Từ giảng viên thành quán quân "Điểm hẹn tài năng"
Thanh Thụy ở đâu, làm gì trước khi tham gia chương trình "Điểm hẹn tài năng"?
Trước đây, tôi có giọng hát rất bình thường, chất giọng yếu, kỹ năng chưa vững. Tôi mất thời gian dài để học, rèn luyện và tìm ra chất giọng thật sự của mình.

Ngoài giọng hát, Thanh Thụy còn ghi điểm nhờ tài năng chơi nhiều loại nhạc cụ.
11 thí sinh còn lại trong chương trình đều có màu sắc đặc trưng, tràn đầy năng lượng. Có bạn mới 20 - 23 tuổi, ở độ tuổi ấy, tôi chưa làm được như các bạn.
Thời gian qua, tôi chọn cách lắng nghe bản thân. Khi cảm thấy đủ tự tin, sẵn sàng về kỹ năng và cảm xúc, là thời điểm phù hợp để tôi bước ra, tham gia cuộc thi. Tôi nghĩ không sớm, không muộn, nhưng đúng thời điểm.
Từ khi nào, chàng trai có giọng hát không đặc biệt quyết định chinh phục con đường ca hát?
Từ 4-5 tuổi, tôi may mắn được gia đình cho đi học keyboard. Khi chơi giai điệu đầu tiên, tôi nghêu ngao hát một cách tự nhiên. Khoảnh khắc ấy khiến mọi người nhận ra tôi có năng khiếu ca hát.
Từ đó, trong tôi bắt đầu ươm mầm đam mê lớn với âm nhạc nói riêng và ca hát nói chung. Nhưng theo đuổi con đường này không dễ dàng, để sống được với đam mê, tôi hiểu mình phải kiên trì nuôi dưỡng mỗi ngày.
Đậu thủ khoa Nhạc viện TP.HCM, trở thành giảng viên và quán quân "Điểm hẹn tài năng" là thành quả của hành trình dài, với hơn 10 năm học tập, rèn luyện và không ngừng cố gắng hoàn thiện bản thân. Với tôi, âm nhạc chưa bao giờ là cuộc đua, mà là hành trình bền bỉ, kiên cường.
Hành trình yêu thương
Trong hành trình ấy, ai ảnh hưởng nhiều đến Thụy?
Bên cạnh sự nỗ lực không ngừng nghỉ, thành công của tôi còn là kết quả của hành trình đồng hành đầy yêu thương và sự tận tâm của cô giáo ThS, NSƯT Minh Huyền.
Khi tham gia chương trình, tôi phải tạm dừng đi dạy, trình diễn để toàn tâm toàn ý chuẩn bị cho chương trình. Tôi hỗ trợ, hướng dẫn học sinh từ xa. Thời gian đó, tôi phải xa nhà, xa môi trường sinh hoạt quen thuộc. Cường độ luyện tập căng thẳng, lịch trình dày đặc, từ tập hát, tập vũ đạo, làm việc với ban nhạc, đến học thuộc lời, làm quen sân khấu lớn.
Áp lực lớn nhất là biểu diễn trên sóng trực tiếp, không có cơ hội cho sai lầm. Với Thụy, mọi thứ là thử thách mới, kể cả việc kiểm soát tâm lý trước khán giả, ống kính máy quay.
Ca sĩ Thanh Thụy
Tôi gặp cô vào thời điểm tôi hoang mang, mất phương hướng. Cô ân cần dẫn dắt, động viên và hỗ trợ tôi từ việc nhỏ nhất, mà chưa một lần đòi hỏi quyền lợi, đền đáp.
Tham gia "Điểm hẹn tài năng", cô luôn sát cánh bên tôi, từ những buổi luyện tập căng thẳng, nhớ nhà, đến lần đầu bỡ ngỡ lo sợ khi bước lên sân khấu lớn. Cô luôn nhắc tôi phải tin vào chính mình và con đường đã chọn.
Với tôi, cô là người thầy, người mẹ và người bạn đồng hành, giúp tôi định hình rõ phong cách, đạo đức nghề nghiệp, sự điềm đạm trong từng bước đi, đồng thời giúp tôi trở thành chiến binh bản lĩnh, giàu lòng biết ơn, trách nhiệm với nghệ thuật, với những người đặt niềm tin nơi mình.
Gia đình ở đâu trong con đường âm nhạc của Thụy?
Gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất với tôi. Gia đình tôi không có truyền thống nghệ thuật, ba mẹ tôi làm bên ngành y. Nhưng cả nhà đều đam mê âm nhạc và truyền cảm hứng cho tôi từ khi tôi còn nhỏ.
Tôi may mắn khi được gia đình ủng hộ theo con đường nghệ thuật. Từ lúc tôi tập tành đi diễn ở các quán bar, nhà hàng, tụ điểm âm nhạc ở TP.HCM, đến khi có những thành quả nhất định, gia đình luôn đồng hành cùng tôi.
Khi tham gia "Điểm hẹn tài năng", ba mẹ rất lo vì tôi phải ở Hà Nội thời gian dài. Tất cả những đêm liveshow, gia đình đều bay ra Hà Nội để đồng hành, tiếp sức cho tôi trình diễn được tốt nhất.
Học Jazz để được là chính mình
Đã bao giờ anh nghĩ, nếu theo đuổi dòng nhạc khác, không phải jazz, cái tên Thanh Thụy đã đình đám từ lâu?
Jazz là dòng nhạc khá kén người nghe ở Việt Nam. Một phần có thể đến từ rào cản ngôn ngữ, nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Anh, hoặc có cấu trúc âm nhạc phức tạp hơn các dòng nhạc khác.

Ca sĩ Nguyễn Thanh Thụy
Nhưng tôi nghĩ, âm nhạc nào cũng có khán giả riêng. Chỉ cần mình trung thực với cảm xúc và kiên trì đi con đường mình tin tưởng, sớm muộn sẽ tìm được người đồng cảm.
Tôi lồng ghép khá nhiều yếu tố nhạc jazz, nhất là phần ngẫu hứng trong cách hát tại "Điểm hẹn tài năng", nhận phản hồi tích cực của khán giả, ban giám khảo. Tôi luôn tin jazz là sự tự nhiên và phóng khoáng, không bó buộc trong bất kỳ thể loại âm nhạc nào, có thể được kết hợp và áp dụng vào những dòng nhạc khác nhau.
Âm nhạc đến từ cảm xúc. Tôi học jazz để được là chính mình. Jazz giúp tôi tìm được màu sắc trong chất giọng của riêng mình. Trước khi được tiếp xúc với jazz, tôi thiếu sự định hướng, chưa hiểu rõ việc mình cần gì. Tôi thường bắt chước nhiều nghệ sĩ trong cách hát. Khi đến với jazz, tôi thấy mỗi cá nhân là màu sắc khác nhau, không ai giống ai, tự nhiên và phóng khoáng, từ đó, tôi tìm được "chất" của riêng mình.
Khi đứng trên bục giảng của Nhạc viện TP.HCM, anh có phải tiết chế sự tự nhiên, phóng khoáng của một nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc jazz?
Tôi mới đảm nhiệm giảng dạy môn Thanh nhạc tại trường được vài tháng. Hiện, tôi đang phụ trách 2 bạn học sinh, là hậu bối. Tôi nghĩ mình là đàn anh đi trước, truyền đạt và chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ.
Nghệ sĩ biểu diễn, giảng dạy tưởng chừng khác nhau, nhưng với tôi, hai công việc bổ trợ cho nhau. Một bên giữ cho tôi sự chỉn chu, nền tảng; một bên cho tôi sự tự do sáng tạo và cảm xúc.
Làm giảng viên, tôi có cơ hội làm chuyên môn đều đặn, không ngừng đào sâu kiến thức và giữ cho bản thân luôn gắn bó với âm nhạc một cách bài bản. Tiếp xúc với các bạn sinh viên trẻ là nguồn cảm hứng để tôi được cập nhật, làm mới mình. Tôi được học hỏi ngược lại từ các bạn - từ gu âm nhạc, đến những bài hát mới, màu sắc âm nhạc mới.
Từ giảng đường bước lên sân khấu lớn, anh có sợ chất riêng bị thay đổi?
Điều quan trọng nhất với nghệ sĩ là bản sắc. Mỗi nghệ sĩ có góc nhìn, trải nghiệm và cách kể chuyện riêng. Sự khác biệt ấy làm nên giá trị thật sự của nghệ thuật.
Từ giảng đường bước ra sân khấu lớn là bước chuyển lớn, nhưng tôi muốn giữ màu sắc của mình, kể những câu chuyện chân thật nhất bằng âm nhạc.
Hiện tại, tôi và ban nhạc đang thực hiện một album, gồm nhiều ca khúc nhạc Việt gắn liền với ký ức nhiều thế hệ, nhưng được làm mới hoàn toàn với màu sắc âm nhạc hiện đại, giao thoa với âm nhạc đến từ nước ngoài (funky, latin, jazz, city pop, hip hop…). Đây là phong cách tôi đã từng thể hiện tại "Điểm hẹn tài năng". Tôi mong mang đến cho người nghe cảm giác vừa thân quen, vừa mới mẻ, để những ca khúc xưa được sống lại trong hơi thở mới, hiện đại, gần gũi hơn với thế hệ trẻ.
Tôi mong có cơ hội hợp tác cùng các nhà sản xuất âm nhạc tài năng, để tiếp tục ra mắt những sản phẩm chỉn chu, mang dấu ấn riêng.
Cảm ơn anh!
Thanh Thụy sinh năm 1996, tại TP.HCM. Anh từng là thủ khoa Thanh nhạc Nhạc viện TP.HCM, đoạt Huy chương Vàng Hội thi tài năng trẻ toàn quốc năm 2020. Hiện, anh là giảng viên khoa Jazz, Pop, Rock và Công nghệ âm nhạc của Nhạc viện TP.HCM.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận