Khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị định, tuy nhiên, ông Lưu Đức Hải - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn cho rằng: Cần ban hành Luật Đường sắt sửa đổi trước khi triển khai Nghị định này để đảm bảo tính pháp lý và thống nhất. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng nên dẫn chiếu tới Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, đồng thời làm rõ các khái niệm và cơ quan có thẩm quyền cấp phép, quản lý.
Ông Lê Văn Cư - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng – bổ sung: Dự thảo cần làm rõ vai trò từng cơ quan trong quá trình thẩm định, chỉ định thầu, kiểm soát giá vật liệu, đồng thời quy định thống nhất các thuật ngữ để tránh hiểu lầm khi thực thi.
TS. Trần Bá Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bê tông - đề xuất chia nhỏ quá trình thực hiện theo từng nhóm dự án: đường sắt tốc độ cao, tốc độ thường và đô thị.
"Việc ban hành cơ chế riêng cho từng loại sẽ giúp triển khai dễ dàng và sát thực tế hơn", ông Việt nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận