Chiến tranh để lại cảm xúc kỳ lạ
Trong chương trình "Cuộc hẹn cuối tuần" khán giả được lắng nghe nhạc sĩ Trần Tiến tâm sự nhiều kỷ niệm về chuyện đời, chuyện nghề.
Được biết, lúc đất nước còn chiến tranh, ông và đồng đội từng tham gia biểu diễn ở vùng tuyến lửa như Quảng Bình, Vĩnh Linh.

Nhạc sĩ Trần Tiến hội ngộ nhạc sĩ Đức Tiến trong chương trình "Cuộc hẹn cuối tuần".
"Tôi từng suýt mất mạng vì sốt rét. Năm 20 tuổi, tôi bị mất nghe tiếng ở một bên tai. Tôi phải chiến đấu, nghe nhạc trong tim chứ không nghe bằng tai", nhạc sĩ nhớ lại.
Khi MC Long Vũ hỏi: "Với những đồng đội, anh muốn nói gì với họ?", Trần Tiến xúc động: "Nói suốt đời không hết. Đến bây giờ nhiều đêm chợt tỉnh dậy hỏi chúng mày đâu rồi? Tôi mong mãi mãi trên cuộc đời này các em đừng trải nghiệm gì về chiến tranh cả".
Trải qua mưa bom bão đạn, nhạc sĩ Trần Tiến thấy trân trọng những ngày được sống, yêu quý những điều xung quanh mình. Ông chia sẻ chiến tranh để lại cho ông cảm xúc kỳ lạ: yêu con người, bạn bè, bố mẹ đến tận cùng. Từ đó ông cho ra đời ca khúc "Tạm biệt chim én", "Quê nhà"…

NSND Thái Bảo hát "Vết chân tròn trên cát" trong chương trình.
Trong chương trình, nhạc sĩ Trần Tiến bùi ngùi nhớ lại cảm hứng viết ca khúc "Vết chân tròn trên cát". Ca khúc được ông sáng tác khoảng năm 1981, sau vài năm tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Trong một chuyến thực tế về Tiền Hải (Thái Bình), khi lang thang ven biển, nhạc sĩ chợt thấy các vết nạng tròn trên cát, bên cạnh là những vệt dài của chiếc chân còn lại.
Hỏi thăm mọi người, ông biết được đó là dấu chân của một người lính bị thương tật do chiến tranh, hàng ngày đều đến trường dạy nhạc cho trẻ em miễn phí.
"Sáng dậy tôi thấy trên cát có những dấu chấm, tưởng tượng như nốt nhạc trên trời bao la.
Anh thương binh hát hay lắm, dạy các cháu không có lương, chỉ bằng tình yêu trẻ con. Ở quanh ta có những vì sao. Như anh thương binh đó, không cần tỏa sáng", nhạc sĩ tâm sự.
Chính vì vậy, ông đã đưa hình ảnh này vào câu hát: "Anh thương binh vẫn đến trường làng/ Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương".
Ca khúc sau này gắn bó với tên tuổi của NSND Thái Bảo. Tại "Cuộc hẹn cuối tuần", NSND Thái Bảo đã ôm đàn guitar thể hiện lại ca khúc này.
"Em luôn biết ơn anh, vì anh là vừa là tượng đài vừa là thần tượng của em. Một nhạc sĩ em rất trân trọng và yêu quý. Nhờ bài này mở đường con đường sự nghiệp của em", NSND Thái Bảo tâm sự.
Những người phụ nữ trong âm nhạc của Trần Tiến
Không chỉ chiến tranh, quê hương, đất nước, mẹ, chị - những người phụ nữ đã chăm sóc Trần Tiến cũng là nguồn cảm hứng âm nhạc bất tận của ông.
Ông kể, năm 1984 khi đang ở An Giang thì biết tin mẹ mất. Ông tìm đủ phương tiện để về với mẹ, nhìn bà lần cuối.
"Bài hát nào của tôi cũng có bóng dáng của mẹ. Bố mất năm 42 tuổi, nhà tôi 8 anh em, một mình mẹ chăm lo hết. Mẹ đi làm công nhân, rửa bát cho hàng phở kiếm thêm nuôi các con.
Có 3 bài không bao giờ tôi hát, trả cát xê hàng tỷ đồng cũng không hát là 'Chị tôi', 'Mẹ tôi' và 'Quê nhà' vì không hát nổi, vài câu là phải dừng", Trần Tiến bộc bạch.

Nhạc sĩ Trần Tiến thừa nhận ông "quá yêu mẹ", mẹ cũng là nguồn cảm hứng cho các sáng tác nghệ thuật của ông.
Trong chương trình, nhạc sĩ Đức Trí bày tỏ sự đồng cảm với Trần Tiến bởi anh ấn tượng rất mạnh với ca từ và giai điệu của bài "Mẹ tôi".
"Tôi cũng mất bố mẹ từ sớm. Bố mất khi tôi đang học lớp 12 nên cảm giác cô đơn lắm. Một lần, khi chứng kiến ca sĩ Vũ Thắng Lợi tập bài này, cậu ấy hát được đúng 2 câu rồi khóc oà như một đứa trẻ trong khi dàn nhạc cứ chơi. Tôi ám ảnh mãi", nhạc sĩ Đức Trí kể.
Cuối chương trình, nhạc sĩ Trần Tiến bất ngờ được chúc mừng sinh nhật. Dịp đặc biệt này, ông mong ước: "Điều mong muốn tôi sau khi thổi nến là cố gắng viết thêm được bài hát nào tặng mọi người thì đó là hạnh phúc.
Các bạn phải nhớ chúng ta sống không dài lâu. Vì vậy tôi xin các bạn sống từng giây, từng tích tắc một đời sống thú vị, hạnh phúc".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận