Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Đường bộ

Người dân xã nghèo Thanh Hóa mòn mỏi chờ cầu nối sông Mã

Người dân xã nghèo Thanh Hóa mòn mỏi chờ cầu nối sông Mã

18/07/2025, 19:12

Nhiều năm qua, người dân và giáo viên đến các bản Tà Cóm, Cá Giáng, Cánh Cộng, Lìn, Pa Búa (xã biên giới Trung Lý, Thanh Hóa) vẫn chấp nhận hiểm nguy trên những chuyến đò qua sông Mã để tiết kiệm thời gian di chuyển.

Mất tiền, đánh cược tính mạng mỗi ngày

Các bản Tà Cóm, Cá Giáng, Cánh Cộng, Lìn, Pa Búa (xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) nằm giáp biên giới Lào, địa hình đồi núi chia cắt hiểm trở, một bên là núi cao điệp trùng, một bên là dòng sông Mã chảy xiết. Giao thông đi lại vô cùng khó khăn, trong khi phần lớn cư dân là đồng bào dân tộc Mông và Thái.

Người dân xã nghèo Thanh Hóa mòn mỏi chờ cầu nối sông Mã- Ảnh 1.

Mỗi khi nước lũ dâng cao, đò không hoạt động, người dân buộc phải đi đường vòng xa thêm hàng chục kilômét.

Ngày đầu tháng 7, chúng tôi rời trung tâm xã Trung Lý theo quốc lộ 16, qua cầu Chiềng Nưa tới bản Muốn 2 (xã Mường Lý), rồi xuống đò vượt sông Mã để vào bản Pa Búa. Đây được coi là tuyến thuận tiện nhất nếu thời tiết khô ráo và đò còn hoạt động. So với đường vòng theo quốc lộ 15C xuống bản Pá Quăn hay men theo triền sông Mã qua bản Suối Hộc, con đường này ngắn hơn nhiều.

Người dân xã nghèo Thanh Hóa mòn mỏi chờ cầu nối sông Mã- Ảnh 2.

Ngày ngày, người dân phải đánh cược mạng sống trên những chuyến đò chòng chành, không áo phao, không lan can bảo vệ.

Trong lúc đợi đò, anh Ngân Văn Bình thở dài: Hôm nay, đò không hoạt động rồi. Giờ phải đi đường vòng để vào bản thôi. Không biết trận mưa đêm qua đường có bị sạt lở không, nếu có chắc phải quay lại cho an toàn.

"Đi đò qua sông Mã mất 10 nghìn đồng mỗi lượt. Tôi biết là nguy hiểm nhưng nó gần và nhanh hơn rất nhiều so với phải lên cầu Xa Lao hay lên tận Pá Quăn để vòng vào bản Pa Búa. Để tiết kiệm thời gian thì không còn cách nào khác, tôi chấp nhận mất tiền đi đò và nguy hiểm", anh Bình kể.

Ông Đỗ Minh Thủy, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Trung Lý II cho biết: Không những giáo viên, học sinh mà còn bà con dân bản (Tà Cóm, Pa Búa, Cánh Cộng, Lìn, Co Cài) đi lại cũng rất khó khăn.

"Cách sông, cách đò, những ngày mưa gió, khi nước lớn, đò không được hoạt động, thầy cô giáo phải đi đường vòng, xa tới 40-50km, trong đó khoảng 10km đường đèo núi, trơn trượt không có người dân ở", ông Thủy cho biết.

Ước mơ có cây cầu

Chị Lương Thị Tiệp, giáo viên mầm non xã Trung Lý chia sẻ: Hằng ngày, nhiều thầy cô dạy ở các điểm trường phải đi lại rất vất vả. Khi nước rút còn đi được đò, tuy gần nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Những hôm nước sông dâng cao, đò dừng hoạt động, các thầy cô buộc phải đi đường vòng. Trời mưa, đường trơn trượt, không ít người bị ngã, bẩn hết quần áo, trầy xước chân tay, xe cộ hư hỏng.

Người dân xã nghèo Thanh Hóa mòn mỏi chờ cầu nối sông Mã- Ảnh 3.

Nếu không đi đò, người dân phải băng qua con đường gồ ghề và suối để đến trung tâm xã và ngược lại.

“Nhưng ngã ở đâu cũng phải tự đứng dậy mà đi tiếp. Thầy cô chúng tôi chỉ mong Nhà nước sớm quan tâm đầu tư xây cầu, để việc đi lại của giáo viên và bà con bớt nhọc nhằn”, chị Tiệp bày tỏ.

Ông Đinh Công Nghiến, Bí thư chi bộ bản Lìn cho biết: Bà con bản Lìn nói riêng và các bản dọc sông Mã thuộc xã Trung Lý nói chung đều mong mỏi Nhà nước sớm xây cầu, để việc đi lại, giao thương hàng hóa dễ dàng hơn.

“Nhiều hôm trời nắng chang chang, tôi đứng đợi mãi mà không có ai chèo đò. Có được cây cầu là mong muốn lớn nhất của người dân nơi đây”, ông Nghiến chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Ngân Văn Lon, Phó chủ tịch UBND xã Trung Lý cho biết: Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đều bày tỏ mong muốn sớm có cây cầu bắc qua sông Mã - tuyến huyết mạch nối quốc lộ 16 với quốc lộ 15C.

“Nếu có cầu, việc đi lại, đặc biệt là khám chữa bệnh của bà con sẽ thuận tiện hơn vì trạm y tế nằm ở phía bên kia sông”, ông Lon nói.

Người dân xã nghèo Thanh Hóa mòn mỏi chờ cầu nối sông Mã- Ảnh 4.

Để tuyến đường vào bản dễ đi, người dân cùng nhau san gạt mặt đường bằng phẳng hơn.

“Có cầu sẽ giúp người dân 5 bản Cá Giáng, Cánh Cộng, Pa Búa, Tà Cóm, Lìn (xã Trung Lý) đi lại, giao thương thuận tiện hơn; đồng thời khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Ngân Văn Lon cho biết.

Đại diện Sở Tài chính Thanh Hóa cho biết: Ngày 10/9/2024, (UBND huyện Mường Lát cũ) đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2026-2030 tại Kế hoạch số 237/KH-UBND, trong đó có việc khởi công mới dự án cầu Co Cài - Tài Chánh bắc qua sông Mã với tổng mức đầu tư dự kiến 200 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) đã tổng hợp nhu cầu vốn của dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, tham mưu cho UBND tỉnh có Tờ trình số 274/TTr-UBND ngày 4/12/2024 trình HĐND tỉnh về việc đề nghị cho ý kiến về dự kiến lần 1 nhu cầu kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 của tỉnh Thanh Hoá.

Theo báo cáo khảo sát, nếu có cầu từ bản Co Cài (xã Trung Lý) bắc qua sông Mã sang bản Tài Chánh (xã Mường Lý) sẽ giúp nhân dân 8 thôn bản xã Mường Lý (khoảng 3.900 người), cùng với dân các xã Trung Sơn, Thành Sơn… (khoảng 2.800 người), 5 bản xã Trung Lý (khoảng 2.500 người) và các xã giáp ranh của tỉnh Phú Thọ, tỉnh Sơn La, đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện, phát triển kinh tế, thầy cô đến các điểm trường gần và an toàn hơn.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.