Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Xã hội

Nhà cao tầng ở Việt Nam chống chịu động đất thế nào?

Nhà cao tầng ở Việt Nam chống chịu động đất thế nào?

10/04/2025, 08:00

Trận động đất 7,7 độ ở Myanmar gây ra rung chấn lan rộng sang nhiều nước trong khu vực. Ở Việt Nam, dù cách xa hàng nghìn km, nhiều tòa nhà cao tầng vẫn cảm nhận rung lắc, thậm chí một số căn hộ ở TP.HCM còn bị nứt tường, khiến nhiều người lo ngại.

Vậy, các tòa nhà cao tầng ở Việt Nam được thiết kế chống chịu động đất thế nào?

"Bài toán" kháng chấn

Những năm gần đây, nhiều trận động đất lớn xảy ra trên thế giới, gây thiệt hại nặng nề về người, nhà ở, công trình và cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Nhà cao tầng ở Việt Nam chống chịu động đất thế nào?- Ảnh 1.

Thiết kế công trình xây dựng chống động đất là yêu cầu bắt buộc.

Dù không nằm trong khu vực hoạt động địa chấn mạnh như vành đai lửa Thái Bình Dương (Nhật Bản, Philippines, Indonesia) hay vành đai động đất Địa Trung Hải - Himalaya, song lãnh thổ Việt Nam được xác định là vùng có động đất, có thể chịu ảnh hưởng bởi địa chấn xảy ra trong khu vực.

Trận động đất xảy ra tại Myanmar cuối tháng 3 mới đây, dù cách tâm chấn hàng nghìn cây số, nhưng người dân trên các tòa nhà cao tầng tại TP.HCM, Hà Nội vẫn cảm nhận rung lắc nhẹ. Tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) thời gian qua cũng liên tiếp ghi nhận các trận động đất nhỏ, dù cấp độ rủi ro thiên tai bằng 0 (không gây thiệt hại).

Trước thực tế nêu trên, vấn đề an toàn cho công trình, đặc biệt là công trình cao tầng trở thành tâm điểm. "Bài toán" kháng chấn là yêu cầu cấp thiết, để bảo vệ tính mạng con người, tài sản và tuổi thọ công trình.

Chống động đất là yêu cầu bắt buộc

Theo PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), Việt Nam nằm trong vùng có động đất. Để phục vụ yêu cầu thiết kế kháng chấn các công trình xây dựng, Nhà nước đã xây dựng các trạm quan trắc địa chấn nhằm nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu động đất trên lãnh thổ Việt Nam thể hiện trong QCVN 02:2009/BXD.

Từ các dữ liệu này, việc thiết kế kháng chấn phù hợp với từng vùng, được hướng dẫn bằng tiêu chuẩn thiết kế kháng chấn TCVN 9386:2012. Tại Việt Nam, hành lang kỹ thuật liên quan thiết kế công trình chịu động đất khá đầy đủ.

Theo Điều 91 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về việc đảm bảo an toàn đối với công trình xây dựng, các công trình xây dựng phải được thiết kế, thi công đảm bảo khả năng chịu lực, tính ổn định và tính bền vững trong điều kiện động đất.

Năm 2022, QCVN 02:2022/BXD quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng được ban hành, trên cơ sở soát xét QCVN 02:2009/BXD.

Quy chuẩn kỹ thuật này quy định số liệu điều kiện tự nhiên áp dụng trong việc lập, thẩm định, phê duyệt các hoạt động xây dựng, gồm: lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tại Việt Nam.

TS Lê Minh Long, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định, thiết kế công trình chống động đất là yêu cầu bắt buộc, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người sử dụng, đặc biệt trong khu vực địa chất không ổn định.

Khi xây dựng, các công trình phải được khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn nói trên để đảm bảo chất lượng, độ bền vững của công trình, đảm bảo an toàn cho người, góp phần bảo vệ tài sản và giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp động đất xảy ra.

Tuân thủ tuyệt đối quy chuẩn

Theo PGS.TS Trần Chủng, các công trình dân dụng, công trình giao thông, thủy điện… đã được xây dựng tại Việt Nam đều được thiết kế đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chống chịu thiên tai, trong đó có động đất.

Bên cạnh đó, công trình cao tầng và siêu cao tầng ở các đô thị lớn đều được tính toán, thẩm tra kỹ lưỡng theo cấp động đất tương ứng, từ các kỹ sư kết cấu trong nước và quốc tế.

"Các đơn vị thiết kế, thẩm tra, thẩm định cùng các cơ quan chức năng phải tuân thủ tuyệt đối quy định của pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế, thi công công trình chịu động đất trong quá trình xây dựng", ông Chủng nói.

TS Trần Bá Việt, Phó chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam cho biết, hiện nay các công trình cao tầng đều phải thực hiện thiết kế kháng chấn cho kết cấu chịu lực, theo bản đồ phân vùng cấp động đất, thường được tư vấn thiết kế chọn kết cấu bê tông cốt thép.

Trong thi công, phần nền móng thường sử dụng cọc khoan nhồi và tường bê tông cốt thép trong đất, với hệ móng là bản đáy bê tông cốt thép, cho phép sử dụng các tầng hầm, vừa chịu lực, ổn định, vừa chống thấm.

Cốt thép phải được tư vấn thiết kế lựa chọn phù hợp với tiêu chuẩn, thường sử dụng thép cường độ cao, sàn sử dụng cáp dự ứng lực với tính toán đảm bảo kháng chấn phù hợp với phân vùng động đất. Ngoài tính toán kháng chấn cho kết cấu chịu lực chính, cần quan tâm đến cấu tạo ổn định cho tường, khối xây, vách kính trong tòa nhà cao tầng, nhất là từ tầng 9 trở lên.

"Trong quá trình thi công, phải quan tâm đến khả năng kháng chấn cho công trình, hệ giáo, cẩu trục... Để đảm bảo yêu cầu thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật thi công, cần có tư vấn giám sát, kiểm tra, thử nghiệm trong suốt quá trình thi công, như yêu cầu của thiết kế và đáp ứng tiêu chuẩn thi công nghiệm thu", TS Việt cho biết.

Các chuyên gia khuyến nghị, cần áp dụng tiến bộ khoa học, sử dụng hiệu quả các phần mềm là công cụ hỗ trợ trong thiết kế, thi công, cũng như thẩm tra, thẩm định các công trình xây dựng chịu động đất. Đồng thời, tính toán phương án cứu hộ, cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại khi động đất, thiên tai xảy ra, gây thiệt hại lớn.

Công trình cũ có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng cần theo dõi, kiểm tra để kịp thời tu sửa, gia cố, sẵn sàng phương án sơ tán người dân trong trường hợp thiên tai xảy ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.